Vụ sập bẫy 15.000 tỉ tiền ảo: Phải khởi tố vụ án!

TUYẾN PHAN |

Chuyên gia tội phạm học cho rằng cần phong tỏa, kê biên tài sản của các đối tượng chủ mưu và xử lý hình sự vụ 32.000 người sập bẫy 15.000 tỉ tiền ảo.

Vụ việc hàng chục người tập trung tại trụ sở Công ty Cổ phần Modern Tech (tọa lạc tại tòa nhà 68 Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM) tố cáo bị công ty này lừa đảo chiếm đoạt hơn 15.000 tỉ đồng từ tiền ảo Ifan đang gây “nóng” dư luận.

Thông tin ban đầu, có tới 32.000 người tham gia đầu tư vào dự án tiền ảo này.

Vụ sập bẫy 15.000 tỉ tiền ảo: Phải khởi tố vụ án! - Ảnh 1.

Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an. Ảnh: NVCC

Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an cho rằng đây là vụ việc rất nghiêm trọng, các cơ quan tố tụng cần nhanh chóng vào cuộc.

Ông cũng chính là điều tra viên thụ lý vụ án lừa đảo đa cấp lớn nhất Việt Nam thời điểm năm 2012 xảy ra tại Công ty MB24, đồng thời đang viết luận án tiến sỹ luật học về đề tài phòng ngừa tội lừa đảo trong kinh doanh đa cấp.

Phải xử lý hình sự

Trung tá Hiếu đánh giá đây là một vụ án lừa đảo đa cấp dưới hình thức huy động vốn trái phép, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, cần thiết phải xử lý về hình sự.

Thứ nhất, hoạt động của Modern Tech là theo phương thức đa cấp, bởi công ty này xây dựng mạng lưới người tham gia kinh doanh đồng tiền ảo Ifan gồm nhiều cấp, nhiều nhánh.

Thông qua chính sách trả thưởng cho người tham gia lên đến 8% số tiền nếu lôi kéo người mới tham gia vào hệ thống, công ty đã xây dựng được mạng lưới nhà đầu tư lên đến 32.000 người.

Hơn thế, đây là hoạt động lừa đảo đa cấp, bởi Modern Tech đã mạo nhận công ty được ủy quyền của các đối tác nước ngoài làm ăn uy tín. Cùng với đó là tuyên truyền sai sự thật về ích lợi khi tham gia vào mạng lưới đầu tư đồng Ifan.

Người cầm đầu lấy lợi ích làm mồi nhử, hứa hẹn những lợi ích vô cùng hấp dẫn khi tham gia (hưởng lợi nhuận thấp nhất 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa bốn tháng) để kích thích lòng tham, tính hám lợi của người dân.

Trên thực tế, chúng dùng tiền của người vào sau trả cho người vào trước, thậm chí cắt một phần số tiền người tham gia đóng vào công ty để trả cho họ với danh nghĩa trả lãi nhằm tạo lòng tin để mở rộng mạng lưới.

Thứ hai, đây là sự huy động vốn trái phép để chiếm đoạt, vì bản chất thực sự của việc bán đồng tiền ảo Ifan (không có giá trị và giá trị sử dụng) là chỉ nhằm thu tiền của các nhà đầu tư.

Sản phẩm dịch vụ hay các vật ảo đó chỉ là cái cớ, là vỏ bọc che đậy cho mục đích thu hút nguồn tài chính từ xã hội.

Thứ ba, yếu tố chiếm đoạt đã được thể hiện rõ ràng bằng việc sau khi huy động được số tiền lên đến 15.000 tỉ đồng, bộ sậu lãnh đạo công ty đã ôm tiền bỏ trốn.

Đó là những căn cứ để xác định hành vi của các đối tượng “chóp bu” tại Công ty Modern Tech đã có dấu hiệu phạm vào điểm d khoản 1 Điều 290 - Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

“Cần khẩn trương truy tìm các đối tượng, xác minh sự việc, phong tỏa, kê biên tài sản và khởi động tiến trình tố tụng hình sự đối với những kẻ khởi xướng đường dây lừa đảo đa cấp này” - vị trung tá nói.

Một phần do lòng tham của bị hại

“Nguyên nhân người dân bị lừa nhiều đến thế, thiệt hại khủng khiếp đến thế không phải là do trình độ lạc hậu, dân trí thấp, thiếu hiểu biết mà là vì lòng tham” - Trung tá Hiếu nhận định.

Theo ông, trong tất cả vụ án lừa đảo đa cấp đã xảy ra, nạn nhân luôn có một phần lỗi. Nạn nhân đã giúp đỡ chúng khi sẵn sàng biến mình thành con mồi.

Kẻ phạm tội sở dĩ gây án thành công, tất cả là vì lòng tham, do tính hám lợi cố hữu của con người đã bị kích hoạt.

Chính lòng tham làm con người ta hoa mắt, không nhận ra ẩn họa phía sau những lời đường mật hứa hẹn về lợi ích vô cùng hấp dẫn khi đầu tư vào đồng tiền ảo.

“Từng làm việc với hàng ngàn bị hại trong các vụ án đa cấp lừa đảo trước đây, chúng tôi nhận thấy không phải bị hại nào cũng đáng thương.

Nhiều người biết là việc tham gia có rủi ro, thậm chí là lừa đảo nhưng vì cái lợi trước mắt nên vẫn tham gia.

Hoặc lỡ tham gia rồi thì cố lôi kéo người khác vào để rút được vốn ra và được hưởng hoa hồng phát triển mạng lưới” - vị trung tá chia sẻ.

Hậu quả nặng nề từ lừa đảo đa cấp

Trung tá Đào Trung Hiếu cho rằng lừa đảo trong kinh doanh theo phương thức đa cấp đã và đang có những “biến thể” tinh vi, không chỉ là bán sản phẩm hàng hóa cụ thể, mà đã lan sang nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống như: đầu tư tài chính, góp vốn, thương mại điện tử, tiền ảo, chăm sóc sức khỏe, du lịch nghỉ dưỡng, sân chơi tài chính, các khóa học làm giàu, quỹ từ thiện, câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe, các trò chơi trực tuyến (game)…

Những chiêu trò để dụ dỗ người dân thường được sử dụng như: Tuyên truyền vô tội vạ về lợi ích khi tham gia vào mạng lưới đa cấp; “nổ” về hiệu quả đầu tư, không phải làm gì cũng có thu nhập siêu khủng; cho người tham gia chứng kiến các cuộc hội thảo, dàn dựng những màn trả thưởng hoành tráng để đánh vào lòng tham, tính hám lợi; mạo danh các cơ quan nhà nước, đơn vị có uy tín, làm giả các loại tài liệu để lòe bịp người dân, nhằm tạo lòng tin; cắt lãi ngay (lấy từ chính tiền của nạn nhân) trả cho nạn nhân dưới danh nghĩa lãi suất khiến người dân mờ mắt, về góp thêm vốn, rủ thêm người đầu tư.

Lừa đảo trong kinh doanh đa cấp đã gây nên hậu quả vô cùng nặng nề trong đời sống xã hội, trước hết là đối với nền kinh tế và đời sống người dân.

Điển hình như vụ lừa đảo tại Công ty Liên Kết Việt, đã có hơn 66.000 người bị chiếm đoạt số tiền hơn 1.900 tỉ đồng; Công ty MB24 lôi kéo 17.000 người tham gia gây thiệt hại hơn 630 tỉ đồng,...

Hành vi này còn góp phần đảo lộn các giá trị, chuẩn mực đạo đức truyền thống của dân tộc.

Vì lỡ bỏ tiền tham gia, trước nguy cơ mất vốn, nhiều người tiếp tục dụ dỗ, lừa gạt người thân, bạn bè của mình tham gia mạng lưới, miễn là thu được số tiền đã đầu tư.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại