Liên quan đến vụ ông Lê Tấn Thịnh, Trưởng Công an xã Quảng Điền (huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) đá bay thau cá của người bán hàng rong khi dẹp vỉa hè, sáng 4-10, thượng tá Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng Công an huyện Krông Ana, cho biết đơn vị đã cử tổ công tác xuống làm việc với ông Thịnh.
Tổ công tác sẽ nắm lại tình hình, quy trình làm việc của nhóm công an xã Quảng Điền vào sáng 3-10. "Sau khi có kết quả sẽ báo cáo công an tỉnh xin ý kiến xử lý đối với trưởng công an xã tùy theo mức độ vi phạm" - thượng tá Thanh cho biết thêm.
Chợ Điện Bàn nơi xảy ra vụ việc
Sáng cùng ngày, chúng tôi cũng đã về chợ Điện Bàn (xã Quảng Điền) để tìm hiểu vụ việc. Bà Lê Thị Đay (66 tuổi, ngụ thôn 1, xã Quảng Điền) – người bị vị trưởng công an xã đá bay thau đựng cá, đập dụng cụ bán hàng - cho biết: "Vì hoàn cảnh khó khăn nên vào mùa nước lớn, chồng và con trai út của tôi đi đánh cá mưu sinh.
Mỗi khi có cá, tôi mang ra chợ Điện Bàn bán nhưng trong chợ tất cả các sạp đều đã có người bán nên tôi và nhiều người khác phải mang ra vỉa hè ngoài chợ bán.
Mỗi ngày bán cá, tôi chỉ kiếm được hơn 100.000 đồng. Sáng 3-10, khi tôi đang ngồi bán cá thì vị trưởng công an xã tới quát tháo. Tôi chưa kịp phản ứng gì thì người này chạy tới đá bay thau cá của và đập phá đồ đạc.
Tôi biết việc lấn chiếm lề đường để bán hàng là sai nhưng hành động của vị công an xã quá phản cảm và không đúng đạo đức của người cán bộ.
Chúng tôi sai thì chính quyền thu gom, xử phạt hoặc có biện pháp khác hài hoà hơn chứ đá bay đồ đạc như vậy là không chấp nhận được".
Tương tự, chị Nguyễn Thị Liên (ngụ thôn 2, xã Quảng Điền) cho rằng do chợ Điện Bàn quá nhỏ, người dân thỉnh thoảng có bó rau, nắm cá đem ra chợ bán nhưng không có chỗ ngồi.
Thậm chí, khi bị chính quyền địa phương yêu cầu họ đưa vào chợ bán thì bị các chủ sạp chửi mắng, đuổi ra. Do đó, vì cuộc sống mưu sinh, nhiều người tranh thủ thời gian vào lúc sáng sớm ngồi bán.
Do vậy, mỗi khi có cán bộ đến thì họ bưng đồ chạy đi còn vắng cán bộ thì mọi người lại chạy ra lề đường bán.
"Người dân tại chợ Điện Bàn mong muốn chính quyền địa phương xem xét, mở rộng chợ để mọi người có chỗ bán thì mới chấm dứt tình trạng lấn chiếm lề đường" - chị Liên nói.
Sáng 4-10, bà Đay vẫn bán cá tại khu vực chợ Điện Bàn
Trong khi đó, một số tiểu thương cho rằng việc cán bộ xã đi dẹp chợ, dùng những hành động mạnh là đúng. Việc lập lại trật tự kinh doanh ở chợ là nên làm để đảm bảo quyền lợi cho các tiểu thương và đảm bảo an toàn giao thông.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, ông Thịnh cho rằng chưa thể nhận định hành động của mình là đúng hay sai. Trong số những tiểu thương bày hàng hoá ra lòng lề đường bán, có người là họ hàng với ông.
Trước đó, ông đã châm chước nhiều lần nên bà con có tâm lý chây ỳ, không nghe theo sự vận động của chính quyền.
"Tôi làm việc vì mục đích chung, không phải cho riêng ai. Nếu cấp trên kiểm tra, kết luận tôi sai thì tôi sẽ chịu trách nhiệm", ông Thịnh nói.
Vị trưởng công an xã cho biết thêm, việc bà con cố tình lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán gây mất an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn.
Khi ông cùng lực lượng công an xã đi nhắc nhở, vận động bà con để lập lại trật tự giao thông thì nhiều người không chấp hành nên mới xảy ra vụ việc.
Như đã phản ánh, sáng 3-10, một tài khoản facebook đã đăng đoạn clip dài 1 phút 45 giây quay lại cảnh ông Thịnh hùng hổ dùng chân tay hất đổ thau đựng cá, trái cây, đập phá dụng cụ bán hàng của người bán hàng rong.
Đoạn clip đã ghi thu hút được hàng chục ngàn lượt xem, chia sẻ. Phần lớn các ý kiến bình luận đều tỏ ra bất bình và cho rằng hành động này rất phảm cảm.