Cho vay bằng niềm tin
Trưa 23/8, phóng viên tìm về xã Tam Đa (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) gặp các nạn nhân trong vụ huy động vốn lên đến hàng chục tỷ đồng dẫn đến vỡ nợ, mất khả năng chi trả để tìm hiểu rõ vụ việc.
Chia sẻ với phóng viên, bà Trần Thị S. (53 tuổi, ở thôn Phấn Động) cho biết, gia đình bà đã cho bà Khanh vay số tiền 650 triệu đồng.
Theo bà S., khi vay tiền, hai bên chỉ làm giấy ký cam kết mà không thế chấp bất cứ loại tài sản nào. Mới đây, khi nhận được tin bà Khanh tuyên bố vỡ nợ, gia đình bà bà vô cùng hoang mang.
"Tôi thực sự lo lắng vì toàn bộ vốn liếng vợ chồng tôi tích cóp bấy lâu nay chuẩn bị đến tháng 8 này sẽ xây nhà mới, vậy mà bây giờ bà ấy không còn khả năng chi trả", bà S. buồn bã nói.
Bà cho hay, trước đây bà từng nhiều lần cho bà Khanh vay nhưng số tiền chỉ vài chục triệu, lãi suất 20%, cứ đến cuối tháng được trả lãi, gốc sòng phẳng nên bà rất tin tưởng.
Gần đây, khi bà Khanh đến trình bày về việc hùn vốn kinh doanh gỗ với một người phụ nữ khác nhưng đã mất, giờ không còn hy vọng gì nữa. Nghe xong bà S. chỉ biết ngồi khóc.
Nhiều người dân thôn Phấn Động đứng bàn tán khi biết bà Khanh vỡ nợ. Ảnh: Hoàng An.
Cùng cảnh ngộ, chị Nguyễn Thị B. (người ở thôn Phấn Động) kể rằng, vì tin tường bà Khanh là người tử tế, hiền lành, trong vùng ai cũng quý mến nên vợ chồng chị đã đưa toàn bộ số tiền 500 triệu tích cóp bao năm cho vay.
Theo chị B., dù số tiền lớn nhưng gia đình chị không đòi hỏi lãi suất. Khi vay, hai bên chỉ hứa khi nào gia đình chị cần bà Khanh sẽ trả lại.
Mấy ngày trước, nghe tin bà Khanh tuyên bố vỡ nợ, chị B. sốc nặng. Khi sang nhà nói chuyện chị nhận được lời hứa từ bà Khanh sau này có sẽ trả lại, nhưng không biết đến bao giờ.
Chị B. cho rằng do hùn vốn làm ăn quá lớn nên vợ chồng bà Khanh mới xảy ra cơ sự chứ không hề có ý định lừa đảo, ở địa phương, ông bà ấy sống rất tốt, được lòng người.
"Gặp bà ấy tôi cũng bảo nếu bây giờ có thì trả cho gia đình tôi trước một nửa, số còn lại khi nào có trả sau. Dù khó khăn là thế nhưng tôi rất trân trọng cái tình, cái nghĩa", chị B. nói.
Đưa hơn 3 tỷ tiền mặt chỉ viết giấy vay nợ
Một nạn nhân khác là bà Hoàng Thị Th. (40 tuổi, thôn Phấn Động).
Do là chỗ thân quen, tin tưởng nhau nên bà Th. đưa toàn bộ số tiền hơn 3 tỷ đồng cho người hàng xóm.
Theo bà Th., ban đầu bà Khanh chỉ đề cập vay số tiền trong 5 ngày nhưng sau đó bà ta lấy lý do chưa hoàn thành được thủ tục đáo hạn sổ đỏ nên phải kéo dài thêm. Cho đến bây giờ, bà Th. biết mình có nguy cơ mất trắng toàn bộ.
"Số tiền đó gia đình tôi mượn của anh em ruột đầu tư làm ăn, mua đất đai. Giờ không lấy lại được, bản thân vợ chồng tôi cũng rơi vào tình thế khó xử", bà Th. xót xa.
Bà nói rằng, những năm trước đây hai bên gia đình cũng thường xuyên vay mượn của nhau. Còn lần này, trước khi cho mượn số tiền lớn, bản thân bà Th. không nắm được người hàng xóm đã huy động tiền của nhiều gia đình khác trong thôn.
Đến khi sự việc vỡ lở, bà Th. sang nhà nói chuyện nhưng cái kết nhận được chỉ là cái lắc đầu và sự im lặng.
Vộ chồng bà Th. và ông Q. cho vay số tiền hơn 3 tỷ đồng. Ảnh: Hoàng An.
"Tôi tin tưởng cho vay vì biết gia đình bà ấy có nhà, mấy mảnh đất ở thành phố Bắc Ninh. Khi bà ấy đến lấy tiền mặt, hai bên chỉ có giấy vay nợ viết tay, ngoài ra không thế chấp một tài sản gì. Thời gian vay ngắn nên tôi nói cũng không lấy lãi", bà Th. rưng rưng kể.
Ngồi tựa trên chiếc ghế, đôi mắt buồn rượi ngước nhìn lên trần nhà, ông Hoàng Đức Q. (42 tuổi, chồng bà Th.) buông tiếng thở dài nói, bản thân ông không hề biết vợ cho bà Khanh vay tiền mặt lớn như vậy.
"Nếu biết tôi sẽ ngăn cản ngay từ đầu. Không lấy được số tiền chắc căn nhà tôi đang ở sẽ mất", ông Quyền nói.