Vụ tấn công nhà máy dầu Saudi Arabia tác động gì Trung Quốc?

TRI TÚC |

Những lo ngại về bất ổn và khoảng thời gian các nhà máy dầu của Saudi Arabia đóng cửa có thể thúc đẩy Trung Quốc tìm kiếm nguồn thay thế.

Những cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào hai nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia cuối tuần qua khiến sản lượng dầu thô của vương quốc này giảm một nửa, lượng cung dầu mỏ toàn cầu sụt giảm 5%.

Theo giới chuyên gia, những vụ tấn công này có thể thúc đẩy Trung Quốc đa dạng hóa đối tác nhập khẩu dầu, tờ South China Morning Post (SCMP) cho biết.

Các số liệu chính thức cho thấy Trung Quốc - nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới - ngày càng phụ thuộc vào dầu thô của Saudi Arabia trong năm qua bởi nước này đã giảm nhập khẩu dầu từ các nhà cung cấp lớn khác như Mỹ và Iran trong những tháng gần đây trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Washington và các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran.

Vụ tấn công nhà máy dầu Saudi Arabia tác động gì Trung Quốc? - Ảnh 1.

Nhà máy của Tập đoàn dầu khí Aramco của Saudi Arabia ở Abqaiq bị tấn công ngày 14-9. Ảnh: REUTERS

Saudi Arabia - nạn nhân của các vụ tấn công vào hai nhà máy lọc dầu ở Abqaiq và Khurais hôm 14-9 mà nhóm phiến quân Houthi lên tiếng nhận trách nhiệm - là nguồn cung cấp dầu thô lớn thứ hai của Trung Quốc sau Nga. Saudi Arabia cung cấp cho quốc gia “đói dầu” này hơn 1 triệu thùng mỗi ngày. Saudi Arabia xuất khẩu 7 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, theo Reuters.

Hiện tại, Bắc Kinh đang theo dõi tình hình với việc một phát ngôn viên của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc ngày 16-9 nói rằng tác động tổng thể vẫn chưa biết được.

Các nhà phân tích đồng ý rằng còn quá sớm để nói về việc những cuộc tấn công vào hai nhà máy dầu của Saudi Arabia sẽ tác động như thế nào tới nguồn cung dầu thô của Trung Quốc. Tuy nhiên, những lo ngại về bất ổn và khoảng thời gian các nhà máy dầu của Saudi Arabia đóng cửa có thể thúc đẩy Bắc Kinh tìm kiếm nguồn thay thế, các chuyên gia cho hay.

“Những sự kiện gần đây ở Saudi Arabia dự kiến gây ra sự tái xem xét địa chính trị đáng kể ở Trung Quốc . Đây là lời nhắc nhở cho Trung Quốc về tầm quan trọng của việc đa dạng hóa các nguồn cung của họ trong khi tiếp tục đầu tư vào năng lực sản xuất trong nước”, các nhà kinh tế năng lượng Julian Inchauspe và Roberto Aguilera tại ĐH Curtin ở Úc nhận định.

Akihisa Mori, giáo sư dự bị tại trường ĐH Kyoto (Nhật Bản), cũng nói rằng tình hình sẽ thúc đẩy Bắc Kinh đa dạng hóa nguồn cung.

“Những cuộc tấn công này sẽ tích cực đẩy nhanh sự tìm kiếm các nhà xuất khẩu dầu thô mới của Trung Quốc” - ông Mori nói.

Mối quan hệ năng lượng giữa Trung Quốc và Saudi Arabia - được coi là đối tác ổn định trong khu vực - đã được hai bên vun đắp cẩn thận trong những năm gần đây. Bắc Kinh và Riyadh củng cố hơn nữa quan hệ ngoại giao và kinh tế tại nhiều cuộc gặp cấp cao kể từ năm 2016, theo ông Jonathan Fulton - giáo sư dự bị về khoa học chính trị tại ĐH Zayed ở Abu Dhabi.

Dù vậy, ông Fulton cho rằng việc thay đổi tình hình địa chính trị đã làm gia tăng sự phụ thuộc năng lượng của Trung Quốc vào Saudi Arabia và điều đó có thể khiến Bắc Kinh rơi vào tình thế bấp bênh.

Vụ tấn công nhà máy dầu Saudi Arabia tác động gì Trung Quốc? - Ảnh 2.

Trung Quốc sẽ phải tìm kiếm nguồn cung dầu thô sau vụ tấn công hai nhà máy dầu của Saudi Arabia? Ảnh: REUTERS

“Đối với Trung Quốc… họ thật sự phải cắt giảm nhập khẩu từ Iran, trong khi nhập khẩu dầu của Trung Quốc từ Saudi Arabia tăng hơn gấp đôi trong thời gian từ tháng 7 năm ngoái đến tháng 8 năm nay, tạo ra sự phụ thuộc mà tôi sẽ không thấy dễ chịu nếu tôi là Bắc Kinh”, ông Fulton nói, trích dẫn một báo cáo truyền thông sử dụng dữ liệu từ trang web theo dõi xuất khẩu dầu thô từ các nhà sản xuất hàng đầu thế giới TankerTrackers.com.

Theo dữ liệu của TankerTrackers.com, nhập khẩu của Trung Quốc từ Saudi Arabia hồi tháng 7 đạt mức cao nhất trong hai năm là 1,8 triệu thùng/ngày, so với tháng 7 năm ngoái chỉ 663.000 thùng/ngày.

Ông Virendra Chauhan, nhà phân tích tại Energy Aspects trụ sở Singapore, cho rằng Trung Quốc sẽ được cách ly khỏi sự gián đoạn nguồn cung trong thời gian ngắn nhờ vào trữ lượng xăng dầu của nước này và nguồn cất trữ của riêng Saudi Arabia, điều mà nước này có thể sử dụng để ổn định hóa thị trường dầu toàn cầu sau cuộc tấn công nhà máy dầu .

Tuy nhiên, ông Chauhan lưu ý rằng nếu việc sản xuất dầu vẫn duy trì ở mức 50% vào vài tháng tới thì Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài việc tìm nguồn cung cấp ở nơi khác.

“Dầu thô của Mỹ rõ ràng rất khó vì khí hậu và cuộc chiến thương mại giữa hai đối tác, vậy họ sẽ tìm tới Iraq, họ sẽ đến Mỹ Latinh - Brazil, Venezuela, Colombia, hay nơi nào đó ở Biển Bắc? Đây là những cầu hỏi sẽ xuất hiện theo thời gian một khi chúng ta biết mức độ thiếu chất đốt” - ông Chauhan nói.

Một số nhà phân tích cho rằng Iran là nguồn cung tiềm năng dầu thô cho Trung Quốc, song họ nói rằng Trung Quốc sẽ cần có một quyết định được tính toán kỹ lưỡng.

Trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Washington và Tehran, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cáo buộc Iran đứng sau những cuộc tấn công vào hai nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia - càng làm phức tạp thêm tình hình cho Trung Quốc.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn không hoàn toàn dừng nhập khẩu dầu thô từ Iran kể từ khi Mỹ tái áp đặt lệnh trừng phạt vào Iran năm ngoái.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 16-9 nhấn mạnh việc thiếu bằng chứng thuyết thục khi quy kết ai chịu trách nhiệm cho vụ tấn công nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia, đồng thời yêu cầu các bên liên quan kiềm chế làm leo thang căng thẳng trong khu vực.

Trung Quốc đặc biệt lo ngại về những căng thẳng như vậy trong một khu vực mà nước này trở nên ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung cấp nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của nước mình, theo nhà nghiên cứu Kevjn Lim làm việc tại ĐH Tel Aviv (Israel).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại