Vụ trao nhầm con 50 năm trước ở Hà Nội: Nỗi day dứt của người mẹ khi con gái một lần nữa "biến mất"

Minh Ngọc |

Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (72 tuổi, quận Đống Đa) - người đã nhận nhầm đứa con khi vừa sinh ở nhà hộ sinh bày tỏ day dứt về cách hành xử khó hiểu của người con gái sau khi tìm ra mẹ đẻ...

Cách đây 8 năm, chị Tạ Thị Thu Trang (1974, quận Ba Đình) - đứa trẻ bị trao nhầm tại Nhà hộ sinh Ba Đình (phố Hàng Bún, Hà Nội) khi vừa sinh, đã tìm được cha mẹ đẻ của mình sau 42 năm sinh sống tại nhà cha mẹ nhận nhầm.

Về phía người phụ nữ sinh cùng ngày, cùng tháng là chị N.L.A (trú tại Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng xuất hiện để nhận cha mẹ đẻ của mình (tức gia đình nhận nhầm chị Trang).

Vụ trao nhầm con 50 năm trước ở Hà Nội: Nỗi day dứt của người mẹ khi con gái một lần nữa

Đến bây giờ bà Hạnh vẫn không thể hiểu tại sao người con gái về nhận mẹ nhưng lại bỏ đi

Con gái xuất hiện khi câu chuyện lan truyền trên mạng xã hội

Chúng tôi gặp lại bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (72 tuổi, quận Đống Đa) - người đã nhận nhầm đứa con khi vừa sinh ở nhà hộ sinh để nghe câu chuyện hy hữu xảy ra giữa Thủ đô.

Bà Hạnh kể, ngày 10/10/1974, bà sinh con gái tại nhà hộ sinh quận Ba Đình. Người mẹ mang số 33 nhưng khi nhân viên y tế trao con, bà Hạnh nhận được đứa trẻ số 32. Lúc này bà Hạnh thắc mắc thì được nữ hộ sinh giải thích trong lúc tắm rửa, số bị mờ.

Thời điểm đó không hiện đại như bây giờ nên việc tìm lại đứa con của mình rất khó, người mẹ đành chấp nhận ôm đứa trẻ sơ sinh về chăm sóc, hết lòng yêu thương là chị Tạ Thị Thu Trang.

Cuối năm 2015, vợ chồng bà Hạnh quyết định lén lấy mẫu xét nghiệm ADN với con sau mấy chục năm day dứt, khi có kết quả chính thức, bà Hạnh đã lấy hết can đảm nói chuyện sự thật với chị Trang.

Không lâu sau khi câu chuyện hy hữu trao nhầm con giữa Thủ đô được chia sẻ lên mạng xã hội, vào một ngày trong năm 2016, chị Nguyễn Thị L.A., cũng sinh ngày 10/10/1974 tại nhà hộ sinh Ba Đình, đến nhận bà Hạnh là mẹ đẻ. Ai cũng cảm nhận được khuôn mặt người phụ nữ này có nhiều nét giống ông Tạ Văn Thân (chồng bà Hạnh, đã qua đời).

"Khi có người con gái đến nhận tôi là mẹ, tôi vô cùng vui sướng và hạnh phúc. Ban đầu trong lòng tôi cũng lăn tăn suy nghĩ, cảm nhận được nhưng vì hai mẹ con chưa làm xét nghiệm ADN".

Vì muốn an lòng và để có cơ sở chứng minh tính huyết thống bằng khoa học, bà Hạnh nói với L.A. xét nghiệm ADN nhưng cô con gái trách bà rằng: "Mẹ ơi, con chính là con của mẹ. Mẹ không tin lời con à?", khiến bà càng thêm day dứt.

Vụ trao nhầm con 50 năm trước ở Hà Nội: Nỗi day dứt của người mẹ khi con gái một lần nữa

Bà Hạnh đã nói ra sự thật với chị Trang sau 42 năm

Tình mẹ con chỉ vỏn vẹn 2 tháng, đem lại trái ngang

Thời điểm chị L.A. tìm lại được mẹ, mạng xã hội chia sẻ những lời chúc mừng cho cả hai gia đình, những tưởng câu chuyện hai đứa trẻ bị trao nhầm tìm được gia đình sau 42 năm kết thúc có hậu, nhưng chuỗi ngày sau đó đang từ mừng vui lại đến thất vọng.

Theo bà Hạnh, sau khi chị L.A. xuất hiện nhận mẹ, trong thời gian 2 tháng có đưa bà đi du lịch Thái Lan, chuyển đến sống cùng bà 10 ngày nhưng sau đó bất ngờ cắt đứt liên lạc, đến bây giờ người mẹ vẫn chưa hiểu vì sao.

