Vụ nữ điều dưỡng cấp cứu khách nước ngoài ngừng tim ở Đà Nẵng: Bác sĩ nêu 5 nguyên tắc ai cũng cần biết

Ngọc Minh |

Theo chuyên gia từ Bệnh viện Bạch Mai, sơ cứu là rất quan trọng, có 5 nguyên tắc mọi người cần nhớ.

Mới đây, ông Jean (du khách quốc tịch Ấn Độ) đột ngột ngã gục trong nhà hàng ở TP. Đà Nẵng đã được nữ điều dưỡng Đặng Thị Hạ (điều dưỡng Trung tâm cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai) cấp cứu tại chỗ kịp thời. Nữ điều dưỡng nhận nhiều lời tán dương và khen ngợi của cộng đồng mạng.

Đây là số ít trường hợp may mắn khi gặp nạn ngoài cộng đồng nhưng vô tình có người chuyên môn y tế bên cạnh. Còn với phần lớn các trường hợp gặp nạn, người sơ cứu ban đầu chỉ có thể là người dân, bạn bè...

Hậu quả khi sơ cứu sai cách

Theo các chuyên gia, có không ít trường hợp người dân sơ cứu ban đầu sai cách, khiến tình trạng của nạn nhân nặng hơn. 

Vụ nữ điều dưỡng cấp cứu khách nước ngoài ngừng tim ở Đà Nẵng: Bác sĩ nêu 5 nguyên tắc ai cũng cần biết- Ảnh 1.

Bác sĩ Ngô Đức Hùng, Trung tâm Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai), hướng dẫn kỹ năng sơ cứu (ảnh PV).

Bác sĩ Ngô Đức Hùng, Trung tâm Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết mỗi ngày, Trung tâm tiếp nhận 300 bệnh nhân vào cấp cứu, trong đó 40% là do tai nạn giao thông.

Bác sĩ Hùng đã gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhân được mọi người giúp đỡ nhưng sơ cứu sai cách, gây ra những tổn thương đáng tiếc cho người bị nạn, đặc biệt là các trường hợp tai nạn có chấn thương đốt sống cổ. Nếu bệnh nhân không được cố định đốt sống cổ đúng cách  thì tổn thương có thể trở nên nặng nề hơn.

Một trường hợp điển hình là bệnh nhân nam tại Hải Phòng, gặp tai nạn giao thông, bị chấn thương đốt sống cổ. Khi gặp tai nạn, bệnh nhân được mọi người giúp đỡ rất nhiệt tình. Nạn nhân được bế xốc nách lên xe và được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Khi tới Trung tâm cấp cứu A9, cột sống cổ của bệnh nhân đã bị vỡ ra và cứa vào tủy, gây tổn thương nghiêm trọng. Nạn nhân bị liệt từ cổ trở xuống và không có khả năng hồi phục.

"Đây là một trường hợp rất đáng tiếc. Nếu như bệnh nhân này được sơ cứu đúng sẽ không xảy ra trình trạng bị liệt như vậy", bác sĩ Hùng nói.

Hay như trường hợp một ông bố ở Nam Định, cho tay vào miệng con khi con bị co giật để cháu không cắn phải lưỡi. Tuy nhiên, ông bố này đã bị con cắn sâu vào tay, gây tổn thương và bị nhiễm trùng lên tận cổ tay, suýt phải tháo khớp.

Trong một vụ tai nạn giao thông ở Kon Tum khiến nhiều người tử vong, 24 người tham gia cấp cứu, trong đó có 17 nhân viên y tế. Nhóm người tham gia cấp cứu nhiệt tình nhưng lại quên bảo vệ an toàn cho bản thân nên đã bị phơi nhiễm HIV do trong số các nạn nhân có người nhiễm HIV.

Theo bác sĩ Hùng, sơ cứu trước khi đến bệnh viện là hết sức quan trọng. Nếu nạn nhân được sơ cứu đúng trong khoảng thời gian này sẽ có thể giữ được tính mạng, giúp cho các tổn thương không tiến triển nặng hơn.

Sơ cứu đúng cách cho người gặp tai nạn giao thông

Bác sĩ Hùng cho biết khi sơ cứu cho những nạn nhân gặp tai nạn giao thông, mọi người hãy coi tất cả các nạn nhân gặp tại nạn giao thông đều có chấn thương đốt sống cổ.

Vụ nữ điều dưỡng cấp cứu khách nước ngoài ngừng tim ở Đà Nẵng: Bác sĩ nêu 5 nguyên tắc ai cũng cần biết- Ảnh 2.

Sơ cứu đúng giúp bệnh nhân tránh được những tổn thương không đáng có (ảnh PV).

Khi di chuyển các nạn nhân tai nạn giao thông, mọi người cần cố định phần cổ của bệnh nhân bằng nẹp y tế chuyên dụng. Trong trường hợp không có nẹp y tế cần đặt 2 viên gạch ở 2 bên cổ của bệnh nhân rồi dùng áo để cố định.

Mọi người cần lưu ý giữ đầu nạn nhân theo phương thẳng đứng. Trong thời gian này, hãy trấn an và chờ cấp cứu 115 đến. Nếu di chuyển bệnh nhân, cần đặt người bệnh trên nền cáng cứng để di chuyển.

Bác sĩ Hùng cho hay: "Hành động cứu người là anh hùng nhưng có thể trở thành gánh nặng cho người khác nếu bạn không làm đúng".

5 nguyên tắc khi tiến hành sơ cứu

Ngoài ra, khi sơ cứu cho nạn nhân trong mọi tình huống, mọi người cần đảm bảo 5 nguyên tắc sau:

- An toàn

- Không di chuyển nạn nhân khi chưa đánh giá ban đầu

- Bình tĩnh và luôn nhờ sự trợ giúp

- Hành động thống nhất

- Đề phòng lây nhiễm: Đeo găng tay hoặc sử dụng túi nilon khi tiếp xúc với vết thương; Rửa tay trước và sau khi sơ cứu; Xử lý các vật dụng sau khi sơ cứu.

Khi sơ cứu bệnh nhân thường có 3 tình huống:

- Tình huống thứ nhất: Nạn nhân tỉnh

Người giúp đỡ cần hỏi thông tin, kiểm tra vết thương, đưa người bệnh về tư thế thoái mái nhất (tư thế hồi phục).

- Tình huống thứ hai: Nạn nhân không tỉnh, còn mạch

Nếu bệnh nhân hôn mê, còn thở, còn mạch, mọi người cần kiểm tra đường thở của bệnh nhân có đờm dãi hay không và đưa bệnh nhân về tư thế an toàn để người bệnh thở dễ dàng hơn. Tư thế nằm nghiêng an toàn khi nạn nhân hôn mê.

- Tình huống thứ ba: Nạn nhân bất tỉnh, không còn mạch

Thực hiện hồi sinh tim phổi cơ bản. Gọi người hỗ trợ giúp đỡ. Gọi cấp cứu 115.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại