Vụ phạt "nói xấu bộ trưởng" dưới góc nhìn của BS Việt ở Mỹ: Ở chỗ tôi người ta ứng xử khác!

Bảo Thy |

Tôi nghĩ cả hai bên, bác sĩ Truyện và Bộ Y tế, đều sai trong việc này và hai bên đều không chuyên nghiệp trong cách xử lý vấn đề.

Câu chuyện bác sĩ Hoàng Công Truyện - Trung tâm y tế huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế bị Sở Thông tin truyền thông phạt 5 triệu đồng vì hành vi bôi nhọ, hạ uy tín của người khác trên Facebook đã khiến dư luận đặc biệt trong giới bác sĩ bức xúc cho rằng đây là biên bản phạt "ngược đời"

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bác sĩ BS Huynh Wynn Trần  - Bác sĩ Việt đang công tác tại Mỹ về góc nhìn sau vụ việc phạt bác sĩ gây xôn xao dư luận gần đây.

PV: Mới đây 1 bác sĩ ở Phong Điền, Thừa Thiên Huế đã bị Sở Thông tin truyền thông phạt 5 triệu đồng vì lỡ "khuyên" Bộ trưởng Bộ Y tế nghỉ. Việc BS Truyện bị phạt khiến nhiều đồng nghiệp của anh bị sốc vì cảm thấy mình bị "bịt miệng" và từ nay không dám ý kiến dù là ý kiến sai hay đúng. Quan điểm của bác sĩ như thế nào?

BS Huynh Wynn Trần: Tôi nghĩ cả hai bên, bác sĩ Truyện và Bộ Y tế, đều sai trong việc này và hai bên đều không chuyên nghiệp trong cách xử lý vấn  đề. Về mặt luật pháp, Bộ Y tế quản lý các cơ sở y tế công, nên Bộ trưởng Bộ Y tế có thể được xem như cấp trên của bác sĩ Truyện. 

Tôi có tìm xem bác sĩ Truyện viết gì trên Facebook nhưng không tìm được nữa, có lẽ đã bị xoá. Tuy nhiên, theo thông tin trên các phương tiện truyền thông thì bác sĩ Truyện nói về  của mình: "chê bộ trưởng không về cơ sở, yếu kém công tác..." trên Facebook. 

Việc bình luận nói không tốt về một cá nhân là cấp trên của mình, cùng làm việc chung trong ngành y là không không chuyên nghiệp. Các bạn đồng nghiệp có thể bị sốc và ủng hộ anh bác sĩ này, nhưng họ không nên ủng hộ cách góp ý tự phát nơi công cộng về một cá nhân hoặc lãnh đạo của  mình. 

Bộ Y tế cũng không chuyên nghiệp khi xử lý vấn đề gấp rút và đề nghị xử phạt công khai bác sĩ Truyện với mức phạt 5 triệu. Cách làm này rõ ràng có tác dụng ngược khi hầu hết các bác sĩ trong nước bị sốc và ngầm phản đối.

Vụ phạt nói xấu bộ trưởng dưới góc nhìn của BS Việt ở Mỹ: Ở chỗ tôi người ta ứng xử khác! - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

PV: Ở bên Mỹ nơi bác sĩ công tác có câu chuyện như này không?

BS Huynh Wynn Trần:  Có. Mâu thuẫn nơi làm việc ở đâu cũng có, nhưng khác nhau là cách xử lý vấn đề. Chỗ làm của tôi nhân viên có thể viết góp ý thắc mắc nếu thấy sếp mình có vấn đề.

Cách đây vài năm, chỗ làm cũ của tôi có một CEO rất được lòng người nhưng bệnh viện lại gặp khó khăn trong tài chính. Một ngày nọ, CEO này tự dưng xin nghỉ việc. 

Trong buổi nói chuyện lúc chia tay, ông nhận khuyết điểm của mình. Ông nói là có người góp ý về cách ông lãnh đạo bệnh viên. Ông đã hẹn gặp người đó, nghe những góp ý, và có gắng thay đổi nhưng tình hình bệnh viện không tốt hơn nên ông từ chức. Chúng tôi không hề biết có những mâu thuẫn nội bộ trong bệnh viện chúng tôi cho đến khi vị CEO kia nói ra. 

Nhiều mâu thuẫn nơi công sở thông qua cách làm này đã được giải quyết. Trường hợp BS Truyện sẽ rất khó để có một bên thứ ba chịu nhận ý kiến của anh nếu anh đóng góp. Có thể vì vậy mà anh chọn cách viết ra trên trang cá nhân của mình?

PV: Vài năm trước, 1 bác sĩ cũng bị gửi công văn đến cơ quan nơi anh làm việc yêu cầu chấn chỉnh việc nói năng trên trang cá nhân. Theo bác sĩ, việc chia sẻ tâm trạng, những suy nghĩ của mình trên trang cá nhân cần quản lý của Bộ Y tế?

BS Huynh Wynn Trần: Tôi nghĩ Bộ Y tế không nên quản lý bác sĩ theo cách này. Thay vào đó, Bộ Y tế nên tập trung vào những việc chính như cải cách cách đào tạo bác sĩ hoặc làm sao có thêm giường cho bệnh nhân. Bộ Y tế  nên nhìn nhận các góp ý của các bác sĩ, xem xét đúng hay sai, và đưa ra hướng giải quyết, cải thiện nếu thấy sự góp ý đó là đúng.

Thêm nữa, rất khó quản lý ý kiến cá nhân, nhất là trên mạng xã hội. Bộ Y tế không thể theo dõi hàng trăm ngàn tài khoản Facebook để xem ai nói xấu mình, cách làm này cũng càng cho thấy sự không chuyên nghiệp. Tốt nhất là để các bác sĩ tự giác học cách cư xử chuyên nghiệp khi có mâu thuẫn với cấp trên (Bộ Y tế) và có cách phản hồi thích hợp.

PV: BS Hoàng Công Truyện phạt 5 triệu đồng không phải là mất mát duy nhất, theo anh, BS Truyện sẽ bị tổn thương như thế nào ngoài phạt về hành chính?

BS Huynh Wynn Trần: Đúng vậy. Bác sĩ Truyện sẽ mất nhiều hơn 5 triệu đồng và các hình thức kỷ luật. Cái mất lớn nhất là niềm tin. 

Anh ấy đã có ý đóng góp, có thể sai về mặt hình thức, nhưng cuối cùng anh nhận lại hình phạt thay vì phản hồi. Anh và các đồng nghiệp sẽ không biết tìm nơi nào để góp ý nếu sau này còn thấy những điều sai. Bác sĩ Truyện sẽ không dám nói gì thêm nữa vì anh sẽ không muốn mất thêm gì khác. 

Cái mất khác nữa là nghề nghiệp và uy tín trong ngành của anh. Trong công văn trên mạng, bác sĩ Truyện có nhận lỗi và nói rằng trong lúc bức xúc và có bia nên nói như vậy. Có thể các bác sĩ sẽ ủng hộ cách anh làm, nhưng việc một bác sĩ khi bức xúc không giữ được tính chuyên nghiệp, chê trách người khác sẽ khiến anh khó xin việc hoặc đi xa hơn về sau.

PV: Đây sẽ là bài học để bác sĩ Việt "im lặng" và có thể trở nên vô cảm hơn, theo anh có đúng như thế không?

BS Huynh Wynn Trần: Đều này tuỳ thuộc vào cách Bộ Y tế xử lý vấn đề. Bộ Y tế có thể thu hồi các hình thức phạt và cùng nhau ngồi xuống lắng nghe những góp ý của bác sĩ Truyện. Bằng cách này, cả hai bên sẽ giải quyết vấn đề tốt hơn. Đồng thời, Bộ Y tế cũng chứng tỏ cho mọi người thấy cách làm chuyên nghiệp của mình.

Tuy nhiên, nếu Bộ Y tế không làm gì cả, chỉ phạt bác sĩ Truyện thì tôi e rằng các bác sĩ Việt Nam sẽ càng im lặng hơn vì họ sợ liên luỵ đến nồi cơm của mình.

Xin cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ hướng dẫn chữa đau lưng

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại