Chiều 22/11, Ban Nội chính Trung ương tổ chức thông báo kết quả cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Tại cuộc họp, phóng viên đặt nhiều câu hỏi liên quan vụ Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB.
Trả lời vấn đề này, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên khẳng định, với số tiền nhận hối lộ trên 5 triệu USD, đây là vụ nhận hối lộ lớn nhất từ trước đến nay, tính đến thời điểm hiện tại.
Trao đổi về việc tất cả thành viên đoàn thanh tra, kiểm tra của ngân hàng đều “nhúng chàm”, ông Yên cho hay, đoàn thanh tra, kiểm tra là những đại diện của cơ quan có chức năng phát hiện và xử lý sai phạm, vi phạm. Đặc biệt, thanh tra là lực lượng chuyên trách chống tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, tất cả thành viên đoàn thanh tra, kiểm tra của ngân hàng Nhà nước đều nhận tiền, nhận quà, dù ít hay nhiều. Trong đó, riêng trưởng đoàn thanh tra nhận trên 5 triệu USD.
Trong quá trình điều tra, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã chỉ đạo sát sao, chặt chẽ, có hệ thống.
Đặc biệt, Đảng ủy công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao đã phối hợp chặt chẽ trong lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan tố tụng Trung ương, nghiên cứu phân tích đánh giá đúng tính chất, mức độ và bản chất sai phạm.
Trên cơ sở đó, những trường hợp sai phạm nhận tiền lớn, gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đã bị khởi tố và đề nghị truy tố. Một số đối tượng còn lại, các cơ quan sẽ cân nhắc tính chất, mức độ, đặc biệt là nguyên nhân, bối cảnh nhận tiền để xem xét. Nếu số tiền nhỏ, không có động cơ, nhận tiền vào dịp lễ, tết, các cơ quan cũng sẽ xem xét để xử lý.
Xét xử vắng mặt là chủ trương lớn
Phó trưởng ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh, khi quy vào tội nhận hối lộ, phải căn cứ vào đặc trưng cấu thành tội nhận hối lộ, tức là giữa đưa và nhận phải có cam kết làm việc gì đó để có lợi cho bên đưa, hoặc không làm gì đó đem lại lợi ích cho bên đưa. Chính vì vậy, trường hợp đoàn kiểm tra, thanh tra có vi phạm cũng được cân lên đặt xuống, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng.
“Có một số đối tượng rơi vào tình cảnh không có thỏa thuận, không có cam kết, đòi hỏi. Họ nhận số tiền ít vào dịp lễ, tết nên căn cứ vào chủ trương của Đảng về chính sách nhân đạo, giữa công và tội, xét thấy một số trường hợp này không xử lý về hình sự, nhưng sẽ xử lý nghiêm bằng kỷ luật đảng và kỷ luật hành chính”, ông Yên cho hay.
Trả lời câu hỏi liên quan đến vụ Vạn Thịnh Phát có một số đối tượng đang bỏ trốn, bị truy nã, ông Yên cho biết, chủ trương xử lý các đối tượng bỏ trốn truy nã đã được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo nhất quán.
Cụ thể, với các đối tượng là người Việt Nam, quốc tịch Việt Nam, có đủ căn cứ chứng minh rằng đã phạm tội, đủ căn cứ điều kiện để đưa ra xét xử thì tiếp tục quyết định xét xử vắng mặt. Đây là chủ trương thống nhất không chỉ riêng với vụ án này, mà nhất quán với bất cứ vụ án nào.
Ông Yên nói thêm, xét xử vắng mặt là chủ trương lớn. Để ban hành một cơ chế, quy định, một chính sách với diện đối tượng này cần phải có thời gian. “Cơ chế này đang được nghiên cứu, tổng kết đánh giá và có thể sẽ rút ra những cơ chế như án lệ để sau này có vụ tương tự có thể xét xử”, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên nhấn mạnh.