Được biếu nhiều tiền, khăn quàng, áo
Trong cáo trạng truy tố Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - Trương Mỹ Lan cùng 85 đồng phạm, Viện KSND Tối cao xác định có 15 người là cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước; 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; 1 cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước, phạm các tội “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng”
Từ trái qua; bị can Trương Mỹ Lan, Đỗ Thị Nhàn và Nguyễn Văn Hưng khi chưa bị khởi tố
Theo cáo trạng, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tại các Thông báo của Văn phòng Chính phủ về thanh tra Ngân hàng SCB , Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (TTGSNH) thuộc Ngân hàng Nhà nước đã thành lập đoàn thanh tra tại SCB năm 2017 - 2018 và triển khai thành 2 đợt thanh tra.
Quá trình thực hiện, phía SCB và bà Trương Mỹ Lan chủ động tiếp cận, nhiều lần biếu tiền, quà nhóm cán bộ thanh tra. Trong đó, biếu ông Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó Chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan TTGSNH) 390.000 USD; Nguyễn Thị Phụng (Phó trưởng đoàn thanh tra) 20.000 USD và 210 triệu đồng, 1 đồng hồ, 1 túi xách và 1 chiếc khăn; các thành viên của đoàn là Vũ Khánh Linh, Nguyễn Tuấn Anh, Bùi Tuấn Khoa, nhận 100 triệu đồng; Vương Đỗ Anh Tuấn nhận 20.000 USD và 2 chiếc áo; Trần Văn Tuấn nhận 6.000 USD và 40 triệu đồng; Lê Thanh Hà nhận 14.000 USD và 100 triệu đồng; Nguyễn Duy Phương nhận 1.000 USD và 20 triệu đồng; Nguyễn Văn Thủy nhận 21.000 USD và 60 triệu đồng, 1 áo sơ mi, 1 áo phông, 1 hộp yến; Trương Việt Hưng nhận 6.000 USD.
Đặc biệt, trường hợp bị can Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước) được bà Trương Mỹ Lan biếu 5,2 triệu USD (tương đương gần 130 tỷ đồng). Cơ quan chức năng đánh giá, đây là khoản nhận hối lộ lớn nhất từ trước tới nay của các cựu quan chức.
Đáng chú ý, cáo trạng nêu trường hợp của bị can Nguyễn Văn Du khi tiếp nhận nhiệm vụ Chánh thanh tra Cơ quan TTGSNH thay thế ông Nguyễn Văn Hưng từ tháng 10/2018 - 4/12/2018 và là người ký kết luận thanh tra theo chức năng, nhiệm vụ. Nội dung kết luận do ông Du ký bị Viện kiểm sát cáo buộc “không trung thực về tình hình, thực trạng tài chính và các sai phạm của ngân hàng SCB”.
Trước khi ký kết luận thanh tra, ông Nguyễn Văn Du không tổ chức họp đoàn thanh tra; không so sánh, đối chiếu, rà soát với kết quả thanh tra trước đó tại báo cáo của đoàn, của tổ và thành viên đi thanh tra.
Sai phạm của ông Du cũng như thái độ “ngó lơ” của Đỗ Thị Nhàn và Nguyễn Văn Hưng đã tạo điều kiện cho Trương Mỹ Lan và đồng phạm tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội xảy ra tại SCB với hậu quả thiệt hại số tiền 514.102 tỷ đồng.
Không xem xét trách nhiệm hình sự dù nhận tiền của SCB
Ngoài ra, cáo trạng còn nhắc đến 7 trường hợp khác gồm, các ông/bà: Phạm Quốc Thịnh (Chuyên viên Cơ quan TTGS); Phạm Hồng Linh; Nguyễn Lan Hương (đều là thanh tra viên); Lại Văn Bách (Phó Trưởng phòng tổng hợp KTNN chuyên ngành VII); Bùi Vũ Hồng Trang (Phó Trưởng Phòng giám sát ngân hàng khu vực, Ban giám sát tổng hợp UBGSTCQG); Nguyễn Hà Linh (Thanh tra viên Vụ II Thanh tra Chính phủ); Phạm Thị Thùy Linh (Chuyên viên Phòng giám sát lĩnh vực ngân hàng, Ban giám sát tổng hợp, UBGSTCQG), bị Viện kiểm sát kết luận có sai phạm và nhận tiền từ ngân hàng SCB.
Tuy nhiên, quá trình tham gia đoàn thanh tra các thành viên chỉ làm phần việc do tổ trưởng giao; báo cáo gửi tổ trưởng và trưởng đoàn đã phản ánh nội dung, kết quả thanh tra; khi ký biên bản họp Đoàn chỉ được tham gia ý kiến đối với phần việc được tham gia; một số nội dung thanh tra đã bị tổ tổng hợp biên tập, cắt gọt, chỉnh sửa theo chỉ đạo của Đỗ Thị Nhàn.
Sau khi xét tính chất, mức độ phụ thuộc theo ý kiến chỉ đạo và áp đặt của Trưởng đoàn thanh tra, Viện kiểm sát cho hay, quá trình làm việc với cơ quan điều tra 7 người trên đã thành khẩn; việc nhận tiền của SCB đã nộp khắc phục hậu quả từ trước khi khởi tố vụ án; thời kỳ công tác có nhiều thành tích, được khen thưởng. Vì vậy, Cơ quan điều tra, Viện KSND tối cao không xem xét trách nhiệm hình sự mà đề nghị xử lý về mặt Đảng, chính quyền.