Nhân chứng sống ở trại Auschwitz Bí ẩn nghĩa địa Đức Quốc xã ở rừng Amazon
Trong hơn 5 năm kể từ khi hoạt động đến khi chiến tranh kết thúc (1940 - 1945), đã có khoảng 1,1 triệu người ở Auschwitz bị giết, và chỉ có 14 vụ trốn trại thành công. Trong đó nổi tiếng nhất là vụ trốn trại do Kazimierz Piechowski và 3 bạn tù của ông thực hiện…
Địa ngục Auschwitz
Khi Đức Quốc xã chiếm Ba Lan thì Kazimierz Piechowski vừa tròn 20 tuổi. Lúc ấy ông là sinh viên ngành thiết kế cầu đường tại Đại học kỹ thuật Warsaw. Tận mắt chứng kiến những hành động dã man của lính Đức, Piechowski tham gia phong trào kháng chiến và hoạt động đầu tiên của ông là cùng các du kích đặt mìn phá hủy cầu đường sắt bắc qua sông Vistula nhằm ngăn cản việc vận chuyển vũ khí đạn dược của Đức Quốc xã.
Phân loại tù nhân lúc vừa đến trại Auschwitz.
Tháng 12/1939, Cơ quan mật vụ Gestapo Đức Quốc xã bắt được một liên lạc viên kháng chiến. Chịu không nổi sự tra tấn, người này khai ra những thành viên đã tham gia phá cầu, trong đó có Piechowski.
Được báo động, Piechowski cùng Alfons "Alki" Kiprowski, 19 tuổi, là trinh sát của phong trào kháng chiến tìm đường sang Pháp để tiếp tục tham gia lực lượng "Ba Lan tự do". Tuy nhiên, lúc vượt biên giới để vào Hungary, cả Piechowski lẫn Kiprowski bị bắt.
Mấy ngày sau, Piechowski và Kiprowski được đưa đến nhà tù Sanok rồi tiếp theo là nhà tù Montelupich ở Krakow. Ngày 20/6/1940, điểm dừng chân cuối cùng của họ là trại tập trung Auschwitz với tội danh "chống lại Đệ Tam đế chế, đặt mìn phá cầu".
Cũng cần nói thêm rằng mỗi khi có tù nhân chuyển đến trại Auschwitz, một số ít còn khỏe mạnh sẽ được trại trưởng là trung tá Rudolf Hoss cho sống để làm việc. Số còn lại bị đưa vào phòng hơi ngạt Trong số những người "được cho sống", có Piechowski.
Với chiếc áo tù mang số 918, nhiệm vụ của Piechowski là lúc các tù nhân vào phòng hơi ngạt, và đã chết, ông cùng một số tù nhân khác mở cửa lấy xác họ ra, chất lên những chiếc xe gòng, đẩy xuống lò thiêu.
Theo Piechowski, trung bình mỗi ngày có khoảng 600 tù nhân bị đưa vào phòng hơi ngạt nhưng đến cuối năm 1941, ngày nào cũng có 2.000 tù nhân bị giết.
Hơi ngạt không đủ, thiếu tá Erich Kraunn, phó chỉ huy trại, bắt chước "sáng kiến" của trại Sobibor - cũng là một trại tập trung nằm trên đất Ba Lan - Kraunn ra lệnh cho tù nhân tháo động cơ công suất 200 mã lực của một chiếc xe tăng rồi đặt lên một cái bệ lớn bằng bê tông, ống khói nối dài ra, đi thẳng vào một phòng kín diện tích 100m vuông.
Sau khi lùa 600 tù nhân vào phòng, đóng chặt cửa, Erich đích thân bật công tắc khởi động. Do công suất động cơ đã được chỉnh hết mức nên chỉ trong 30 phút, tất cả tù nhân đều chết do ngộ độc khí dioxit carbon. Lúc ông ta ra lệnh cho tù nhân mở cửa đưa xác sang lò thiêu, cả 600 thi thể vẫn đứng sát nhau vì không gian quá chật, chẳng còn chỗ để họ ngã xuống!
Thời điểm cuối năm 1941, trại Auschwitz có hơn 900 tù nhân, cả nam lẫn nữ được trung tá Rudolf Hoss "cho sống để làm việc". Sau này, khi đã trốn thoát, Piechowski kể về công việc của những tù nhân "được cho sống" như sau: Tù nhân nữ có nhiệm vụ cắt lấy tóc trên các tử thi nữ rồi kết thành từng cuộn. Tóc này sau đó gửi về Đức để làm áo chống đạn. Họ cũng bẻ răng vàng trong miệng tử thi, thu hồi những gọng kính bằng vàng hoặc bạc đồng thời tìm kiếm nữ trang giấu trong quần áo, số còn lại làm việc trong xưởng may.
Tù nhân nam một số nấu chảy nữ trang, đúc thành từng thỏi, số khác làm ở xưởng đóng giày, xưởng cơ khí nhưng phần lớn vẫn là lấy xác chết ra khỏi các phòng hơi ngạt, đưa vào lò thiêu. Thiêu xong, tro cốt của họ được đổ xuống những chiếc hố dài 60m, rộng 15m, sâu 7m rồi lấp đất và trồng cây...
Ngày 20/6/1942, với nhiệm vụ chỉ huy nhóm tù nhân lấy xác từ phòng hơi ngạt rồi đưa xuống lò thiêu nên Piechowski được phép đọc danh sách những người sẽ bị hành quyết để lập kế hoạch vận chuyển xác. Thế nên, lúc biết Eugeniusz Bendera, thợ cơ khí quê ở Czortkw, Ukraine, là bạn thân của Piechowski nằm trong sanh sách, ông quyết định trốn vì biết sớm muộn gì mình cũng theo chân Bendera.
Tuy nhiên, trốn thoát khỏi trại tập trung Auschwitz là chuyện không đơn giản. Ngoài 6 lớp hàng rào thép gai cùng 24 chòi canh, trên chòi lúc nào cũng có 2 lính Đức với 1 khẩu đại liên thì còn 240 lính SS - là binh chủng thiện chiến hàng đầu của Đức Quốc xã - cùng 24 con chó săn chia làm 6 ca, mỗi ca chịu trách nhiệm tuần tra 4 tiếng trong phạm vi trại. Nếu may mắn trốn ra được, người đào thoát còn phải đối mặt với 3 bãi mìn, bao bọc 3 mặt trại, mỗi bãi dài 500m, rộng 150m.
Quyết định đào thoát, ngoài người bạn thân là thợ cơ khí Bendera, Piechowski còn rủ thêm Stanislaw Gustaw Jaster, trung úy quân đội Ba Lan, bị bắt ngay từ những ngày đầu tiên khi Đức Quốc xã đưa quân chiếm Warsaw và linh mục Jozef Lempart. Cứ mỗi buổi chiều, sau khi đã làm xong công việc đưa xác xuống lò thiêu, họ lại bí mật bàn bạc cách trốn. Cuối cùng, cả 4 người thống nhất thực hiện một kế hoạch rất điên rồ.
Kế hoạch táo bạo
2 giờ chiều ngày 27/6/1942, thợ cơ khí Bendera vào gara lấy chiếc xe hơi hiệu Steyr 220 của thiếu tá Paul Kreuzmann, chỉ huy tiểu đoàn lính SS ở trại Auschwitz đem ra chạy thử vì buổi sáng, ông vừa mới sửa xong...
Gara này nằm cạnh nhà kho chứa quân phục lính SS và không ai canh gác. Theo kế hoạch, trước khi đem xe ra khỏi gara, Berenda bằng mọi cách phải nhanh chóng đột nhập vào kho, lấy cắp 4 bộ quân phục lính SS, 4 đôi giày và 4 chiếc mũ kêpi.
Chiếc Steyr 220 mà 4 người dùng để trốn thoát khỏi trại giam của Đức quốc xã.
Việc lấy cắp quần áo, giày, mũ, rất nhanh gọn vì trước đó, Bendera đã ước lượng số đo của từng người trong nhóm đào thoát. Chưa hết, ông còn "tiện tay" lấy thêm 4 khẩu tiểu liên Sten, 4 băng đạn và 8 quả lựu đạn, tất cả được giấu dưới gầm ghế sau của chiếc Steyr 220.
Điểm hẹn đón Jaster, Lempart và Piechowski là một đoạn đường ngang, nằm giữa các lò thiêu xác. Vẫn theo kế hoạch, chỉ mỗi Piechowski nói giỏi tiếng Đức nên ông có nhiệm vụ lái xe.
Linh mục Lempart cũng bập bẹ được chút đỉnh sẽ ngồi cạnh ông, còn Jaster và Berenda ngồi ở ghế sau nhưng vì Berenda cứ hễ sửa xong một chiếc xe, ông lại lái nó chạy vòng vòng quanh trại để thử máy, bị nhiều lính Đức biết mặt nên theo lệnh Piechowski, Berenda phải ngồi cúi mặt xuống và chiếc mũ kêpi đội trên đầu cũng phải kéo sụp xuống.
4 người trốn thoát khỏi trại Auschwitz. Từ trái qua: Piechowski, Jaster, Bendera và linh mục Lempart.
