Nhớ một chuyến bay British Airlines từ London về Sài Gòn, tại sân bay Heathrow, tôi thấy nhân viên hàng không đi dọc hàng người đang xếp hàng làm thủ tục check-in, hỏi xem có ai muốn nhận một khoản bồi thường để chuyển sang chuyến bay tiếp theo hay không.
Trong thực tế thì chúng ta cũng ít khi gặp trường hợp như thế. Trường hợp đã lên tàu rồi mà còn bị gạ ở lại, hoặc bắt buộc ở lại để nhường chỗ cho người khác như chuyến bay 3411 Chicago-Louisville hôm Chủ Nhật 9/4 vừa rồi của hãng United Airlines (UAL) thì càng hiếm.
Nhưng tại sao lại có chuyện không đủ chỗ ngồi trên máy bay?
Hầu như trong mỗi chuyến bay đều có một số hành khách đến sát nút lại đổi vé sang chuyến bay khác, hoặc đơn giản là không tới hay tới trễ không kịp lên tàu. Cũng như trong ngành khách sạn, chuyện khách đã đặt chỗ nhưng tới hẹn lại… không lên là rất thường.
Sản phẩm hàng hóa bình thường không sử dụng thì còn đó. Dịch vụ trong các ngành như khách sạn và hàng không cũng là hàng hóa, nhưng chúng khác biệt ở chỗ nếu không được sử dụng thì chúng mất đi.
Bởi vậy, bán dư vé (overbooking) là phương pháp kinh doanh phổ biến trong các ngành kinh doanh dịch vụ như khách sạn hay hàng không. Tỷ lệ vé bán dư được tính toán dựa vào xác suất khách bỏ chỗ, thậm chí có những thuật toán riêng để tối ưu hóa tỷ lệ này sao cho đạt hiệu quả kinh tế nhất.
Không bán vé dư, hoặc bán dưới mức tối ưu, thì sản phẩm bị mất đi, hiệu quả kinh doanh thấp. Bán vé dư trên mức tối ưu thì mất an toàn, dễ xảy ra trường hợp phải bồi thường ở mức cao hơn cho khách bị mất chỗ đã mua trước.
Tệ hơn nữa có thể xảy ra khủng hoảng làm mất giá thương hiệu. Như trong vụ khủng hoảng của UAL, cổ phiếu của hãng này bị tụt thê thảm, lúc mất nhiều xuống đến âm 4%, tương đương cả tỷ dollar bị bốc hơi.
Biểu đồ giá cổ phiếu của United Airlines trước và sau vụ khủng hoảng 9/4 (Nguồn: Market Watch)
Bán dư vé chuyến bay có hợp pháp hay không?
Câu trả lời là có. Ở Mỹ, luật hàng không (Department of Transportation’s Laws) thậm chí quy định rõ mức bồi thường cho hành khách bị mất chỗ do bán dư vé là từ gấp 2 đến 4 lần giá vé đã mua – đến mức trần là 1350$.
Trả lời trên tạp chí TIME ngày 11/4, ông Charles Leocha, Chủ tịch và đồng sáng lập nhóm bảo vệ quyền lợi hành khách Travelers United, ủy viên Hội đồng Cố vấn cho Bộ Giao thông Vận tải Hoa Kỳ về lĩnh vực bảo vệ quyền lợi khách hàng hàng không, đánh giá việc bán dư vé giúp giữ giá rẻ hơn, và thông thường thì các hãng hàng không kiểm soát cách bán vé này rất hiệu quả.
Theo ông Leocha, khủng hoảng xảy ra cho UAL không phải do nguyên nhân bán dư vé, mà là do sự kém cỏi (incompetence) của hãng bay này trong xử lý nghiệp vụ.
Việc gạt bớt hành khách lẽ ra phải làm trước khi hành khách lên máy bay. Việc hành khách đã yên vị hết trên máy bay rồi mà hãng bay mới thấy còn thiếu 4 chỗ cho đội bay dự bị của mình bị ông Leocha đánh giá là "nực cười".
Lúc này, thay vì cưỡng bức hành khách khỏi máy bay để lấy chỗ cho nhân viên của mình, lẽ ra UAL có thể cho nhân viên đi chuyến bay của hãng Southwest xuất phát tại cùng sân bay, hoặc là cho nhân viên đáp chuyến UAL từ một sân bay khác cũng thuộc Chicago. Thêm nữa, nếu UAL nâng giá bồi thường lên 1350$, Leocha cược rằng sẽ có tới cả chục hành khách tình nguyện hoãn chuyến.
Hành khách gốc Việt, David Dao, của chuyến bay 3411 từ Chicago tới Louisville (Mỹ) ngày 9/4 vừa qua đã bị kéo lê ra khỏi máy bay của hãng United Airlines, khiến ông bị thương, và UAL đã gặp khủng hoảng truyền thông khi những hình ảnh này lan truyền trên Internet. Ảnh: Getty
Hãng hàng không đối phó với những trường hợp "cháy chỗ" do bán vé dư như thế nào?
Trước hết, họ có thể thương lượng với hành khách trước quầy check-in, đề nghị đi chuyến sau và nhận một khoản bồi thường. Ở Mỹ và nhiều nước châu Âu, mức bồi thường được quy định khá rõ.
Ở Australia thì dường như các hãng hàng không ít áp dụng việc bán vé dư. Và cũng vì vậy nên nếu bạn bay hãng Qantas hay Virgin Australia mà bị chuyển sang chuyến bay muộn hơn, bạn sẽ không nhận được tiền mặt, mà chỉ là một bữa ăn, hay là phòng khách sạn nếu thời gian chờ lâu hơn.
Thêm nữa, quầy làm thủ tục lên máy bay sẽ có thể đóng sớm hơn, và những hành khách đến sau sẽ bị "đá sang" chuyến sau. Và nếu hãng hàng không không thật thà với khách, thì rất có thể những hành khách không may này cũng nghĩ đó là do lỗi họ đến "muộn", chứ không phải là do chuyến bay bị bán dư vé.
Năm ngoái, vợ chồng tôi mua vé hàng không giá rẻ Thai VietJet từ Tân Sơn Nhất qua Bangkok, được dặn "phải có mặt trước giờ bay ít nhất là 3 tiếng". Chúng tôi ngoan ngoãn nghe lời, và kết quả là phải ngồi chờ trước cửa quầy thủ tục vắng hoe 2 tiếng.
Một tiếng trước giờ bay, nhân viên làm thủ tục mới lò dò xuất hiện. Có lẽ là vì chuyến bay vắng khách họ mới nhẩn nha như vậy, chứ gặp chuyến đông khách mà bán dư vé thì chắc họ sẽ tới sớm hơn, và cái quy định "hành khách phải có mặt trước giờ bay 3 tiếng" kia sẽ cho họ quyền đóng cửa sớm hơn bình thường mà bạn không thể kiện cáo lại.
Vé máy bay là một bản hợp đồng đặc biệt
Vé máy bay của bạn như một bản hợp đồng mà thông thường bạn chẳng để ý đọc hết các điều khoản của nó. Thậm chí nhiều điều khoản còn không được in ra hết trên vé, mà bạn sẽ phải tự đi tìm đọc nếu muốn biết rõ.
Chẳng hạn, hãng bay có phải bồi thường nếu bạn bị trễ chuyến bay? Hợp đồng sẽ ghi là bạn trả tiền mua dịch vụ chuyên chở từ điểm A đến điểm B, chứ không trả tiền mua việc chuyên chở này đúng thời gian.
Như vậy, thật ra hãng bay nắm đằng chuôi, nếu họ không bồi thường thì bạn chỉ có thể than phiền trên Facebook hay khá hơn là gửi được bài đăng báo chứ không thể kiện hãng bay ra tòa.
Hành khách của những chuyến bay bán dư vé sẽ bị "đá" ra trước giờ lên máy bay bằng nhiều lý do. Hãng bay luôn "nắm đằng chuôi" khi bán vé. Do đó bạn nên đến sân bay và làm thủ tục check-in sớm. Ảnh: Getty
Bồi thường có thể là cách để hãng bay mua lại thiện cảm của các Thượng Đế, nhưng thực ra họ không bị bắt buộc phải làm vậy theo luật định.
Điều khoản nữa là trên máy bay, bạn có phải tuân thủ các yêu cầu của đội bay hay không? Máy bay là một khoảng không gian tương đối biệt lập với phần còn lại của thế giới. Cũng như từ cổ xưa, trên một chiếc tàu biển, thuyền trưởng là trọng tài, thì nay trên tàu bay, cơ trưởng cũng có quyền tối hậu.
Nếu bạn không tuân thủ yêu cầu của đội bay, họ có quyền từ chối chuyên chở bạn vì lý do an ninh chung cho toàn bộ hành khách. Còn hành động từ chối chuyên chở của đội bay có đúng hay không thì phải hậu xét. Nếu đội bay sai, thì hãng bay phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Trở lại chuyện bán dư vé, có thể một ngày đẹp trời nào đó bạn sẽ bị "đá" khỏi chuyến bay bị bán dư vé của mình mà chẳng kiện cáo lại được. Để giảm đến thấp nhất khả năng này thì có nhiều cách như mua vé hạng sang hơn, hoặc là trở thành "khách hàng thân thuộc" của hãng hàng không.
Họ nói là để cho máy tính chọn ngẫu nhiên ư? Đừng tin, thường là họ sẽ "đá" những người mua vé giá rẻ trước. Nhưng vấn đề là phần lớn chúng ta đều muốn tiết kiệm và mua vé rẻ.
Hàng không cũng thường tránh không "đá" các hành khách có trẻ nhỏ hoặc người tàn tật, nhưng có lẽ bạn không muốn làm người tàn tật, hoặc đẻ thêm đứa nhỏ nữa chỉ để được ưu tiên lên tàu bay, có phải không?
Vậy thì cách còn lại của bạn là hãy đến phi trường đúng giờ.
Nếu có thể, hãy tìm hiểu xem chuyến bay của bạn có thường đông khách hay không (ví dụ chuyến bay chiều thứ Sáu hoặc tối thứ Hai). Nếu chuyến bay đông khách thì sẽ có khả năng bị bán dư vé, để an toàn bạn hãy ra phi trường sớm hơn thông thường một chút.