Vụ SVB: Bi hài những founder startup phải vội tấp xe vào lề đường để rút tiền khỏi ngân hàng

Băng Băng |

Theo hãng tin Bloomberg, chính nỗi sợ và tin đồn mới là thứ khiến SVB trở nên nguy hiểm.

Theo hãng tin Bloomberg, các nhà đầu tư Châu Á cách xa nửa vòng trái đất cũng đang lo lắng về vụ Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ. Thậm chí nhiều người còn mất tiền vì không kịp rút vốn khỏi ngân hàng này.

Tại Singapore, vụ sụp đổ của SVB là đề tài chính của các nhóm chuyên gia tài chính, ngân hàng và nhà khởi nghiệp ở bất cứ bàn tiệc nào. Tương tự ở Mumbai-Ấn Độ, đây cũng là câu chuyện duy nhất của giới khởi nghiệp và đầu tư khi đồn đoán xem ngân hàng hay công ty nào sẽ là nạn nhân tiếp theo.

Tại Thượng Hải-Trung Quốc, các đối tác của SVB đã phải nhanh chóng ra thông cáo chỉ vài giờ sau vụ việc để trấn an nhà đầu tư cũng như phòng tránh tâm lý rút tiền bầy đàn vì lo sợ tương tự diễn ra.

Vụ SVB: Bi hài những founder startup phải vội tấp xe vào lề đường để rút tiền khỏi ngân hàng - Ảnh 1.

Hãng tin Bloomberg cho biết trong vài ngày qua, cuộc khủng hoảng của SVB đã tạo nên làn sóng sợ hãi khắp châu Á, từ mảng công nghệ đến các nhà đầu tư. Đỉnh điểm là khi ngân hàng 40 năm tuổi với 209 tỷ USD tài sản này bị sụp đổ trong chưa đầy 48 tiếng vào ngày 10/3 đã thực sự khiến nhiều người chấn động.

Ngay lập tức, giới đầu tư châu Á, từ doanh nghiệp đến tổ chức tài chính đã phải rà soát lại danh mục của mình. Thế nhưng việc nhà đầu tư quá căng thẳng, sợ hãi mới là rủi ro lớn nhất với các ngân hàng và giới đầu tư hiện nay khi tâm lý rút tiền theo bầy đàn, tin lời đồn có khả năng thao túng rất lớn.

Kẻ nhanh người chậm

Trả lời hãng tin Bloomberg, một quỹ đầu tư từng rót vốn cho ByteDance cho biết họ đã phải dán mắt vào màn hình theo dõi cổ phiếu của công ty mẹ ngân hàng SVB cùng các tin tức liên quan trong đêm ngày 9/3/2023 trước khi quyết định rút toàn bộ tiền khỏi ngân hàng này ngay trong đêm đó.

Trong một tình cảnh khác, một giám đốc của Xiaozhu (startup tương tự Airbnb) nói với Bloomberg rằng sau khi nhận được cảnh báo từ nhà đầu tư của mình đã phải vội tấp xe vào lề đường trên cao tốc để rút tiền bằng điện thoại nhằm đảm bảo an toàn cho nguồn vốn.

Tuy nhiên, không phải nhà khởi nghiệp Châu Á nào cũng may mắn như vậy. Một nhà sáng lập ở Ấn Độ nói với Bloomberg rằng ông ấy không kịp rút tiền khỏi SVB và hiện đang gặp áp lực quay vòng vốn.

Một trường hợp khác ở Ấn Độ thì tệ hơn khi phải vất vả chuyển hướng tài khoản do dùng SVB làm nơi nhận tiền từ khách hàng và để thanh toán tiền lương nhân viên.

Vụ SVB: Bi hài những founder startup phải vội tấp xe vào lề đường để rút tiền khỏi ngân hàng - Ảnh 2.

Các cuộc phỏng vấn riêng lẻ của Bloomberg cho thấy đã có 3 nhà khởi nghiệp và một nhà đầu tư startup thức trắng 2 đêm vì SVB.

“Tôi không biết đã có bao nhiêu người phải thức trắng đêm vì SVB để tìm đường giải quyết. Thế nhưng càng đợi lâu thì nỗi sợ càng lan rộng và chỉ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Chẳng ai muốn là người chậm chân cuối cùng cả”, giám đốc Alp Ercil của quỹ đầu tư Asia Research & Capital Management với 3,5 tỷ USD tài sản nói với Bloomberg.

Sợ hãi

Ngay cả những quỹ đầu tư lớn tại Châu Á như Sequoia Capital China, Temasek Holding, ZhenFund và Yunfeng Capital cũng phải vội vàng tra soát lại ảnh hưởng từ vụ SVB đến hoạt động kinh doanh của mình.

Phía Yunfeng đã phải yêu cầu các nhóm tra soát nội bộ về ảnh hưởng của SVB đến danh mục đầu tư của quỹ và có động thái phòng chống. Trong khi đó Sequoia, ShenFund và Temasek đều không có bình luận gì về câu hỏi của Bloomberg.

“Đừng có đánh giá thấp ảnh hưởng của vụ SVB đến ngành công nghệ”, chuyên gia phân tích Liu Zhengning của China International Capital Corp nhận định khi cho biết nguồn tiền gửi của các startup là vô cùng quan trọng bởi họ cần dùng rất nhiều tài chính chi trả cho hoạt động nghiên cứu, lương nhân viên...

Theo Bloomberg, vụ việc SVB đang khiến giới đầu tư và khởi nghiệp ở Châu Á, bao gồm Trung Quốc khá bất an. Chính nỗi sợ và những tin đồn có lẽ là thứ gây ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến thị trường Châu Á hiện nay chứ không phải những yếu tố tài chính cơ bản.

Tại Trung Quốc, SVB có thành lập chi nhánh SPD Silicon Valley Bank vào năm 2012 và phục vụ nhiều hình thức sản phẩm tài chính trên thị trường này, chủ yếu nhắm đến những startup không thể vay mượn được từ các ngân hàng truyền thống.

Mặc dù SPD đã trấn an các nhà đầu tư nhưng hiện vẫn chưa rõ thiệt hại cụ thể của chi nhánh này là bao nhiêu.

Vụ SVB: Bi hài những founder startup phải vội tấp xe vào lề đường để rút tiền khỏi ngân hàng - Ảnh 3.

Trong khi đó, Bloomberg nhận định dù SVB chủ yếu hoạt động ở Thung lũng Silicon và ngành công nghệ nhưng sự sụp đổ của ngân hàng đang làm xói mòn niềm tin mạnh của nhà đầu tư với ngành ngân hàng.

“SVB là một ngân hàng chuyên biệt nên về lý thuyết nó sẽ không ảnh hưởng nhiều đến Châu Á. Thế nhưng nỗi lo sợ và các tin đồn thì lại rất dễ lan rộng”, nhà sáng lập Finian Tan của Vickers Venture Partners tại Singapore nhận định.

*Nguồn: Bloomberg

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại