Ngày 12/5, hải quân Iran ghi nhận vụ bắn nhầm tên lửa chống hạm vào một tàu hỗ trợ trong quá trình thử nghiệm, khiến 19 thủy thủ thiệt mạng. Chính phủ Iran đã thừa nhận vụ việc nhưng chưa bao giờ đưa ra lời giải thích đích xác về sơ sót gì đã xảy ra hay những công nghệ nào có liên quan trong trường hợp này.
Mới đây, theo tờ Forbes, một cựu nhân viên tên lửa Iran tuyên bố ông biết chuyện gì đã diễn ra.
Ông Babak Taghvaee cho biết tên lửa đã bắn nhầm vào tàu hỗ trợ Konarak là một phiên bản mới của tên lửa chống hạm C-802A do Trung Quốc sản xuất.
Taghvaee là một cựu nhà nghiên cứu không quân Iran, từng làm việc với tư cách nhà thầu cho một công ty quốc phòng thuộc sở hữu của quân đội Iran – nơi đã sửa đổi các tiêm kích Mirage và F-4 để chúng có thể mang tên lửa C-802.
Tàu Konarak sau khi trúng tên lửa. Ảnh: Truyền thông nhà nước Iran
Taghvaee cho biết ông đã nói chuyện với những đồng nghiệp cũ nắm rõ thông tin về vụ việc hôm 12/5.
Họ nói với Taghvaee rằng công ty Shahid Fassihi Industries đang phát triển một biến thể mới của tên lửa C-802A, trong đó thay thế đầu dò radar DM-3B hiện nay của tên lửa thành đầu dò hồng ngoại do DM-3B bộc lộ nhiều điểm yếu trước các thiết bị gây nhiễu của Hải quân Mỹ.
Tuy nhiên, thông tin về đầu dò hồng ngoại vẫn được phía Iran giữ bí mật chặt chẽ. Theo tờ Forbes, rất có thể trong sự vụ ngày 12/5, tên lửa với đầu dò mới đã được đưa ra thử nghiệm.
Ngoài ra, khi hải quân Iran chuẩn bị phóng thử nghiệm tên lửa nâng cấp từ tàu hộ tống Jamaran, họ đã không báo trước cho các tàu thuyền và máy bay tại khu vực thử nghiệm ở vịnh Ba Tư như thường lệ.
Tờ Forbes nhận định, hiện chưa rõ có phải thay đổi bí mật trên biến thể tên lửa C-802A là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn hay không. Tên lửa được thử nghiệm dường như đã nhầm lẫn tàu Konarak với một sà lan mục tiêu gần đó.
Nếu các nguồn tin của Taghvaee là đáng tin cậy thì tức là Iran có thể đang có một loại tên lửa chống hạm mới, và nó sẽ khiến Hải quân Mỹ khó gây nhiễu hơn. Tuy nhiên, cũng có thể là tên lửa này chưa đủ khả năng hoạt động.