Dư luận bức xúc
Next Media rút ra bài học kinh nghiệm từ kênh YouTube của FPT đã không thể bật được chế độ kiếm tiền trận Việt Nam- Ả-rập Xê-út tối 16/11 tại vòng loại World Cup . Bởi vì nhà tổ chức dùng bản ghi Tiến quân ca do hãng đĩa Marco Polo sản xuất. Được biết không chỉ Quốc ca Việt Nam bị tắt tiếng mà doanh nghiệp này cũng cẩn thận cắt luôn quốc ca các nước khác trên kênh YouTube của họ để không bị xác nhận bản quyền âm nhạc.
Dù sao thì việc Quốc ca Việt Nam không thể vang lên ngay trên đất Việt cũng là điều khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu, bức xúc. Sự việc cũng thể hiện công tác bản quyền ở Việt Nam còn nhiều bất cập và chưa được quan tâm đúng mức.
Theo các quy định về bản quyền của YouTube, Quốc ca không thể cứ thể tự nhiên vang lên dù là trước mỗi trận bóng đá quốc tế. Đằng sau đó là tác giả, nhà sản xuất, nhạc sĩ phối khí, các nhạc công… Bản Tiến quân ca đã được nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho Nhà nước nay thuộc sự quản lý của Bộ VHTTDL.
Gia đình nhạc sĩ Văn Cao trao tặng Tiến quân ca cho Quốc hội và nhân dân năm 2016
Có ý kiến cho rằng, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) nên cung cấp và yêu cầu BTC phát bản ghi Quốc ca mà Việt Nam đang nắm đầy đủ bản quyền để toàn dân có thể nghe thoải mái. Luật pháp ngày càng đi vào đời sống mà thế này lại thành ra cản trở một hoạt động chính đáng trước đây vẫn diễn ra hết sức bình thường.
Sáng 7/12, lãnh đạo Bộ VHTTDL đã làm việc với các cơ quan liên quan về sự cố doanh nghiệp ngắt âm thanh Quốc ca Việt Nam trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Lào. Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL nêu rõ: Ca khúc Tiến quân ca là Quốc ca của Việt Nam. Bộ VHTTDL có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và phải thực hiện các biện pháp cần thiết gìn giữ phát huy giá trị của Quốc ca. Pháp luật của Việt Nam quy định nghiêm cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, dưới bất kỳ hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến tác phẩm này một cách trực tiếp hay gián tiếp (bao gồm trên mạng) theo quy định pháp luật. Bộ VHTTDL yêu cầu tất cả các cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm, không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam.
NGUYÊN KHÁNH
Quy định rõ hơn về Quốc ca
Luật sư Trần Anh Dũng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định về hành vi tắt tiếng Quốc ca khi lên sóng trực tiếp là phản cảm nhưng lại không có quy định xử phạt: “Quy chế sử dụng Quốc ca không hề nói việc này. Nên khó có căn cứ phạt hay cấm”. Hướng dẫn về việc sử dụng Quốc ca, Quốc thiều được Bộ VHTTDL ban hành tháng 10/2012 chỉ nói vắn tắt về bối cảnh sử dụng.
Tuy nhiên tại “Điều lệ về việc dùng Quốc ca nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 21/7/1956 có dòng cuối như sau: “Đối với những trường hợp cụ thể chưa nói trong thể lệ này, thì các cơ quan sẽ báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ để xét định”.
Tất nhiên bản điều lệ vẫn đang hiệu lực này chưa có mục đề cập bản quyền.
Được biết có những nước cẩn thận trong việc bảo vệ quốc ca đến mức quy định cả về điệu thức, tốc độ buộc phải tuân thủ. Nhạc sĩ Lê Thanh Tâm đồng tình: “Tôi từng nhận được không ít lời mời phối khí mới Quốc ca theo kiểu phá cách. Nhưng tôi chưa bao giờ nhận lời. Theo tôi, Quốc ca không nên phá cách, làm quá hay kỳ quái. Mỗi dân tộc có nền văn hóa riêng và cách tôn trọng Quốc ca khác nhau”.
Văn bản Điều lệ kể trên có đính kèm bản nhạc kèm lời gốc của Quốc ca Việt Nam để làm căn cứ. Nhưng cũng chưa có quy định cụ thể buộc phải trình diễn Quốc ca chuẩn giai điệu và tiết tấu ra sao…
Hiện nay một số người vẫn chưa quen với việc Quốc ca bị xác nhận bản quyền. Thực tế là chỉ có quyền tác giả (nhạc và lời) là được miễn phí, còn hễ cứ nhà sản xuất hoặc nghệ sĩ nào đầu tư phối mới và trình diễn Quốc ca đều có quyền liên quan mà họ vẫn được hưởng theo quy định, được bảo vệ trước pháp luật mà cụ thể là Luật Sở hữu trí tuệ năm 2019.
Xảy ra việc ngắt tiếng trong các clip đăng tải tại YouTube chính là do công nghệ quét Content-ID. Về lý thuyết có thể coi đây là một thành tựu để đảm bảo các quyền theo luật định. Liệu khi một công nghệ tương tự được áp dụng, các đài truyền hình cũng phải trả tiền để có được quyền sử dụng các bản ghi như Quốc ca ? Luật sư Trần Anh Dũng dẫn điều 33 Luật Sở hữu Trí tuệ quy định: nếu chương trình phát sóng nhằm mục đích thương mại, có tài trợ quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép, nhưng phải trả nhuận bút, thù lao cho bản ghi âm, ghi hình được sử dụng.
Tuy nhiên điều luật này vẫn chưa được áp dụng cho các kênh không phát sóng đã trở nên phổ biến hiện nay như truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số…
Bộ VHTTDL chưa làm tròn trách nhiệm
Dư luận đặt nhiều câu hỏi xung quanh trách nhiệm của Bộ VHTTDL trong việc hướng dẫn, xử lý rốt ráo câu chuyện bản quyền Tiến quân ca trên YouTube. Bộ có hướng dẫn số 3420 về việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuy nhiên chưa có quy định cụ thể về bản quyền. Sự việc ngắt tiếng Quốc ca trong trận cầu Việt Nam - Lào đòi hỏi Bộ cần sớm có những hướng dẫn cụ thể, cập nhật hơn nữa để sẽ không còn những vụ việc tương tự.
Không những thế, Bộ là cơ quan quản lý nhà nước về bản quyền, quản lý quyền sở hữu Quốc ca và có 12 nhà hát, đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ quản lý cho nên hoàn toàn có thể thực hiện những bản phối, bản ghi âm Quốc ca chuẩn nhất để tổ chức, người dân có thể sử dụng trong những sự kiện quan trọng tầm quốc gia, quốc tế mà không lo bị “đánh gậy bản quyền”.
BẢO HÂN