Vì sao lại có chuyện "bí ẩn" như thế? Cho đến nay sau 8 ngày phiên tòa diễn ra, vẫn không ai đưa ra được câu trả lời chuyên môn về vấn đề này. Ngoài ra, còn một "bí ẩn" nữa về việc, Quốc khai 3 tháng trước cũng súc rửa hệ thống RO bằng hỗn hợp 3 hóa chất mà "không ai bị làm sao", nhưng lần sau lại xảy ra sự cố!
Hôm qua, 23/5, trong phần thẩm vấn bị cáo Quốc, luật sư Trần Hồng Phúc đã đặt nhiều câu hỏi nhằm xác nhận các vấn đề chuyên môn liên quan đến nguyên nhân trực tiếp gây chết người, dù vậy, vẫn chưa có câu trả lời về 2 "bí ẩn" nêu trên.
Với mong muốn tìm ra bản chất của những vấn đề chuyên môn trong vụ án thảm họa y tế này, từ đầu khi phiên tòa đến nay chúng tôi đã lý giải được:
1. AAMI thật ra không có nghĩa lý gì trong việc xem xét tội trạng của các bị cáo (xem bài chi tiết). Và thực tế sáng nay, LS Nguyễn Tiến Thủy (bào chữa cho bị cáo Trần Văn Sơn) trong quá trình tranh tụng có nói: "Chỉ số AAMI tính khả thi không có, vậy khi xảy ra sự cố thì trách nhiệm thuộc về ai?".
2. Không hề có chuyện giao việc quản lý đơn nguyên thận nhân tạo cho BS Hoàng Công Lương, cuốn sổ giao ban "bí ẩn" đã được giải mã khi nhân chứng Đinh Tiến Công tiết lộ sự thật (xem bài chi tiết).
3. Và tối qua (23/5), thêm một "bí mật" lớn về trách nhiệm của những người liên quan tại BV Đa khoa Hòa Bình đã được tiết lộ trong clip được LS Trần Hồng Phúc công bố (xem chi tiết).
Còn dưới đây, chúng tôi xin giải mã 2 "bí ẩn" cuối cùng cũng đang là dấu hỏi cho các luật sư, bị cáo, HĐXX, VKS và dư luận trong thảm họa y tế này: vì sao chỉ số đồng hồ đo điện "bình thường" vẫn gây chết người, và, vì sao 3 tháng trước hóa chất không làm chết người 3 tháng sau lại gây họa?
Nội dung phỏng vấn được thực hiện với bác sĩ Bùi Nghĩa Thịnh, chuyên gia uy tín về hệ thống RO, là người được các luật sư tin tưởng mời tư vấn trong vụ án này và các luật sư đã đề nghị ông Thịnh xuất hiện tại tòa trong vai trò phát biểu về chuyên môn - nhưng HĐXX từ chối.
- PV: Thưa ông, theo dõi diễn biến phiên toà xét xử BS Hoàng Công Lương và 2 bị cáo khác mấy hôm nay, có một vấn đề đáng chú ý trong lời khai của Bùi Mạnh Quốc nhưng vẫn chưa được làm rõ. Quốc khai, 3 tháng trước cũng dùng hỗn hợp dung dịch HF, HCl, acid citric để sục rửa màng RO như lần này. Vậy tại sao sự cố không xảy ra ngay khi đó, mà phải đợi đến ngày 29/5/2017?
BS Bùi Nghĩa Thịnh: Đây là yếu tố kỹ thuật tương đối phức tạp, do vậy trước khi đi vào trả lời câu hỏi này, tôi xin trình bày một số kiến thức cơ bản để độc giả có thể hiểu được nguyên lý hoạt động của màng RO.
Màng RO là một màng bán thấm, có đặc tính chỉ cho nước đi qua và giữ các chất hòa tan ở lại. Giờ ta có một dung dịch có chứa các chất hòa tan. Tùy theo nồng độ vật chất hòa tan bên trong dung dịch mà ta có áp lực thẩm thấu khác nhau. Nồng độ vật chất càng cao thì áp lực thẩm thấu càng cao. Áp lực thẩm thấu có xu hướng hút nước về dung dịch hòa tan nhằm làm loãng nồng độ vật chất trong dung dịch đó ra.
Để dễ hiểu tôi sẽ lấy một ví dụ như sau: ta cho dung dịch có chứa các chất hoà tan vào 1 cái bình được làm bằng màng RO, đậy nắp lại, lắc thoải mái, nước không rỉ ra ngoài do có áp lực thẩm thấu cao, nhưng nếu ta gia áp cái bình đó lên vượt ngưỡng áp lực thẩm thấu, thì ta sẽ thấy nước bắt đầu được ép ra và rỉ ra ngoài bình. Quá trình gia áp để ép nước ra khỏi dung dịch chứa các chất hòa tan này ngược với lực thẩm thấu nên được gọi là quá trình thẩm thấu ngược. Đây chính là nguyên lý hoạt động của màng RO.
Về cấu tạo, màng RO gồm nhiều lớp màng bán thấm cuộn tròn lại theo hình trụ được cho vào trong một cái vỏ màng (hộp màng). Trên vỏ màng có 3 đường dẫn nước: dẫn nước nguồn vào, dẫn nước thải loại ra và dẫn nước RO thành phẩm ra. Ba đường nước này được gắn trên nắp của vỏ màng.
Nếu màng RO được gắn bên trong vỏ màng đúng quy cách thì đường nước thải loại và đường nước RO thành phẩm sẽ hoàn toàn tách biệt, nôm na là nước sông không phạm nước giếng. Tuy nhiên khi tháo màng RO ra, thì vỏ màng (hộp màng) chỉ là 1 khoang rỗng nối thông 3 đường nước kể trên.
Bây giờ quay lại câu hỏi của cô, thì vào thời điểm tháng 2/2018, Quốc không tháo màng RO để vệ sinh, và cũng không thay màng, mà Quốc cho hỗn dịch acid vào chạy quẩn để vệ sinh màng. Màng RO đã chặn acid không cho sang bên nước RO thành phẩm nên không có chuyện gì xảy ra. Tuy nhiên vào ngày 28/5/2017, Quốc rút 4 màng ra ngoài để chùi rửa vệ sinh, đồng thời cho hỗn dịch acid vào 4 vỏ màng, đóng nắp lại và bất bơm cho chạy quẩn.
Đây chính là điểm khác biệt giữa 2 lần. Lần này không còn màng RO chặn nữa, nên hỗn dịch 3 acid chạy qua hệ thống dẫn nước RO thành phẩm thẳng vào bồn chứa 2000L. Đây chính là nguyên nhân 3 acid kể trên trong đó có acid HF gây nhiễm bẩn nước RO thành phẩm.
PV: Trong phiên toà, có lúc LS Lê Thiệp phải thốt lên rằng, chỉ vì "tiết kiệm" 12 triệu mà làm chết 8 mạng người. Thông tin này nghe quả thực chấn động! Vậy theo ông, nếu họ thay đủ 4 màng RO thì sẽ không có chuyện bỏ lọt hoá chất vào nước RO thành phẩm, có đúng không, thưa ông?
BS Bùi Nghĩa Thịnh: (Nhún vai) Đây là lập luận của phía luật sư trong quá trình bào chữa cho Hoàng Công Lương, tôi xin không đưa ra ý kiến.
PV: Người ta làm cách nào để phát hiện nước RO bị nhiễm bẩn hoá chất không, thưa ông?
BS Bùi Nghĩa Thịnh: Nước RO chuẩn là nước rất tinh khiết, gần như không có chất hòa tan. Do vậy nó có độ dẫn điện rất thấp, gần như không đáng kể. Lợi dụng đặc điểm này người ta lắp 1 đồng hồ đo độ dẫn điện ở phía sau màng RO, trên đường dẫn nước thành phẩm. Nếu độ dẫn điện thấp, nằm trong giới hạn cho phép có nghĩa là nồng độ vật chất hòa tan trong nước thành phẩm thấp trong ngưỡng cho phép.
Vì một lý do nào đó như nước bị nhiễm bẩn hóa chất, màng RO thủng hoặc giảm hiệu suất < 90% thì nồng độ các vật chất hòa tan tăng lên làm độ dẫn điện tăng lên. Khi độ dẫn điện vượt ngưỡng cho phép, thì bắt buộc phải dừng quá trình sản xuất nước RO.
PV: Nhưng cả bị cáo Quốc và bị cáo Sơn đều khai khi bật máy hoạt động sau sửa chữa thì đồng hồ dẫn điện vẫn ở trong giới hạn bình thường. Ông giải thích thế nào về hiện tượng này? Có phải do đồng hồ hỏng?
BS Bùi Nghĩa Thịnh: Thật ra rất khó nói đồng hồ đo độ dẫn điện hỏng. Quốc có khai trước tòa là đồng hồ dẫn điện báo chỉ số trước sửa chữa dao động từ 8.68-9.0. Nếu hỏng nó đã không chạy và có con số dao động như thế này. Nếu có thì có thể có sai số. Cái này cần được các đơn vị có nghiệp vụ kiểm định mới có thể trả lời được về mức độ sai số.
Tuy nhiên với lượng Fluoride tìm thấy tại các máy thận cao gấp hơn 250 giá trị bình thường, thì tôi e rằng chỉ số độ dẫn điện sẽ tăng lên rất cao, ít nhất là vượt ngưỡng an toàn ( > 10 microsiemens/cm).
Theo tôi thì trong khi sục rửa vỏ màng, bơm cao áp đã bơm 1 lượng lớn hỗn dich acid vào bồn chứa RO thành phẩm, và có làm tăng chỉ số độ dẫn điện, nhưng không được để ý tại thời điểm này. Khi hoàn tất các công việc vệ sinh vỏ màng và màng RO, Quốc lắp lại 2 màng cũ 2 màng mới vào vỏ màng, rồi cho chạy máy, lúc này nước RO mới, tốt, không nhiễm bẩn được tạo ra tiếp tục dồn hỗn dịch acid đã có sẵn trong đường ống dẫn nước thành phẩm về phía bồn thành phẩm và đi qua đồng hồ đo độ dẫn điện. Nếu kiểm tra vào thời điểm này thì giá trị độ dẫn điện của nước RO mới được tạo ra vẫn nằm trong giới hạn cho phép.
PV: Như trên kia ông nói, điểm mấu chốt khiến lần sửa chữa ngày 28/5 Quốc đã để lọt hoá chất vào nước RO thành phẩm là do người này rút 4 màng RO ra để rửa cặn. Vậy tôi thắc mắc, nếu làm theo quy trình chuẩn để rửa cặn và mảng bám trên màng RO thì phải làm như thế nào?
BS Bùi Nghĩa Thịnh: Cái này còn tùy thuộc vào thiết kế của hệ thống RO. Nếu hệ thống RO được thiết kế có chức năng rửa loại bỏ cặn và mảng bám (tẩy màng) nhằm phục hồi màng RO thì ta mới tiến hành việc tẩy màng. Nếu hệ thống RO không được thiết kế làm việc này, thì chúng ta nên thay màng RO mới để giảm thiểu nguy cơ nhiễm bẩn nước RO bằng hóa chất tẩy màng. Một hệ thống RO được thiết kế có chức năng tẩy màng yêu cầu phải có:
• hệ thống van để cô lập màng/các màng RO
• vòng tuần hoàn hóa chất tẩy rửa màng RO với cơ cấu duy trì áp lực trước màng RO luôn bằng 0
• cổng lấy mẫu hóa chất sau màng và van xả thải.
Để tẩy rửa màng, ta sẽ dùng dung dịch kiềm trước để sục và rửa sạch các màng bám hữu cơ, sau đó mới sục rửa bằng dung dịch acid để tẩy bỏ các mảng bám vô cơ (như CaCO3). Chú ý không sử dụng acid HF trong việc này do acid này khi hòa tan trong nước và không đậm đặc có đặc tính là acid yếu, ít phân ly, do đó phần không phân ly (đặc điểm giống nước) dễ dàng đi qua màng RO khi có hiện tượng tăng áp trước màng RO. Acid ưa thích để dùng khử khuẩn cũng như tẩy màng RO là acid peracetic 1%. Đây là loại acid có thể tự phân hủy hoàn toàn sau một thời gian nhất định.
