Ngày 25/8, phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng tiếp tục với phần tranh tụng, với nội dung chính quanh khoản tiền liên quan nhóm bà Trần Ngọc Bích.
Sau các phiên bào chữa và tự bào chữa cùng quan điểm của người liên quan và các luật sư bảo vệ quyền lợi, nghĩa vụ của người liên quan, Viện kiểm sát hôm nay vẫn giữ nguyên quan điểm đề nghị truy thu 5.190 tỷ đồng.
Cụ thể, Viện kiểm sát xác định Phạm Công Danh đã sử dụng tiền trên tài khoản Trần Ngọc Bích để trả nợ vay của nhóm Bích trước đó. Hành vi của Phạm Công Danh thực hiện trái pháp luật, gây thiệt hại cho Ngân hàng Xây dựng (VNCB). Khoản tiền gửi do vi phạm pháp luật mà có, đề nghị thu hồi lại nhằm khắc phục hậu quả cho VNCB.
Trước đó, ngày 16/8, Viện kiểm sát đã luận tội và đề nghị Hội đồng xét xử thu hồi 5.190 tỷ đồng nói trên, đồng thời đề nghị truy thu 851 tỷ đồng mà Phạm Công Danh đã trả cho bà Phấn (do dùng trong khoản 903 tỷ đồng rút qua việc ủy thác đầu tư trái phiếu cho Quỹ Lộc Việt); 500 tỷ đồng trả lãi cho nhóm bà Bích có nguồn từ hành vi rút tiền trái phép của VNCB; 135 tỷ đồng trả cho bà Phấn có nguồn từ hành vi rút tiền trái phép của VNCB; 3 tỷ đồng quỹ Lộc Việt hưởng lợi khi thực hiện ủy thác đầu tư.
Tổng cộng số tiền đã đề nghị thu hồi lên đến 6.684 tỷ đồng.
Tại phiên tòa ngày 25/8, luật sư Hà Hải bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh cho rằng, theo quan điểm của VKS thì nguồn tiền rút ra bất hợp pháp cần phải thu hồi có trong hồ sơ vụ án còn có các khoản tiền lãi vượt trần mà Phạm Công Danh đã dùng để trả cho nhóm bà Bích.
Đó là các khoản 119 tỷ đồng rút từ nguồn vay 4.700 tỷ từ VNCB vay (119 tỷ này nằm trong khoản vay 220 tỷ của công ty Thành Trí từ VNCB, sau đó ông Lộc nhóm bà Bích rút ra bằng séc, là tiền Thiên Thanh trả cho nhóm bà Bích theo lời khai của Hoàng Đình Quyết tại phiên tòa ngày 24/8); 47,5 tỷ có nguồn gốc từ đề án nâng cấp Corebanking dùng trả lãi vượt trần cho nhóm bà Bích; 81 tỷ trả lãi vay cầm cố sổ tiết kiệm; 108,5 tỷ trả lãi vay 2 tháng cho khoản 3.100 tỷ.
Theo quan điểm của luật sư thì nếu cộng thêm các khoản tiền phải thu hồi thêm như vậy, tổng số tiền có thể thu hồi về lên đến hơn 7.000 tỷ đồng, góp phần giảm thiệt hại đáng kể cho ngân hàng.