Các ước tính ban đầu về vụ thử vũ khí nhiệt hạch (bom H) của Triều Tiên ngày 3/9/2017 cho thấy sức nổ là khoảng 50-70 kiloton. Một số báo cáo sau đó đánh giá sức nổ của nó lên tới 400 kiloton.
Tuy nhiên, ước tính dựa trên sự thay đổi ghi nhận được từ hình ảnh vệ tinh của Tổ chức nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO) đã nâng mức đánh giá về sức nổ của quả bom lên tới 245-271 kiloton. Con số này gấp 17 lần quả bom “Little Boy” mà Mỹ đã thả xuống thành phố Hiroshima tháng 8/1945.
Đối với một quả bom H, thì con số đánh giá mới nhất vẫn vẫn nhỏ hơn nhiều so với loại bom H mà Mỹ từng thử nghiệm. Vụ thử bom H lần đầu tiên của Mỹ là năm 1952 có sức nổ 10,2 megaton, gấp gần 700 lần so với bom nguyên tử Little Boy.
Một nhóm các nhà khoa học do Tiến sỹ K. M. Sreejith của Trung tâm ứng dụng không gian, thuộc ISRO đã đăng tải phát hiện này hồi tháng trước trên Tập chí Khoa học.
“Radar có nền tảng vệ tinh là công cụ rất hữu ích để đo lường những thay đổi trên bề mặt Trái đất và cho phép chúng ta ước tính địa điểm và tác động của các vụ thử hạt nhân trong lòng đất”, ông Sreejith nói trong buổi họp báo ngày 14/11.
Vệ tinh đo được sự dịch chuyển của bề mặt ngọn núi Mantap khoảng vài mét bên trên nơi xảy ra vụ nổ. Theo ước tính từ dữ liệu mới, vụ nổ được tiến hành ở vị trí khoảng 540m bên dưới đỉnh núi và đã tạo ra một lỗ hổng bên trong núi với bán kính khoảng 66m.
Dù vụ nổ được tiến hành sâu dưới lòng đất, như vẫn thường được thực hiện hàng chục năm qua nhằm thu hẹp nhất khả năng rò rỉ phóng xạ, tuy nhiên, rò rỉ phóng xạ đã được ghi nhận sau vụ nổ năm 2017 và thậm chí từng có lo ngại ngọn núi có thể sập và khiến các vật liệu phóng xạ bên trong lòng núi sẽ thoát ra ngoài./.