Sơ đồ thiết kế hệ thống RO số 2 của BV ĐK HB được Quốc vẽ tay tại cơ quan điều tra.
PV: Trong quá trình xử án, tôi thấy người ta nhắc nhiều đến sơ đồ thiết kế hệ thống RO 02 của BV ĐK HB. Xin ông cho biết, sơ đồ này có ý nghĩa gì? Việc hệ thống RO của BV ĐK HB không có 1 thiết kế chuẩn khiến cho Quốc phải vẽ tay bản thiết kế phục vụ điều tra có nói lên thông điệp gì không?
BS Bùi Nghĩa Thịnh: Thật ra đây là sơ đồ vẽ lại của Quốc khi điều tra mà không phải là sơ đồ thiết kế của hệ thống RO 02 của bệnh viện tỉnh Hòa Bình. Sơ đồ thiết kế của nhà sản xuất cho ta nhiều thông tin chi tiết hơn, thậm chí trong hồ sơ thiết kể của nhà sản xuất sẽ phải cho biết thành phần, chất lượng, tính chất các vật tư thiết bị được dùng trong hệ thống RO này. Đi kèm với hồ sơ thiết kế là quyển hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất. Dựa trên hồ sơ thiết kế và quyển hướng dẫn sử dụng, người sử dụng cuối là các bệnh viện mới xây dựng quy trình vận hành (SOP) phù hợp.
Trong phiên tòa, tôi không thấy bất kỳ một văn bản nào như trên ngoại trừ bản sơ đồ vẽ tay của Quốc. Nếu bản vẽ tay này của Quốc đúng thì thiết kế này có khá nhiều khiếm khuyết và có thể ảnh hưởng tới hiệu quả và an toàn của hệ thống RO. Tôi có thể liệt kê ra đây một số khiếm khuyết nổi trội như:
• Không có đồng hồ đo áp trước và sau màng RO.
• Không có lưu tốc kế đo vận tốc dòng thải và dòng thành phẩm của từng cặp màng RO đấu song song.
• Không có đồng hồ đo độ dẫn điện sau mỗi cặp màng RO đấu song song.
• Van cô lập hệ thống xử lý nước trước màng RO sai vị trí
• Không có van lấy mẫu thử Chlor sau cột than hoạt
• Có một cột than hoạt
• Vòng tuần hoàn rửa tẩy màng RO chưa đảm bảo và không có van lấy mấu kiểm tra tồn dư hóa chất sau tẩy rửa màng RO
Tất cả các khiếm khuyết trong thiết kế kể trên cộng với việc không có quy trình vận hành và sử chữa hệ thống RO đã dẫn tới sai sót chết người của Quốc.
PV: Từ câu chuyện hệ thống RO của BV ĐK Hoà Bình như ông vừa nói, tôi thấy dường như có gì đó không ổn trong công tác quản lý thiết bị y tế, ít nhất là tại chính nơi này, phải không thưa ông?
BS Bùi Nghĩa Thịnh: Đúng vậy! Rất may là hầu hết các thiết bị y tế của Việt Nam từ trước tới nay đều là thiết bị nhập khẩu của các quốc gia tiên tiến, do đó khi đưa vào sử dụng trong các bệnh viện, bằng cách tuân thủ hướng dẫn sử dụng chặt chẽ, ngành Y đã làm được rất nhiều việc mà không có tai biến đáng kể nào xảy ra.
Tuy nhiên thảm họa Hòa Bình cho thấy chúng ta sơ hở trong công tác quản lý thiết bị y tế do trong nước sản xuất. Tôi thiết nghĩ với nghị định 36/2016NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế của Chính Phủ, nếu làm chặt, thảm họa kiểu như BV ĐK Hòa Bình ít có cơ hội xảy ra.
Đây là bài học đau xót của ngành y và chúng ta cần khẩn trương đưa Nghị định 36 đi vào thực tiễn.