Tranh luận tại phiên tòa, luật sư Nguyễn Huy Thiệp (bào chữa cho bị cáo Đinh Mạnh Thắng, em trai ông Đinh La Thăng) cho rằng, có sự không cụ thể hóa hành vi dẫn đến nhận định có những sai lầm rất nghiêm trọng.
Theo ông Thiệp, VKS quy kết bị cáo Đinh Mạnh Thắng đã kết nối giúp Thái Kiều Hương (nguyên Phó TGĐ Vietsan) tiếp xúc với bị cáo Trịnh Xuân Thanh để nhờ thoái vốn và nếu dừng ở điểm này có xảy ra hành vi phạm tội hay không?.
Luật sư Thiệp nêu, chủ trương thoái vốn đã có từ trước 2010 cho đến thời điểm này, VKS không truy tố hành vi thoái vốn và chủ trương thoái vốn. Điều này cho thấy chủ trương thoái vốn không sai. Vấn đề có sai phạm bắt đầu phát sinh trong quá trình thực hiện thoái vốn, đó là vấn đề nâng giá, hạ giá để ăn chênh lệch.
Luật sư cho rằng không có tài liệu nào thể hiện bị cáo Đinh Mạnh Thắng biết về trình tự, thủ tục, thỏa thuận, thương lượng về giá cả...
"Thắng hoàn toàn là người ngoài cuộc, hoàn toàn không có liên quan đến đơn vị chuyển nhượng cũng như đơn vị nhận chuyển nhượng cũng như quá trình thoái vốn", luật sư Thiệp nêu.
Ông cũng chỉ rõ, chứng cứ trong hồ sơ không có nhưng VKS lại suy đoán ông Thắng được nhờ để tác động đến việc chuyển nhượng cổ phần nên ông Thắng phải biết tất cả.
"Với cách đặt vấn đề thế này thì không khác gì hiện tượng "xem sách và cảm thấy rằng "đau bụng thì uống nhân sâm" nhưng mở trang sau "thì chết". Đây là việc nguy hiểm", luật sư Thiệp nói.
Bị cáo Đinh Mạnh Thắng tại tòa.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Thắng nêu thêm, chứng cứ tại phiên tòa và việc xét hỏi những ngày qua cho thấy, ngoài việc hẹn Trịnh Xuân Thanh đến nhà hàng số 1 Xuân Diệu để giúp bị cáo Thái Kiều Hương gặp theo lời nhờ của Hương thì Đinh Mạnh Thắng hoàn toàn không có hành vi nào khác.
Thậm chí trong bữa ăn đó hoàn toàn không có căn cứ để các bị cáo cùng ngồi trao đổi, bàn bạc, thỏa thuận, thương lượng..
"Đó chỉ là một bữa cơm thăm hỏi nhau, xã giao và có một nội dung duy nhất liên quan đến vụ việc này là đặt vấn đề Thanh giúp cho việc chuyển nhượng cổ phần. Nhưng Thanh đã trả lời ngay là đã có chủ trương rồi, đang thực hiện.
Về mặt thực tế, Đinh Mạnh Thắng đã không thực hiện bất cứ hành vi nào như VKS đã truy tố. Vậy Đinh Mạnh Thắng giúp sức cho các bị cáo khác phạm tội ở hành vi nào? "Đây là nội dung tôi chờ đợi sự tranh luận của đại diện VKS", luật sư Thiệp nói.
Luật sư Thiệp đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Đinh Mạnh Thắng không đồng phạm và không phạm tội tham ô như VKS quy kết.
"Nếu xét hành vi nhận 5 tỉ của Đinh Mạnh Thắng từ bị cáo Hương (mặc dù bị cáo đã hoàn trả ngay sau đó mấy tháng) có dấu hiệu phạm tội cần phải xử lý, thì với hành vi này, có nhiều dấu hiệu tương thích với điều 366 BLHS 2015 tội "lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi", ông Thiệp đề nghị.
Theo luật sư Thiệp, luật sư không bị buộc phải đưa ra các căn cứ, cơ sở để buộc tội khách hàng của chính mình.
"Quan điểm luật sư nêu ra không phải để buộc bị cáo Đinh Mạnh Thắng vào tội theo Điều 366 Bộ luật HS2015, tôi chỉ nói lên suy nghĩ của mình về vụ án", luật sư nói thêm.
Cũng theo luật sư Thiệp, tình tiết giảm nhẹ lớn nhất cần xem xét cho bị cáo Thắng là việc bị cáo đã hoàn trả ngay toàn bộ số tiền này sau khi có yêu cầu của bị cáo Hương, trước thời điểm ông Thắng bị khởi tố tới 7 năm.
"Đây là trường hợp đặc thù mà tôi muốn nhấn mạnh, mong HĐXX xem xét và coi đây tình tiết giảm nhẹ đặc biệt đối với bị cáo Đinh Mạnh Thắng. Tình tiết này cũng được kê trong cáo trạng và phần luận tội của VKS cũng đã thể hiện", luật sư Thiệp kiến nghị.
Trịnh Xuân Thanh xin sang nước ngoài để chăm sóc vợ con