2 giờ 30 chiều, Berenda cho xe chạy vài vòng quanh sân trại và cứ đi được một đoạn, Berenda lại tắt máy rồi bước xuống, làm như quan sát động cơ để lính Đức trên chòi canh không nghi ngờ. Đến đoạn đường ngang nằm giữa các lò thiêu xác, ông dừng xe và vừa giở nắp capô, ông vừa kín đáo quan sát.
Thời điểm này lò thiêu xác đang hoạt động nên các tù nhân khác đã được cho về trại, chỉ có Jaster và linh mục Lempart ở lại làm nhiệm vụ giám sát theo sự phân công của Piechowski nên không có lính canh. Rất nhanh chóng, cả 4 người thay quần áo kẻ sọc trắng đen bằng 4 bộ quân phục SS mới tinh. Khi xe dừng lại trước cổng chính, Piechowski nghiêng người ra, đủ để cho tên lính gác nhìn thấy phù hiệu SS và cấp hàm trung úy.
Vội vã, tên lính giơ tay lên trước mặt, chào lớn: "Hitler vạn tuế" rồi nhanh chóng mở cổng. Khi xe qua khỏi, ngoái nhìn lại, Piechowski còn thấy tên lính quay điện thoại, chắc là báo cho 3 cổng kế tiếp rằng xe của sĩ quan SS vừa đi ra.
Đúng như Piechowski dự đoán, khi thấy chiếc Steyr 220 từ xa, thanh chắn barie đã được giở lên trong lúc ngoại trừ Piechowski lái xe, 3 tù nhân còn lại súng trên tay, đạn lên nòng, hễ thấy có gì bất thường là bắn rồi chạy.
Linh mục Lempart kể: "Xe vừa đi hết tầm nhìn của bọn lính gác, Piechowski phóng như điên dại. Đến một khu rừng gần thị trấn Makow Podhalanski, cách trại Auschwitz khoảng 60km, xe có dấu hiệu hết xăng vì theo quy định, khi Berenda thử xe, xăng không được phép đổ đầy bình nên chúng tôi cho xe lùi vào một bụi rậm rồi chạy bộ".
Xẩm tối, cả nhóm chập chờn ngủ dưới một gốc cây lớn. Mờ sáng, họ chôn giấu quân phục SS cùng tất cả súng đạn rồi thay vào đó là 4 bộ quần áo thường dân của tù nhân bị buộc phải cởi ra trước khi vào phòng hơi ngạt, do Piechowski và Jaster cất giấu từ trước. Tiếp theo, họ chia tay nhau, mỗi người đi một hướng vì theo Piechowski, cơ hội sống sót sẽ ít hơn nếu họ vẫn cùng đi chung với nhau.
Trải qua 6 tháng lẩn tránh, Piechowski đến được thành phố Tczew, quê hương ông. Tại đây, ông được biết là vài ngày sau khi ông trốn khỏi Auschwitz, lính Đức đã giết cha mẹ ông để trả thù. Bằng giấy tờ giả mạo, ông xin vào làm trong một trang trại gần đó, đồng thời tham gia một nhóm kháng chiến do trung úy Adam Kusz chỉ huy cho đến ngày Ba Lan được Hồng quân Liên Xô giải phóng.
Sau chiến tranh, Piechowski được trao tặng Huân chương Đại bàng Trắng. Năm 2006, ông được phong là Công dân danh dự của thành phố Tczew. Ông qua đời vào ngày 15-12-2017, ở tuổi 98.
Với Bendera, ông trở lại Przedborz, sống với người vợ đã kết hôn từ năm 1930 bằng giấy tờ giả. Ông mất năm 1970. Riêng linh mục Jozef Lempart, sau khi thoát khỏi Auschwitz, ông trốn vào một tu viện ở Stary Sacz, cách trại Auschwitz chỉ 155 km. Gia đình ông bị Đức Quốc xã giết sạch để trả thù. Ông qua đời năm 1971. vì bị xe buýt tông phải lúc băng qua một con đường ở Wadowice.
Người cuối cùng trong nhóm đào thoát là trung úy quân đội Ba Lan Stanislaw Gustaw Jaster. Lúc còn ở trại Auschwitz, Jaster là một thành viên trong mạng lưới kháng chiến ngầm. Khi về đến vùng tự do, Jaster đã báo cáo với Bộ Tư lệnh quân kháng chiến Ba Lan tự do về những hoạt động của đội quân ngầm ở trại Auschwitz. Sau đó, ông tiếp tục tham gia chống Đức cho đến ngày Hồng quân Liên Xô giải phóng Ba Lan…
Và cũng sẽ không thừa khi kể thêm 42 tù nhân ở Auschwitz, bị nghi ngờ là đã giúp nhóm Piechowski trốn trại. 6 tiếng kể từ khi 4 tù nhân biến mất trên chiếc xe hơi của thiếu tá SS Paul Kreuzmann, tất cả đều bị tử hình.