Chiều 6/3, đại diện Viện kiểm sát (VKS) đã hoàn tất việc công bố cáo trạng liên quan hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan và đồng phạm trong vụ án Vạn Thịnh Phát.
Sau khi đại diện VKS hoàn tất phần công bố toàn bộ cáo trạng, HĐXX đã yêu cầu phiên dịch viên dịch lại phần cáo trạng liên quan bị cáo Chu Lập Cơ cho bị cáo này nghe bằng tiếng Anh.
Bị cáo Chu Lập Cơ bị truy tố về tội Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Theo cáo trạng, hành vi của ông Cơ gây thiệt hại hơn 39.000 tỷ đồng, bao gồm tiền gốc và lãi, của Ngân hàng SCB. Về thiệt hại cho SCB, nhà chức trách xác định tổng nghĩa vụ các khoản nợ do ông Cơ ký hợp thức thủ tục là hơn 39.000 tỷ đồng. Sau khi trừ đi giá trị tài sản đảm bảo được định giá bởi bên thứ 3 và được SCB chấp nhận, thiệt hại liên đới còn lại là hơn 9.100 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, Chu Lập Cơ thành khẩn khai báo, bị can đã nộp 1 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Cũng tại phiên tòa, Chủ toạ thông báo, trong ngày tiếp theo sẽ bắt đầu xét hỏi về hành vi phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và đồng phạm liên quan đến các nhóm hành vi, trừ hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (trong đó, Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Công ty Capella là bị cáo, còn Trương Mỹ Lan là bị hại).
Do hành vi của bị cáo Trí không liên quan, xét đơn đề nghị của luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Trí, xét tình trạng sức khỏe của bị cáo này, HĐXX quyết định cho phép bị cáo vắng mặt. Khi nào HĐXX xét hỏi tới hành vi phạm tội của bị cáo thì sẽ yêu cầu dẫn giải bị cáo đến dự phiên tòa.
Bị cáo này cũng cho biết đã hợp tác với cơ quan điều tra, khắc phục hậu quả. Đồng thời, bị cáo Trí xin uỷ quyền cho luật sư vì sức khoẻ xấu, bị chấn thương cột sống không thể tới toà.
Trước đó, cơ quan công tố đã công bố hành vi sai phạm của bị cáo Trương Mỹ Lan và những đồng phạm là những cán bộ tại Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng SCB.
Cáo trạng xác định, từ năm 2012 đến tháng 10/2022, Trương Mỹ Lan đã thâu tóm, nắm giữ thực tế số lượng cổ phần gần tuyệt đối của Ngân hàng SCB (từ 85% - 91,5% cổ phần), qua đó thao túng toàn bộ hoạt động của SCB, phục vụ cho các mục đích khác nhau của mình.
Kết quả điều tra xác định, từ ngày 1/1/2012 đến ngày 31/12/2017, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 368 hồ sơ vay vốn để rút tiền của Ngân hàng SCB sử dụng vào các mục đích khác nhau, gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền 64.600 tỷ đồng.
Từ ngày 9/2/2018 đến ngày 7/10/2022, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt của Ngân hàng SCB 304.000 tỷ đồng, gây thiệt hại số tiền 129.400 tỷ đồng tiền lãi phát sinh. Như vậy, hành vi của Trương Mỹ Lan và các đồng phạm đã khiến Ngân hàng SCB thiệt hại 498.000 tỷ đồng.
Cùng vụ án, bị cáo Đỗ Thị Nhàn - cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước bị truy tố về tội Nhận hối lộ.
Với vai trò, trách nhiệm được giao là Trưởng đoàn thanh tra nhưng bà Nhàn không báo cáo trung thực với Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ về sai phạm, vi phạm của Ngân hàng SCB tại các dự án, phương án tái cơ cấu so với kết quả thanh tra mà đề xuất theo hướng giảm nhẹ sai phạm và kiến nghị tạo điều kiện cho ngân hàng này tiếp tục được tái cơ cấu.
Cựu Cục trưởng Đỗ Thị Nhàn với tư cách là Trưởng đoàn thanh tra đã nhận hối lộ 5,2 triệu USD để bao che, bưng bít cho các sai phạm của bà Trương Mỹ Lan và Ngân hàng SCB.
Việc báo cáo không trung thực của bị can này khiến Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ không có đủ thông tin, tài liệu để chỉ đạo xử lý các sai phạm của Ngân hàng SCB, ngăn chặn hành vi phạm tội của bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng SCB.
Hành vi làm trái công vụ, trái quy định pháp luật thanh tra của bị can Đỗ Thị Nhàn để giúp đỡ Trương Mỹ Lan, tạo điều kiện cho Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB thực hiện những hành vi sai phạm nối tiếp sai phạm.