"Không hiểu vì lý do gì L.A., đến nhận mẹ, sau đó lại rời đi không một lời, khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Không biết mình đã làm sai điều gì để con gái đến nhận mẹ rồi lại không liên lạc nữa suốt 8 năm qua. Thời điểm đó tôi chỉ khóc, nhốt bản thân trong phòng ngủ, liên tục suy nghĩ về lý do bị con gái bỏ rơi. Suy nghĩ mãi, xem mình đã nói gì làm con gái buồn..", bà Hạnh chia sẻ nỗi buồn.

Bà Hạnh buồn nhưng bản thân suy nghĩ tích cực rằng: "Chỉ con cái bỏ cha mẹ chứ cha mẹ thì không bao giờ bỏ con cái, tôi vẫn nhất quyết đi tìm con", bà Hạnh nói.

Vì vậy, trong suốt hai năm kể từ ngày con gái bỏ đi, bà Hạnh viết nhiều lá thư trải lòng, kèm lời nhắn gửi "nếu mẹ sai chỗ nào, con có thể bỏ qua vì mẹ đã già, nhiều khi một câu nói cũng khiến con bị tổn thương", tuy nhiên không có lần nào chị L.A., hồi âm, có lần người mẹ đến tận nhà tìm con gái nhưng cũng bất thành.

Theo bà Hạnh, những năm tháng mệt mỏi tìm lại con gái không được, đến đầu năm 2023, vợ chồng ông Nguyễn Lê H. (sinh năm 1941) và bà Ngô Kim D. (sinh năm 1947) xuất hiện chúc Tết.

Bản thân bà Hạnh mừng rỡ, chị Trang cũng rất hy vọng cha mẹ đẻ của mình sẽ rất vui và sẽ đón nhận chị, nhưng đó lại là cái Tết cuối cùng.

"Tôi hối hận, ban đầu muốn nói để thanh thản, nhưng thà không nói ra sự thật thì hai gia đinh vẫn yên ấm", bà Hạnh nói muốn đưa sự việc ra để tìm lại được con đẻ của mình, không ngờ bi kịch gần 8 năm qua đến với cả hai gia đình.

Vụ trao nhầm con 50 năm trước ở Hà Nội: Nỗi day dứt của người mẹ khi con gái một lần nữa

Chị Trang hạnh phúc nói về cuộc sống ở nhà mẹ Hạnh

Chị Tạ Thị Thu Trang (con nhận nhầm của bà Hạnh), cho biết, khi chưa biết sự thật và bây giờ cũng vậy, bản thân thực sự hạnh phúc và mãn nguyện được làm con mẹ Hạnh. Mọi người trong gia đình mẹ Hạnh đối xử với chị Trang như đứa con thực sự.

"Nhiều lúc tôi nghĩ tôi quá may mắn và có phúc khi được trao nhầm vào gia đình mẹ Hạnh. Tất cả thành viên trong gia đình rất thương yêu tôi cho dù họ không cùng dòng máu".

Theo chị Trang, khi tìm được bố mẹ đẻ (tức ông H., bà D.) nhưng họ không đồng ý cho chị Trang xét nghiệm AND, đồng nghĩa không chấp nhận sự thật:

"Mẹ Hạnh và các anh chị em họ càng thương tôi nhiều hơn, họ khuyên tôi nên dừng lại không tìm nữa. Nhưng tôi chỉ muốn biết chắc chắn ai là người sinh ra tôi và sẽ không bao giờ để họ phải khó xử hay xáo trộn vì bất kể lý do nào", chị Trang bày tỏ mong các ban nghành giúp đỡ để chị sớm biết được đấng sinh thành.

"Rồi sau đó họ không nhận vì lý do gì tôi cũng chấp nhận. Nếu họ cảm thấy khó khăn quá họ cần gì tôi cũng xin chấp nhận", chị Trang trải lòng.

Ngày 1/3, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã mời chị Tạ Thị Thu Trang đến làm việc sau đơn kiến nghị "hỗ trợ xét nghiệm ADN, tìm bố mẹ đẻ".

Đại diện Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, đơn vị sẽ làm việc với Trung tâm Y tế quận Ba Đình (đơn vị quản lý Nhà hộ sinh Hàng Bún) để rà soát, xác minh các thông tin.

Theo quy định, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội không có chức năng yêu cầu công dân đi xét nghiệm ADN. Đơn vị này đề nghị chị Trang gửi đơn đến các cơ quan chức năng khác có đủ thẩm quyền để được giải đáp các thắc mắc.

"Chúng tôi sẽ đồng hành, nỗ lực và cố gắng hỗ trợ chị Trang, đồng thời tích cực phối hợp các cơ quan chức năng khi có yêu cầu", vị đại diện nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại