Lời toà soạn: Trong giới trọng tài Việt Nam, cựu Còi vàng Dương Mạnh Hùng vẫn nổi tiếng với khả năng chuyên môn tốt, cá tính mạnh mẽ và sẵn sàng đấu tranh đến cùng với tiêu cực, đến mức được ví von là người "đạn bắn không thủng".
Với quãng thời gian 10 năm cầm còi và cả những câu chuyện sau khi ông đã về nghỉ, không dễ để khắc họa được hết những thăng trầm mà trọng tài Dương Mạnh Hùng đã trải qua với cái nghề mà ông luôn tâm niệm "là thú chơi, là đam mê chứ không phải nơi để kiếm tiền làm giàu".
Xin gửi tới độc giả loạt bài viết về trọng tài Dương Mạnh Hùng, người đầu tiên được nhận danh hiệu Còi vàng tại Việt Nam, với những ký ức, những câu chuyện khó tin nhưng có thật về nghề trọng tài.
TRỌNG TÀI ĐƯỢC 8,6 ĐIỂM VẪN BỊ CHÊ VÀ LÁ ĐƠN TỐ CÁO GÂY CHẤN ĐỘNG
Câu chuyện diễn ra ở vòng 3 V.League 2012, khi CLB Khánh Hòa bày tỏ sự bất bình với cách điều khiển trận đấu của trọng tài Bùi Quang Thông, dù cho ông này được giám sát trọng tài chấm cho 8,6 điểm, tức là hoàn thành nhiệm vụ.
Chấn động hơn, đội bóng Phố biển sau đó đã có công văn gửi lên BTC giải, đề nghị xem xét lại tư cách trọng tài của ông Bùi Quang Thông vì hồi còn làm cầu thủ đã bị kỷ luật vì một nghi án bán độ.
Vụ việc càng thêm phức tạp khi những cá nhân, ban bệ ở VFF liên quan đến án kỷ luật nói trên đều chỉ "nhớ mang máng" và hồ sơ của vụ việc cũng đã bị thất lạc.
Điều này khiến dư luận càng thêm thắc mắc, rằng Bùi Quang Thông là ai và vụ việc năm xưa rút cuộc như thế nào?
Cuối cùng, câu chuyện chỉ được kể lại chi tiết qua lời của cựu Còi vàng Dương Mạnh Hùng, người đảm nhận vai trò Tổ trưởng tổ trọng tài ở giải đấu mà Bùi Quang Thông dính chàm khi còn làm cầu thủ.
Trọng tài Bùi Quang Thông.
CUỘC RA GIÁ Ở GIẢI NGHIỆP DƯ VÀ CÁI GIÁ ĐẮT PHẢI TRẢ SAU 10 NĂM
"Ngày đó tôi là Tổ trưởng tổ trọng tài Hà Nội đi làm vòng đấu loại giải hạng Ba diễn ra vào tháng 3 năm 2002 tại Việt Trì. Bùi Quang Thông khi ấy là đội trưởng của đội Đông Sơn – Thanh Hóa, đá cũng hay và đội bóng này sớm giành ngôi nhất bảng.
Ở lượt cuối, đội bóng của Thông gặp Hà Tây. Khi đó Hà Tây và Quân khu 2 đang tranh ngôi nhì bảng nên chuyện Đông Sơn đá ra sao sẽ tác động đến số phận của 2 đội bóng này", cựu trọng tài Dương Mạnh Hùng kể lại.
Theo lời ông Hùng thì trước lượt cuối, Bùi Quang Thông cùng thủ môn đội Đông Sơn Thanh Hóa đến gặp lãnh đội Quân khu 2 để "ra giá". Nếu Quân khu 2 thưởng 10 triệu thì Đông Sơn sẽ đá hết sức ở lượt cuối. Thậm chí, hai người này còn nói thêm rằng phía Hà Tây sẵn sàng thưởng 30 triệu nếu Đông Sơn chịu nhả.
Vết đen trong quá khứ khiến Bùi Quang Thông không thể tiếp tục làm trọng tài, dù được đánh giá là có năng lực tốt và đã lên cầm còi tại V.League.
Tuy nhiên cuộc ra giá này đã bị ghi âm lại và gửi cho VFF để làm bằng chứng tố cáo. Kết quả, Đông Sơn Thanh Hóa bị loại khỏi giải, còn Bùi Quang Thông cũng bị treo giò vĩnh viễn.
"Chính tôi là người đấu tranh để phanh phui vụ đó và có án phạt cấm vĩnh viễn. Sau đó khi Bùi Quang Thông đã bị cấm vĩnh viễn làm cầu thủ rồi thì chẳng hiểu sao lại đi học làm trọng tài. Thời gian sau thấy cậu ta lên làm trọng tài hạng Nhất rồi V.League.
Mà từ ngày Bùi Quang Thông còn bắt ở hạng Nhất tôi đã phản ánh rồi, nhưng lãnh đạo nói rằng không biết chuyện này. Đến khi nhiều đội bóng làm căng quá, đặc biệt là đội Khánh Hòa tố lên thì người ta mới cho nghỉ", ông Hùng cho biết.
Tất nhiên nhìn ở một góc độ nào đó, việc bị kỷ luật vì bán độ ngày còn làm cầu thủ và chuyện Bùi Quang Thông đi làm trọng tài sau này là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Nhưng rõ ràng về tâm lý, các đội bóng khó lòng phục một trọng tài có vết đen trong quá khứ như vậy cầm còi trận đấu của mình.
Đó cũng chỉ là một trong nhiều câu chuyện bi hài về nghề trọng tài bóng đá tại Việt Nam. Loạt bài được ghi lại từ lời kể của trọng tài Dương Mạnh Hùng cũng chỉ có thể góp phần lột tả và đem đến cho độc giả phần nào đó câu chuyện từ người trong nghề, để qua đó thấu hiểu hơn những áp lực của công việc này.
Xin được kết lại bài viết bằng những chia sẻ của trọng tài Dương Mạnh Hùng về cái nghề ông đã theo đuổi và vẫn luôn đau đáu trong suốt những năm tháng qua:
"Người ta vẫn gọi trọng tài là Vua sân cỏ, nhưng nếu anh không hiểu đúng và sử dụng đúng từ "Vua" dành cho mình thì sẽ tự làm hoen ố và đánh mất danh dự của bản thân.
Cái nghề này chỉ chăm chú vào chuyên môn thôi để làm cho đúng, cho chuẩn đã là sức ép lắm rồi. Bắt đúng cả trăm tình huống không sao, nhưng sai một lần thôi là đã bị khán giả họ chửi cho rồi, chứ đừng nói đến việc cố tình làm sai để giúp ai đó hưởng lợi.
Trọng tài có sức ép từ cầu thủ, khán giả và chuyên môn. Đó là 3 sức ép tích cực. Còn sức ép gây ảnh hưởng nhất là sức ép thiên vị, để phải bắt sao cho có lợi cho ai đó.
Ai làm trọng tài đều phải bản lĩnh cả trong nghề nghiệp lẫn cuộc sống thì mới tồn tại được".