Năm 1976, Peter Maxwell đến công ty sản xuất của mình ở Chino, California (Mỹ) như mọi ngày.
Ông đang hướng dẫn cho một nhân viên mới cách sử dụng máy móc. Không may thay, trước đó trong lúc sửa máy, vị phó chủ tịch của công ty đã dùng bu lông sai kích thước, khiến phần đầu nhô ra.
Áo len của Maxwell vướng vào đầu bu lông, khiến ông bị thiết bị cuốn vào trong. Tai nạn này khiến Maxwell bị tổn thương nghiêm trọng. Ông quyết định kiện công ty ra tòa.
Trớ trêu thay, đây cũng là công ty mà Maxwell sở hữu.
Hành động này đã dẫn tới vụ kiện thú vị có 1-0-2 trong lịch sử, đồng thời cũng để lại bài học quý giá cho những người làm kinh doanh.
Giám đốc đi kiện... chính mình
Peter Maxwell và vợ sở hữu 95% doanh nghiệp, còn một cặp đôi khác sở hữu phần còn lại. Mỗi năm, Maxwell tự trả cho chính mình một khoản lương khiêm tốn trị giá 10.000 USD.
Thương tật khiến Maxwell không thể làm việc thường xuyên. Vì thế, vợ ông phải đứng ra gánh vác trách nhiệm thay chồng, bên cạnh công việc của chính mình. Dù vừa là giám đốc, vừa sở hữu công ty, Maxwell cũng là nhân viên tại đây. Vì thế, ông có quyền kiện giám đốc của công ty và đòi bồi thường chi phí y tế và việc mất khả năng lao động.
Đầu tiên, Maxwell tìm đến luật sư của công ty, nêu rõ ý định kiện chính doanh nghiệp của mình. Luật sư cho biết, việc này hoàn toàn khả thi về mặt pháp lý, nhưng người này không thể tư vấn cho Maxwell vì xung đột lợi ích. Do đó, Maxwell đã thuê luật sư bên ngoài để đại diện cho mình trong cuộc chiến chống lại công ty.
Rốt cuộc, đây đơn giản là vụ kiện giữa nhân viên Maxwell (được đại diện bởi luật sư bên ngoài) và công ty của Maxwell (được đại diện bởi luật sư của công ty).
Thuê hai luật sư để thương lượng với bản thân
Khi luật sư riêng của Maxwell đệ đơn kiện, luật sư của công ty đã đề nghị dàn xếp vụ này ở bên ngoài.
Cả hai người đều nhất trí rằng công ty đã thiếu trách nhiệm gây hậu quả nặng nề và cần đền bù cho Maxwell. Như vậy, Maxwell sẽ phải tự đàm phán tiền bồi thường với chính mình.
Câu chuyện này khiến nhiều người tưởng tượng đến viễn cảnh hài hước. Maxwell ngồi trong phòng, chờ luật sư hai bên đưa ra con số đền bù.
Luật sư 1: "Anh có thể rời phòng để tôi trò chuyện riêng với thân chủ của mình không?"
Luật sư 2 rời đi, để lại luật sư 1 và Maxwell nói chuyện với nhau.
Vài phút sau:
Luật sư 2: "Giờ thì anh có thể rời phòng để tôi trò chuyện riêng với thân chủ của mình không?"
Luật sư 1 rời đi, để lại luật sư 2 và Maxwell nói chuyện với nhau.
Cảnh này trông thì vô lý, nhưng hoàn toàn hợp pháp. Một luật sư đại diện cho Maxwell với tư cách nhân viên. Luật sư thứ hai đại diện cho công ty và có nghĩa vụ ủy thác cho công ty như một chủ thể độc lập.
Cuối cùng, các luật sư đã đồng ý với khoản đền bù trị giá 122.500 USD bằng tiền mặt. Tuy nhiên, câu chuyện vẫn chưa dừng tại đây. Tiếp theo là đến phiên các kế toán vào cuộc.
