Đáng chú ý, các trang mạng khẳng định thí sinh Quách Tất Diện là con ông Quách Tất Liêm – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình. Tuy nhiên, ông Quách Tất Liêm khẳng định với PV Infonet thông tin này là không chính xác.
Để tự minh oan cho mình, ông Liêm đã có gửi đơn đến Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như một số trang báo đưa tin sai sự thật.
“Giữa tôi và thí sinh Quách Tất Diện không có liên quan gì và tôi cũng không biết cháu này là ai. Trong ngày hôm qua tôi đã có văn bản gửi đến Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và các tòa soạn có liên quan.”, ông Quách Tất Liêm cho biết.
“Tôi hoàn toàn vô tư và không có liên quan gì, thế nhưng thông tin phát tán thật kinh khủng, mấy hôm nay nguyên việc nhiều người hỏi tôi đã thấy mệt rồi. Tôi yêu cầu các tờ báo này phải công khai xin lỗi tôi và phải có trách nhiệm đính chính thông tin để dư luận biết sự thật.”
Theo Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Hòa Bình, ngoài sự mệt mỏi khi phải hứng chịu dư luận, bản thân ông cảm thấy danh dự, uy tín bị ảnh hưởng.
“Tôi là một cán bộ công chức nhà nước, việc này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân và gia đình mà còn ảnh hưởng đến cả cơ quan nơi tôi đang công tác. Tôi khẳng định gia đình tôi không có một ai là thí sinh trong kỳ thi vừa qua.”
“Tôi cũng không hiểu vì sao các phóng viên không xác minh thông tin trước khi đăng tin. Việc này không khó vì thí sinh Diện thi vào ngành Công an nên trong hồ sơ lý lịch khi sơ tuyển đã có tên tuổi của bố mẹ.
Việc đăng tải thông tin sai như vậy là vi phạm Điều 9 Luật Báo chí, thậm chí đến sáng nay vẫn còn có báo chưa gỡ bỏ thông tin nên chiều nay tôi sẽ tiếp tục có ý kiến với Ban Tuyên giáo Trung ương. Tôi chịu trách nhiệm cá nhân về việc này.”, ông Quách Tất Liêm cho hay.
Những ngày qua, thông tin về nhiều thí sinh được nâng điểm thi THPT quốc gia 2018 được xác định là con em của lãnh đạo các địa phương, cán bộ ngành giáo dục khiến dư luận bức xúc.
Nhiều người băn khoăn khi một số thí sinh có bài thi được nâng điểm nhưng vẫn được học tiếp tại một số trường đại học, trong khi đó khối trường Công an đã kiên quyết hủy kết quả trúng tuyển và trả tất cả thí sinh thuộc diện nâng điểm về địa phương.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã trao đổi thẳng thắn quan điểm của ông về những vấn đề này.
Hiện các trường đại học thuộc khối Công an đã hủy kết quả trúng tuyển, trả về địa phương đối với các thí sinh được nâng điểm. Các trường khối dân sự cũng hủy kết quả trúng tuyển đối với các thí sinh có điểm chấm thẩm định thấp hơn điểm chuẩn.
Theo Bộ trưởng Nhạ, riêng 12 thí sinh có điểm chấm thẩm định không thấp hơn điểm trúng tuyển thì trước mắt, trong quá trình điều tra, các trường đang cho tiếp tục theo học.
Tuy nhiên, khi có kết luận của cơ quan điều tra, nếu em nào bị kết luận có tham gia vào quá trình gian lận thì sẽ bị xử lý theo qui định của pháp luật.
Quan điểm của Bộ Giáo dục là xử lý nghiêm khắc, xem xét cho thôi học những thí sinh có kết luận liên quan đến gian lận thi cử.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường phải căn cứ vào quy định của Quy chế tuyển sinh, của Đề án tuyển sinh đã công bố, các quy định riêng của từng trường và quy định có liên quan của cơ quan có thẩm quyền (bộ, ngành, địa phương…nếu có) để chủ động xử lý nghiêm, đúng pháp luật, đảm bảo có căn cứ và có trách nhiệm giải trình với xã hội.