Ảnh: Thành Luân
Chiều ngày 4/8/2021, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Nghệ An đã thu giữ 17 cá thể hổ trưởng thành được nuôi nhốt trái phép trong hầm của 2 nhà dân trên địa bàn xã Đô Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An).
Những cá thể hổ bị nuôi nhốt trái phép tại Nghệ An. Ảnh: Thành Luân
Khi khai thác thông tin với chủ cơ sở, cơ quan công an cho biết số hổ này đều là hổ Đông Dương (Tên khoa học: Panthera tigris corbetti) và được mua từ Lào khi còn nhỏ, đến nay mỗi con đều đạt trọng lượng gần 2 tạ.
Đây là những cá thể hổ vô cùng quý hiếm (loài nguy cấp trong Sách Đỏ IUCN) và hành vi buôn bán hay nuôi nhốt trái phép đều là hành vi vi phạm pháp luật (độc giả có thể đọc thêm chi tiết về mức độ quý hiếm của loài hổ này tại đây).
Xem video:
Video cận cảnh chuồng trại nuôi nhốt 17 con hổ lớn vừa bị công an triệt phá
Cách phân biệt hổ Đông Dương với các loại hổ khác
Theo thống kê, từng có 9 loài hổ khác nhau tồn tại trên thế giới nhưng 3 trong số đó đã tuyệt chủng gồm: Hổ Bali (Panthera tigris balica), hổ Java (Panthera tigris sondaica), hổ Ba Tư hay hổ Caspi (Panthera tigris virgata).
6 loài hổ còn sống trên thế giới. Ảnh: Thành Luân
Như vậy còn lại 6 loài hổ còn tồn tại trên thế giới bao gồm:
- Hổ Hoa Nam (Tên khoa học: Panthera tigris amoyensis): Chỉ còn được nuôi nhốt ở Trung Quốc và có nguy cơ tuyệt chủng cao.
- Hổ Sumatra (Tên khoa học: Panthera tigris sumatrae): Sinh sống ở các vườn quốc gia trên đảo Sumatra - Indonesia.
- Hổ Siberia (Tên khoa học: Panthera tigris altaica): Còn được gọi là hổ Amur, hổ Mãn Châu, sinh sống ở Nga, Đông Bắc Trung Quốc,
- Hổ Mã Lai (Tên khoa học: Panthera tigris jacksoni): Sinh sống chủ yếu ở Mã Lai.
- Hổ Đông Dương (Tên khoa học: Panthera tigris corbetti): Nơi sống chủ yếu ở các nước: Việt Nam, Campuchia, Lào, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia và Myanmar.
- Hổ Bengal (Tên khoa học: Panthera tigris tigris): Sinh sống rải rác ở Bangladesh, Ấn Độ, Nepal, Bhutan và Trung Quốc.
Mặc dù thoạt nhìn rất khó để phân biệt những loài hổ này nhưng chúng có hình thể, kích thước và hoa văn, cấu trúc khuôn mặt rất khác nhau. Bài viết này sẽ giúp các bạn độc giả nhận biết loài hổ Đông Dương so với các loài hổ khác.
Sự khác biệt giữa các loài hổ. Ảnh: Thành Luân
Về kích thước cơ thể, hổ Đông Dương nhỏ hơn hổ Bengal nhưng lớn hơn hổ Mã Lai. Hổ Đông Dương và Mã Lai có vẻ ngoài rất giống nhau (trước năm 2004 chúng còn được xem là thuộc cùng một loài).
So với hổ Siberia, hổ Đông Dương không có lớp lông dày, dài bao phủ vì hổ Siberia sống ở môi trường lạnh giá của rừng Taiga trong khi hổ Đông Dương sống ở môi trường nhiệt đới có lớp lông mỏng hơn.
Màu lông của hổ Siberia thường rất nhợt nhạt chứ không sáng như hổ Đông Dương, màu sọc trên cơ thể của hổ Siberia cũng có màu nâu thay vì đen như hổ Đông Dương. Ria và bờm ở phía sau đầu và cổ của hổ Siberia cũng dày hơn hổ Đông Dương rất nhiều.
So với hổ Sumatra thì lớp lông của loài hổ này có màu tối hơn với các sọc đen dày hơn hổ Đông Dương, về kích thước thì hổ Sumatra là loài hổ nhỏ nhất thế giới nên cũng nhỏ hơn hổ Đông Dương.
So với hổ Hoa Nam, hổ Đông Dương có kích thước lớn hơn (Hổ Hoa Nam là phân loài hổ nhỏ nhất ở lục địa châu Á), bộ lông của hổ Hoa Nam cũng có sọc vằn hẹp hơn, sắc nét hơn, nhiều hơn, có màu vàng đậm hơn cũng như bàn chân, mặt và bụng có vẻ trắng hơn.