Một mình đại diện hai bên "chống lại" Sở Thuế vụ
Công ty của Maxwell coi 122.500 USD như một khoản khấu trừ kinh doanh. Trong đó, Maxwell - với tư cách nhân viên - được giữ lại khoản tiền thanh toán một lần đó mà không phải kê khai trong phần thuế của mình.
Trên cơ sở thuế, cả công ty và Maxwell đều được hưởng lợi. Tuy nhiên, không may là việc này đã thu hút sự chú ý của Sở Thuế vụ Hoa Kỳ (IRS).
IRS đã tiến hành điều tra và xác định rằng khoản tiền mà Maxwell nhận được là thu nhập, bởi ông là chủ sở hữu vốn cổ phần của công ty. Vì thế, IRS yêu cầu Maxwell trả 64.185 USD thuế thu nhập cá nhân từ khoản tiền mặt bồi thường. Họ cũng không cho phép coi khoản tiền trên là khấu trừ kinh doanh và phạt công ty này 58.500 USD vì khai báo gian lận.
Tổng số tiền phạt là 122.658 USD, trong khi số tiền bồi thường là 122.500 USD. Như vậy, thay vì hưởng lợi như ban đầu, Maxwell và công ty của mình lại phải chịu tổn thất không nhỏ.
Lúc này, Maxwell "nhân viên" và công ty của mình lại hợp tác để phản đối IRS. Cả hai đã nộp kháng cáo đến Tòa án Thuế Hoa Kỳ.
Năm 1990, gần 15 năm sau tai nạn trên, Tòa án Thuế Hoa Kỳ đã ra phán quyết có lợi cho Maxwell và công ty. Với tư cách nhân viên, Maxwell có quyền nhận được khoản bồi thường mà không phải trả thuế thu nhập cá nhân. Thẩm phán cũng đồng ý coi khoản tiền này là chi phí kinh doanh.
Quyết định thuê cùng lúc hai luật sư, mỗi người lại có một nhiệm vụ ủy thác riêng, đã giúp Maxwell có lợi trong vụ kiện này. Thay vì tự đền bù cho bản thân, ông đã thuê hai luật sư đại diện cho hai bên khác nhau để cùng dàn xếp thỏa thuận.
Tòa án Thuế xác nhận rằng Maxwell không dùng vụ kiện này để trốn thuế. Họ tin rằng số tiền hòa giải giữa hai bên là phù hợp với chi phí nằm viện của ông. Vụ kiện kỳ lạ kết thúc, trong đó Maxwell là người được hưởng lợi nhiều nhất.
Một bài báo về vụ kiện kỳ lạ của Peter Maxwell.
Đây cũng là bài học để đời mà dân kinh doanh cần ghi nhớ.
1. Đảm bảo công ty bạn thành lập là pháp nhân riêng biệt với chính mình
Có rất nhiều lý do về mặt tài chính và pháp lý để tạo một pháp nhân mới cho doanh nghiệp. Trường hợp trên chỉ là một ví dụ, nhưng bất cứ kế toán hay luật sư nào cũng sẽ khuyên bạn làm vậy.
2. Là nhân viên, bạn được hưởng đầy đủ quyền lợi, kể cả khi đang làm việc cho chính mình
Maxwell được hưởng quyền và lợi ích tương tự như các nhân viên khác trong công ty. Nếu người khác bị thương ở nơi làm việc có quyền kiện công ty thì Maxwell cũng vậy.
3. Nếu cần khởi kiện công ty của chính mình, hãy thuê luật sư riêng
Nếu rơi vào trường hợp phải đối đầu với công ty của chính mình, bạn nên thuê luật sư cá nhân để đại diện cho bản thân. Maxwell đã hành động rất khôn ngoan. Bằng cách hợp pháp hóa trường hợp của mình, ông đã đảm bảo rằng không có xung đột về pháp lý giữa hai bên.
Nếu bạn có ý định thành lập doanh nghiệp của riêng mình, hãy nhớ tới trường hợp của Peter Maxwell.
(Theo Medium)