Hình thức gian lận rất tinh vi
Gần 1h ngày 17/7, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết qua rà soát, Bộ GD-ĐT phát hiện có sai phạm trong quá trình chấm thi ở Hà Giang.
Cũng theo ông Trinh, qua đấu tranh ban đầu đã xác định được đối tượng gây ra vụ việc.
Liên quan đến sự việc nghiêm trọng trên, trao đổi với PV báo Pháp Luật TP.HCM, một nguồn tin cho hay vấn đề điểm thi cao bất thường ở Hà Giang có thể có liên quan đến cả một đường dây gian lận.
Cụ thể, theo ghi nhận của báo này, quy trình thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT thì việc tổ chức thi ở các địa phương sẽ có thanh tra cắm chốt của Bộ giám sát. Để đảm bảo tính khách quan, số cán bộ này là giáo viên, công chức giáo dục ở các tỉnh khác.
Nhưng tới khâu chấm thi thì nhiều công đoạn, công việc lại do Sở GD&ĐT địa phương chủ trì, phụ trách. Khai thác kẽ hở này, một đường dây gian lận thi cử đã được hình thành tại Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang.
Tổ công tác làm việc với Hội đồng thi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang. Ảnh: Infonet
Cụ thể, theo quy trình, sau khi kết thúc thi, ngày 29/6, Hà Giang bắt đầu quét bài thi trắc nghiệm gốc thành dữ liệu điện tử để đến ngày 3/7 hoàn tất, lưu đĩa CD gửi về Bộ GD&ĐT trước ngày 4/7.
Dữ liệu sao này vừa dùng để gửi về Bộ lưu, kiểm tra, đối chiếu khi cần thiết, vừa dùng để chạy phần mềm chấm thi. Nhưng trước khi gửi về Bộ, đường dây gian lận này đã sửa chữa file tài liệu rồi dùng file đã sửa đó đưa vào phần mềm chấm thi, ra kết quả cao chót vót.
Sau khi sửa file điện tử, kết quả chấm thi như "đặt hàng", đường dây này mới rút bài thi gốc bằng giấy ra, tô sửa lại cho khớp với dữ liệu điện tử đã chỉnh sửa trước đó.
"Chúng tôi khẳng định không bao giờ nâng đỡ con mình bằng việc tiêu cực"
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, em P.T.M, là thí đạt điểm cao thứ 2 ở Hà Giang với điểm số 28,4 là con trai của một lãnh đạo sở của tỉnh Hà Giang.
Bà M., mẹ của T.M thông tin với báo trên, trong kỳ thi vừa qua tại tỉnh Hà Giang, chồng bà không tham gia ban chỉ đạo thi.
Bà M. cũng cho biết, ban đầu T.M có nguyện vọng vào ngành y nhưng môn sinh bị 2,5 điểm, nên sẽ chuyển qua nguyện vọng vào các trường thuộc ngành ngân hàng: Những ngày qua, gia đình khá mệt mỏi trước những thông tin từ dư luận.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Trưởng ban chỉ đạo thi THPT Quốc gia tại Hà Giang Trần Quý Đức. Ảnh: VTC News
"Chúng tôi khẳng định không bao giờ nâng đỡ con mình bằng việc tiêu cực. Vợ chồng tôi giáo dục các con từ bé đến lớn, đặt sự trung thực lên hàng đầu", bà M. nói và cho biết mong đoàn công tác của Bộ GD-ĐT và Sở sớm có kết quả để đánh tan những luồng dư luận không tốt đối với những thí sinh đạt điểm cao như con bà.
Ông Trần Đức Quý, Trưởng ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia 2018 tỉnh Hà Giang khẳng định trên báo Thanh niên: Hà Giang xác định không vì thành tích. Chính vì vậy, theo ông Quý sẽ không có vùng cấm trong xử lý vi phạm, sai đến đâu phải xử lý đến đó, kể cả có vấn đề hình sự cũng phải làm.
"Mục tiêu là điểm thi phải trở về với điểm thực của các cháu", ông Quý khẳng định.
Luật sư Vũ Tiến Vinh - Giám đốc Công ty luật Bảo An phân tích trên báo Zing.vn, nếu có người sửa điểm, làm lại hay làm thêm vào bài thi để có điểm cao thì hoàn toàn đủ căn cứ khởi tố vụ án hình sự nhằm làm rõ ai phạm tội, phạm tội gì, mức độ đến đâu.
Hành vi sửa điểm có thể bị xem xét về tội Giả mạo trong công tác, quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự 2015. Người phạm tội này có thể bị phạt tù lên đến 20 năm, thấp nhất 12 tháng, tùy theo tính chất, mức độ phạm tội.
Bên cạnh đó, quá trình điều tra, cơ quan chức năng có thể trưng cầu khoa học giám định hình sự; có thể tiến hành ngẫu nhiên một số hội đồng thi để phát hiện bất thường hoặc cũng có thể lấy các trường hợp học sinh có kết quả học tập của ba năm cấp 3 ở mức trung bình nhưng có điểm tốt nghiệp cao bất thường.
Tổng hợp