Vụ trưởng Thể thao: Cần đưa Hoàng Xuân Vinh vào sách giáo khoa

Đoàn Dự |

Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao (Tổng cục TDTT) Nguyễn Trọng Hổ đã nói như thế khi đề cập tới huyền thoại bắn súng Trần Oanh và người đoạt HCV Olympic Hoàng Xuân Vinh.

Nên đưa tên tuổi huyền thoại Trần Oanh, Hoàng Xuân Vinh vào sách giáo khoa

Trong quá khứ, thể thao Việt Nam từng có một VĐV bắn súng gây chấn động thế giới, đó là huyền thoại Trần Oanh.

Năm 1962, ông đứng nhất môn súng ngắn ổ quay ở giải bắn súng quân đội các nước XHCN với thành tích 587 điểm, vượt kỉ lục lúc đó thuộc về một Đại tá Mỹ, 586 điểm.

Bốn năm sau ở Ganefo châu Á (giải thể thao của các nước mới phát triển), ông lại đoạt HCV môn súng ngắn bắn chậm với thành tích 574 điểm.

Hiện ở Thanh Hóa đã có một con đường, một trường bắn mang tên Trần Oanh. Nhưng thực tế không nhiều người biết về ông và những chiến tích lịch sử.

Nhìn sang Trung Quốc, sách giáo khoa tiểu học có 1 bài viết về giây phút VĐV bắn súng Hứa Hải Phong mang về HCV Olympic đầu tiên cho đất nước này. Và nhờ thế, cái tên Hứa Hải Phong không bao giờ bị quên lãng, mà còn trở thành biểu tượng cho thế hệ trẻ.

Vụ trưởng Thể thao: Cần đưa Hoàng Xuân Vinh vào sách giáo khoa - Ảnh 1.

Đem chuyện đó đi hỏi Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao (Tổng cục TDTT) Nguyễn Trọng Hổ, ông nói:

"Trong sách giáo khoa của chúng ta có nhiều lĩnh vực khoa học – kinh tế thì thể thao cũng cần có, đầy đủ các lĩnh vực.

So với Hoàng Xuân Vinh, những chiến tích của bác Trần Oanh giới hạn phạm vi các nước tham gia hơn, nhưng là viên gạch đầu tiên cho thể thao Việt Nam, nên rất vĩ đại.

Trong sách giáo khoa nên viết về lịch sử HCV đó của bác Trần Oanh, cũng như lịch sử HCV Olympic đầu tiên của Hoàng Xuân Vinh. Đó là 2 cái khác nhau, nhưng là 2 dấu mốc lịch sử.

Tất nhiên, sách chưa cải cách thì chưa cập nhật về HCV của Hoàng Xuân Vinh. Nhưng mới đây khi đổi mới thì nên cập nhật về cậu ấy và cả bác Trần Oanh. Cần phải viết về lịch sử thể thao".

Vụ trưởng Thể thao: Cần đưa Hoàng Xuân Vinh vào sách giáo khoa - Ảnh 2.

Nếu không cẩn thận, ngay cả cái tên Hoàng Xuân Vinh cũng sẽ sớm bị quên lãng.

Không thể xem nhẹ thể thao trong giáo dục

Tiếp tục nhấn mạnh về vai trò của giáo dục, Vụ trưởng Nguyễn Trọng Hổ cho rằng không nên xem nhẹ thể thao học đường.

"Ở nước ngoài thì thể thao rất quan trọng. Con người không có sức khỏe thì làm gì cũng khó. Đất nước cũng rất cần những con người có sức khỏe.

Ở nước ngoài, khi đi làm họ bắt người ta phải nghỉ ngơi, rèn luyện sức khỏe. Nếu là một sinh viên mà không chơi thể thao, ốm yếu thì khi đi xin việc sẽ gặp khó khăn ít nhiều. Đó là lý do tại sao khi đi làm cần giấy khám sức khỏe.

Ngày xưa bắt học môn thể thao này môn thể thao kia, không qua thì điểm yếu. Nếu điểm thể dục kém thì điểm chung sẽ kéo xuống rất nhiều. Nếu không toàn diện thì không làm được.

Tất nhiên, nghề thể thao dở 1 điểm là không làm gì trực tiếp cho xã hội, mà là gián tiếp. Bố mẹ tôi già thì đi tập thể thao, con tôi cũng chơi cho khỏe, để học hành cho tốt. Bạn bè tôi ai cũng muốn con chơi thể thao cho khỏe, thế thì tại sao ta lại vứt bỏ cái đó đi?

Kinh tế không làm lúc này thì làm lúc khác, nhưng thể thao cần làm từ nhỏ, có sức khỏe là làm được nhiều việc khác. Nếu không có sức khỏe, không có quá trình thì không thể có được".

Vụ trưởng Thể thao: Ngành Giáo dục có lỗi với đất nước - Ảnh 3.

Thể thao học đường chưa được đánh giá đúng mức.

"Hôm rồi tôi có ngồi với anh Vụ trưởng Giáo dục thể chất, đề xuất cần đưa thêm thể thao vào sách giáo khoa, rồi các bài giảng chuyên về thể thao. Ý chí các VĐV Hoàng Xuân Vinh, Thạch Kim Tuấn, Phước Hưng, Hà Thanh... cần được lan tỏa.

Khi các em khác còn nhỏ, được bố mẹ - gia đình chăm sóc thì các em VĐV nói trên phải sang Trung Quốc từ lúc 6 tuổi. Các em ấy phải tự giặt quần áo, tự đi ăn... không ai lo cả. Phải có ý chí mới vượt qua được và các em học sinh khác cần học ý chí của VĐV thể thao.

Nhiều khi VĐV căng cơ, thầy bảo 3 phút mà học trò xin giảm từng 1 giây một, vì rất đau. Tôi đố học sinh nào thử căng cơ, kéo cơ theo thời gian ấy xem có sợ, khó hơn 1 bài toán không?" - Vụ trưởng Nguyễn Trọng Hổ tiếp.

Vụ trưởng Thể thao: Cần đưa Hoàng Xuân Vinh vào sách giáo khoa - Ảnh 4.

Phải trải qua vô vàn gian khó, với ý chí sắt đá thì Nữ hoàng TDDC Việt Nam - Phan Thị Hà Thanh mới có được động tác đẹp thế này.

Cũng theo ông Nguyễn Trọng Hổ, các VĐV luôn phải đối mặt với tương lai bất định sau khi giải nghệ, nên khó khăn khi theo đuổi nghề nghiệp càng nhân lên gấp bội.

"Có những VĐV của tôi trên Nhổn thu nhập khá, nhưng vẫn xin về phụ bố mẹ cấy lúa, không theo thể thao vì sợ đau, chấn thương, mệt mỏi đầu óc. Về nhà ăn đói nhưng không bị đau, không bị áp lực thành tích.

Tiền cho thể thao kể cả có cao nữa cũng không bù lại được. Ác 1 cái là sau thể thao cũng không có nghề cố định.

Như Schooling được gần 16 tỷ đồng; Các VĐV đoạt huy chương Vàng, Bạc, Đồng của Nga về được ông Putin thưởng siêu xe.

Có một số nước khi đoạt HCV thì được 5000 – 6000 USD mỗi tháng trong suốt đời. Như Hoàng Xuân Vinh là Đại tá Quân đội thì may mắn. Nếu là VĐV các tỉnh nhỏ lẻ hết thưởng HCV sẽ gặp khó khăn".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại