Vụ xúc xích chứa chất "gây ung thư": Cục phó Cục ATTP lên tiếng

Hà Khê |

Chất phụ gia thực phẩm Sodium nitrate (E251) được sử dụng ở VN như thế nào, có được dùng cho xúc xích hay không, có gây ung thư không? Lãnh đạo Cục Vệ sinh ATTP đã lên tiếng.

Như tin đã đưa, cuối tháng 4/2016 lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra lô hàng hơn 3.000 sản phẩm xúc xích nhãn hiệu Viet Foods của Công ty TNHH TM Thực phẩm Hùng Anh.

Kết quả kiểm nghiệm của Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm Vệ sinh an toàn thực phẩm Quốc gia - Bộ Y tế cho thấy cả 4/4 mẫu xúc xích mà lực lượng quản lý thị trường gửi sang đều chứa chất Sodium Nitrat.

Ông Lê Đức Thanh, Đội phó Đội Quản lý thị trường số 14 (đơn vị phát hiện và thu giữ lô hàng) cho biết: “Theo thông tư 27, ngày 30/11/2012 có hiệu lực từ năm 2013 của Bộ Y tế, chất sodium nitrate – 251 không được sử dụng trong thực phẩm, duy nhất chỉ được dùng trong pho mát tươi.

Theo vấn đề về lý hóa, khi chất chất sodium nitrate – 251 có trong xúc xích mà người dân tiến hành xử lý nhiệt như hấp, rán, nướng thì nó sẽ tạo ra một hoạt chất khác là tác nhân gây bệnh ung thư...".

Những thông tin này đã gây nên sự lo ngại rất lớn với người tiêu dùng, bởi vì trên thị trường hiện nay ngoài sản phẩm Viet Foods còn rất nhiều loại xúc xích của các công ty khác cũng "đàng hoàng" ghi trên bao bì là thành phần có chất E251. Chẳng hạn như mẫu sản phẩm bên dưới:

Vụ xúc xích chứa chất gây ung thư: Cục phó Cục ATTP lên tiếng - Ảnh 1.

Vậy thực tế chất phụ gia E251 có được phép sử dụng trong xúc xích và có gây ung thư hay không? Để làm rõ những thắc mắc này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm.

PV: Thưa ông, chất Sodium nitrate (E251) hiện nay được sử dụng ở Việt Nam như thế nào?

TS. Lê Văn Giang: Theo quy định thì chất Sodium nitrate - E251 ở Việt Nam nằm trong danh mục cho phép, được sử dụng trong pho mát. Tuy nhiên, liều lượng sử dụng ra sao đã được quy định rất rõ.

Vụ xúc xích chứa chất gây ung thư: Cục phó Cục ATTP lên tiếng - Ảnh 2.

Sodium nitrate có chỉ số ISN 251 (INS là chỉ số đánh số cho mỗi chất phụ gia thực phẩm, do Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế xây dựng), nằm trong danh mục cho phép sử dụng. Ảnh chụp từ Phụ lục Thông tư 27/2012/TT-BYT của Bộ Y tế về Hướng dẫn quản lý phụ gia thực phẩm.

Nói như vậy nghĩa là việc chất Sodium nitrate đang sử dụng trong các sản phẩm xúc xích hiện nay là trái phép?

TS. Lê Văn Giang:​ Điều đó không có nghĩa là cấm khi sử dụng chất này trong sản xuất xúc xích.

Về vấn đề này, phải đọc kỹ Khoản 2, Điều 8 Thông tư 19/2012/TT-BYT của Bộ Y tế Hướng dẫn việc công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.

Hiện nay, chất E251 được nhiều nước trên thế giới cho phép được sử dụng trong sản xuất xúc xích như Úc, Nhật, Niuzilan, Trung Quốc, Singapore, Malaixia, EU…

Nói tóm lại thì Sodium nitrate có cấm dùng cho sản xuất xúc xích hay không, thưa ông?

TS. Lê Văn Giang: Như tôi đã nói ở trên, chất Sodium nitrate (E251) không phải là chất cấm, nhưng hiện trong danh mục cho phép của Việt Nam thì chất này được sử dụng rộng rãi trong sản xuất pho mát.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà bảo chất này là chất cấm.

Vì sao lực lượng Quản lý thị trường lại bắt lô xúc xích của công ty TNHH TM Thực phẩm Hùng Anh vì có chất E251, trong khi xúc xích của những đơn vị khác cũng chứa chất này?

TS. Lê Văn Giang:​ Trong vụ việc này, Quản lý thị trường đã không đọc kỹ các văn bản, quy định của pháp luật nên hiểu sai vấn đề.

Chính xác hơn là trong vụ này, quản lý thị trường đã hiểu lệch vấn đề.

Lý do là theo quy định của Việt Nam, chúng ta có một danh mục những chất được sử dụng. Nhưng có một thực tế là ở nước ta xây dựng văn bản đang còn chậm, không được như tổ chức Codex (Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm).

Vụ xúc xích chứa chất gây ung thư: Cục phó Cục ATTP lên tiếng - Ảnh 3.

TS. Lê Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế. (Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp)

Với tổ chức Codex, bình thường hàng năm người ta sẽ soát xét và bổ sung danh mục, có muộn thì cũng khoảng 2-3 năm họ sẽ cập nhật. Còn ở Việt Nam, có khi phải lên tớn 5 năm cũng chưa kịp. Cái này có lý do khách quan như kinh tế, con người...

Theo Khoản 2, Điều 8 Thông tư 19/2012 của Bộ Y tế, ban hành năm 2012 cũng nêu rõ, nếu như các chất phụ gia thực phẩm không có trong danh mục Việt Nam cho phép, nhưng được quốc tế cho sử dụng mà ta chưa kịp cập nhật, thì Bộ Y tế sẽ xem xét.

Trong vụ việc bắt giữ lô xúc xích của doanh nghiệp vừa rồi bên Quản lý thị trường đọc không rõ về điều này, lẽ ra khi đối chiếu không có chất E251 trong danh mục cho phép thì ông phải làm công văn gửi Bộ Y tế xem chất này nằm trong trạng thái nào để còn có phương án xử lý.

Đây không phải lần đầu tiên xảy ra việc kiểu như thế này từ quản lý thị trường. Chúng tôi cũng đã nhắc nhở rất nhiều, nhưng cán bộ quản lý thị trường người thì hiểu người thì chưa rõ.

Quản lý thị trường làm thế rất nguy hiểm đối với doanh nghiệp, thương hiệu của nhà sản xuất có thể mất đi sau những vụ như thế.

Vậy vụ việc này sẽ xử lý như thế nào, thưa ông?

TS. Lê Văn Giang: Đây là một vụ việc nhỏ lẻ, đơn thuần nên trách nhiệm được giao cho cấp cơ sở xử lý, ở đây là Chi cục Quản lý thị trường tỉnh và Chi Cục An toàn thực phẩm tỉnh sẽ phối hợp xử lý, chúng tôi không can thiệp.

Vậy, hiện nay Cục đã có kế hoạch cập nhật chất Sodium nitrate vào danh mục cho phép để tránh việc doanh nghiệp vừa làm vừa run không, thưa ông?

TS. Lê Văn Giang: Cái này không phải theo từng cái một, nghĩa là không thể vài ngày hay vài tháng thấy một chất mà thế giới sử dụng phổ biến là mình có thể cập nhật vào danh mục ngay. Thông thường, vài năm Cục sẽ cập nhật một lần.

Vì thế, cái Khoản 2, Điều 8, Thông tư 19/2012 là điều khoản mở để xử lý mọi tình huống cho những chất chưa có nằm trong danh mục.

Nghĩa là, khi thấy chất này phổ biến trên thế giới, nhưng Codex và Cục chưa cập nhật thì sẽ làm văn bản đề xuất, Cục sẽ xem xét và thông qua.

Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!

Nếu dùng quá liều lượng cho phép sẽ không an toàn

Liên quan đến câu chuyện này, trả lời PV Báo điện tử Trí Thức Trẻ, GS. TS. Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho rằng, chất Sodium nitrate đang được phép sử dụng ở Việt Nam nhưng quan trọng là tỉ lệ, liều lượng sử dụng như thế nào.

Nếu dùng quá liều lượng cho phép sẽ không an toàn.

Cũng liên quan đến sự việc này, ông Trần Quang Trung, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm từ chối trả lời về vấn đề này.

Ông Trung viện lý do đã nghỉ hưu nên không nắm rõ về vụ việc cũng như những quy định liên quan đến vụ vụ việc này.

Điều 8. Công bố đối với phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm

1. Đối với phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm có trong danh mục được phép sử dụng do Bộ Y tế ban hành: Tổ chức, cá nhân thực hiện công bố sản phẩm theo quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 6 và Điều 7 của Thông tư này.

2. Đối với phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không thuộc danh mục được phép sử dụng của Việt Nam; sản phẩm có chứa phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không thuộc danh mục được phép sử dụng của Việt Nam nhưng thuộc danh mục theo quy định của Codex hoặc được phép sử dụng ở nước sản xuất, Cục An toàn thực phẩm sẽ xem xét để cho phép công bố sản phẩm. (trích Thông tư 18/2012 của Bộ Y tế).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại