Chúng tôi tìm đến khu vực ven sông Kinh Lộ, thuộc ấp 3, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè (TP.HCM), nơi mới chỉ cách đây một ngày, 6 căn nhà đã bị "thuỷ thần" cướp mất vì sạt lở trong đêm.
Tại đây, nhiều đống đổ nát hiện lên, kéo theo đó là sự ngao ngán của người dân khi đang phải tự mình tháo dở những tài sản còn sót lại của nơi mình ở, vì biết đâu tai nạn sẽ lại kéo đến lần nữa.
6 căn nhà đã bị dòng nước cuốn trôi
Căng dây phong tỏa để tránh gây nguy hiểm cho người dân
Ông Tài bàng hoàng kể lại sự việc
Đang hì hục dùng kìm tháo chiếc gương nhỏ đang treo chỏng chơ trên tường, ông Văn Tấn Tài (80 tuổi) vẫn chưa hết bàng hoàng nhớ lại thời điểm sạt lở vào khuya 27-6.
Chỉ về hướng giữa sông, ông Tài cho biết: "Khoảng 12 giờ khuya, tôi đang thiu thiu ngủ thì nghe những tiếng rầm rầm rất lớn.
Linh tính có chuyện không hay, tôi chạy ra ngay mé sông thì thấy nhà mình cũng những nhà bên cạnh bị trôi tuột xuống sông, mái tôn và tường cũng sập xuống. Cả cây dừa nằm sát bờ cũng bị tróc gốc trôi ra đến tận ngoài kia".
Phía sau của 6 căn nhà đều đã bị sạt
Mọi tài sản trôi theo dòng nước dữ
Theo ông Tài, suốt đêm đó, ông cùng với người con út ở chung không còn chợp mắt được bởi lo sợ đất sẽ tiếp tục sụp kéo phần còn lại của căn nhà xuống hết.
Đến sáng thì sự việc được trình báo, chính quyền cử các anh dân quân đến hỗ trợ tháo dở nhà, đem tài sản của ra giúp chứ không cho người dân vào vì nguy hiểm.
"Căn nhà này là tiền tôi tích cóp từ công việc đóng ghe tàu, xây khoảng 50 triệu, mà giờ trôi đi, thiệt hại cũng một nửa. Tôi giờ chỉ sống bằng tiền lương hưu và tiền của con út cho, biết lấy gì mà xây lại" – ông Tài nói.
Cuộc sống của người dân bị đảo lộn hoàn toàn
Những căn nhà không nóc
Dọn dẹp trong đống đổ nát
Sắt vụn được người dân gom để bán ve chai
Cạnh bên, nhà của ông Nguyễn Văn Đầy còn tệ hơn khi trận sạt lở đất sáng 27-6 không chỉ cướp mất một phần nhà của ông mà còn lấy đi khối tài sản lớn, trong đó có nhiều chiếc lu sành được ông tích trữ lâu nay.
Bước vào bên trong, nhà ông Đầy tan hoang khi mái tôn và các vật dụng đã được tháo dỡ. Phía trước nhà, các khối kim loại gỉ sét sau khi tháo ra đang được người thu gom ve chai chất lên xe. Hiện gia đình ông Đầy phải ở tạm nhà hàng xóm.
Cảnh không nhà cửa, người dân phải ngủ tạm bên hiên nhà hàng xóm
Chị Lam bên đứa con trai của mình
Đập bỏ các căn nhà để khỏi gây nguy hiểm
Dù nhà chưa sạt lở nhưng chị Thu Lam (32 tuổi) cũng trong hoàn cảnh tương tự khi được vận động di dời gấp vì nằm trong khu vực bị ảnh hưởng.
Đoạn sạt lở dài 50 mét, ăn sâu đến 20 mét vào trong khiến cho căn nhà của chị đã xuất hiện các vết nứt. Dẫn theo con trai lớn, chị cho biết từ hôm xảy ra sự việc, hai vợ chồng và hai con chị xin ngủ nhờ, đồng thời chuyển hết đồ đạc cho một gia đình khác.
"Giờ hai vợ chồng đang gấp rút kiếm nhà trọ ở tạm, chứ đâu thể xin người ta ở hoài. Hai ngày nay, việc học của các con mình cũng gián đoạn vì phải bận chuyển nhà. Rồi những ngày sắp đến nữa, không biết tính sao" – chị Lam nói.
Đằng sau nụ cười của người dân là bao khó khăn chồng chất
Hai đứa nhỏ nhí nhảnh tạo dáng bên nhà người thân
Cố tìm trong đống đổ nát những thứ dùng được để bán
Dân quân giúp người dân dọn nhà
Đặc biệt, trong tổng số 6 căn nhà bị sạt lở thì có đến 3 căn nhà của bà Lê Thị Chín (79 tuổi) được bà cho người dân thuê trọ với giá 500.000 đồng/căn.
Bà nghẹn ngào nói: "Bà và ông năm nay đã lớn tuổi rồi, lại thường xuyên đau ốm, tất cả đều phụ thuộc vào số tiền kiếm được từ việc cho thuê trọ. Bây giờ cả 3 căn nhà đều mất, bà không biết phải sống làm sao.
Mình lớn tuổi rồi, có làm gì ra tiền được đâu".
Nhớ lại trận sạt lở kinh hoàng, anh Lê Thành Đồng (42 tuổi) vẫn chưa hết lo sợ, anh kể: "Lúc ấy tôi đang coi phim thì nghe tiếng rầm rầm phía sau nhà, tôi hoảng quá la toáng lên, chỉ kịp dắt hai đứa nhỏ chạy ra khỏi nhà.
Chỉ trong mấy phút, tất cả tài sản, đồ nghề làm thợ hàn của tôi đều chìm trong xoáy nước, tôi chỉ kịp giữ được cái quần tà lỏn mà thôi".
Cơm hộp ăn qua ngày của ba cha con anh Đồng
Cảnh sạt lở kinh hoàng bên mé sông
Tài sản dành dụm cả đời phút chốc tan biến
Kể từ lúc mất nhà, không có chỗ ăn uống, tắm giặt, nhiều hộ dân chỉ biết nương nhờ vào hàng xóm láng giềng, có người ở tạm tại một ngôi trường tiểu học đã bỏ hoang nhiều năm. Cơm hộp, nước suối chai, mì gói thay cho những bữa cơm sum họp gia đình.
Sau khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương đã hỗ trợ cho mỗi hộ dân ảnh hưởng 1.5 triệu đồng để tìm nơi ở tạm.
Trong sáng 28-6, các thành viên thuộc huyện Đoàn Nhà Bè cũng mang đến những nhu yếu phẩm gồm gạo, quần áo, sách vở đã huy động được trong ít giờ qua để hỗ trợ phần nào chuyện sinh hoạt, ăn uống cho người dân.
Dự kiến, ban bồi thường giải phóng mặt bằng địa phương sẽ đến khảo sát, đo đạc để lập phương án bồi thường cũng như có kế hoạch di dời người dân tại vùng sạt lở đến nơi an toàn.