Trong lịch sử phong kiến cổ đại Trung Quốc, có lẽ vương triều nào cũng có một đến hai lần phải "phó thác", trong đó nổi tiếng nhất có lẽ là "Phó thác con côi ở Bạch Đế thành" vào thời Tam quốc.
Khi ấy, Lưu Bị trước lúc lâm chung đã giao phó Lưu Thiện còn nhỏ tuổi yếu nhược cho Gia Cát Lượng.
Sau khi Lưu Bị qua đời Gia Cát Lượng đã tuân theo di nguyện của Lưu Bị, có thể nói là cúc cung tận tụy không hổ thẹn với Lưu Bị, không thẹn với Thục Hán, cho dù Lưu Thiện có "bất tài vô dụng" nhưng Gia Cát Lượng cũng chưa bao giờ từng có suy nghĩ soán ngôi đoạt vị.
Song, không phải ai được Hoàng đế "gửi gắm, phó thác" cũng có tấm lòng tận trung như Gia Cát Lượng.
Vào thời kỳ Nam Bắc triều trong lịch sử Trung Quốc cũng từng có một vụ "phó thác" có thể coi là lần "phó thác" thất bại nhất trong lịch sử. Sở dĩ nói như vậy là bởi vì tiên đế vừa băng hà, tân hoàng đế đã bị bốn vị quyền thần hợp lực mưu hại chết.
Vị hoàng đế đem con phó thác cho đại thần đó chính là Lưu Dụ. Lưu Dụ chính là Lưu Ký Nô – vị hoàng đế đầu tiên của Nam triều, ông cũng chính là người được viết trong câu thơ "Nhân đạo Ký Nô tằng trú" trong bài thơ "Vĩnh Ngộ Lạc – Kinh khẩu Bắc Cố đình hoài cổ" của Tân Khí Tật.
Chân dung Lưu Tống Vũ đế Lưu Dụ.
Tưởng đương niên, kim qua thiết mã, khí thôn vạn lý như hổ.
(Dịch thơ: Nhớ năm nào, giáo vàng ngựa sắt, vạn dặm đất nuốt phăng như hổ).
Tuy rằng trước khi lên ngôi, Lưu Dụ đã bức hại sáu vị hoàng đế, nhưng ông cũng là một vị Hoàng đế vô cùng sáng suốt, có cống hiến to lớn với sự phát triển kinh tế của Giang Nam, góp phần bảo vệ và lan tỏa văn hóa người Hán, đồng thời mở ra thời kỳ quốc thổ rộng lớn nhất Giang Tả Lục triều.
Song vị quân vương như thế lại không tại vị được lâu, trong thời gian phát động chinh phạt Bắc Ngụy, Lưu Dụ không may mắc bệnh qua đời, trước lúc lâm chung, ông đã gọi bốn vị Đại thần tâm phúc đến, giao phó, gửi gắm con trai mình là Lưu Nghĩa Phù không tài cán gì cho bốn người đó.
Song ngay năm sau sau khi Lưu Dụ qua đời, bốn vị đại thần đã bí mật âm mưu hại chết tân đế.
Bốn vị đại thần lần lượt là Từ Tiễn Chi, Phó Lượng, Tạ Hối và Đàn Đạo Kế. Nguyên nhân bốn người này bí mật âm mưu sát hại tân đế Lưu Nghĩa Phù không phải là vì Tiên đế Lưu Dụ "phó thác" sai người mà ngược lại, cả bốn người này có thể nói đều là tâm phúc tuyệt đối của Lưu Dụ, là công thần khai quốc.
Nguyên nhân thực sự xuất phát từ chính bản thân Lưu Nghĩa Phù. Nhân vật này thậm chí còn vô dụng hơn cả A Đẩu.
Hình ảnh nhân vật Lưu Nghĩa Phù trên phim.
Bắt đầu từ khi tiên đế Lưu Dụ phó thác chuyện hậu sự, từ trong lời dặn dò của ông, Lưu Nghĩa Phù có thể nói là không tài giỏi gì.
Ngay từ khi Lưu Dụ vẫn còn sống, Lưu Nghĩa Phù đã ham thích rong chơi, đến khi Lưu Dụ qua đời, Lưu Nghĩa Phù cho rằng không ai có thể quản thúc mình nữa, cho nên lại càng thêm không kiêng nể gì, không những không hỏi han chuyện triều chính, thậm chí đến khi Bắc Ngụy xâm lược lãnh thổ, tướng quân thất bại phải tự sát ông cũng không lo lắng, vẫn ngày đêm đắm chìm vào thế giới riêng của bản thân.
Việc này đã khiến bốn vị đại thần được tiên hoàng giao phó không thể chấp nhận được, vì không muốn thiên hạ mắc sai lầm, đã tước đi ngọc tỉ của Lưu Nghĩa Phù rồi giết ông.
Sau đó, cả bốn vị đại thần đưa vị Hoàng tử thứ ba của tiên đế là Lưu Nghĩa Long lên làm Hoàng đế, đây cũng chính là Tống Văn Đế sau này, trong thời gian Tống Văn Đế trị vì được ca tụng là thời kỳ "Nguyên Gia chi trị".