Vụ nữ bác sĩ bị kính rơi vào người: Bác sĩ trực tiếp điều trị nói về khả năng hồi phục

Ngọc Minh |

Sau khi gặp tai nạn bị kính rơi vào người, nữ bác sĩ Hoàng Minh Lý đang được điều trị tại Khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện.

Bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện.

Tối ngày 20/4, chị Hoàng Minh Lý (29 tuổi, quê quán Nghệ An) đã gặp tai nạn khi đi uống cà phê cùng bạn bè tại phố Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội). Hôm đó, trời đổ cơn dông, tấm kính lớn rơi từ tầng 2 xuống khiến cho Lý bị thương rất nặng.

Sau 20 ngày bị tai nạn, sức khoẻ của chị đã tiến triển tốt hơn, có thể trò chuyện dù còn khó khăn.

Theo bác sĩ Trần Quang Trung, Khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (bác sĩ đang trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Lý), bệnh nhân được chuyển tới bệnh viện trong tình trạng rất nặng, đa chấn thương, chấn thương cột sống, ngực và bụng. Tổn thương gãy trượt đốt sống chèn ép tuỷ ngực và thắt lưng rất nặng, làm liệt hoàn toàn 2 chi dưới, mất cảm giác từ ngực trở xuống, mất tự chủ đại tiểu tiện.

Vụ nữ bác sĩ bị kính rơi vào người: Bác sĩ trực tiếp điều trị nói về khả năng hồi phục- Ảnh 1.

Chị Lý đang điều trị tại Khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (ảnh N.M).

Ngoài ra, phần bụng của bệnh nhân cũng có chấn thương nặng khi bị vỡ cơ hoành, khiến cho các tạng dưới ổ bụng thoát lên lồng ngực. Chấn thương ngực làm gãy nhiều xương sườn, gây tràn máu màng phổi nhiều 2 bên gây suy hô hấp và hôn mê.

Sau khi được cấp cứu, Lý được mổ vá để ruột không bị thoát lên trên. Sau đó một tuần, các bác sĩ tiến hành cuộc mổ thứ 2 cho nạn nhân để cố định cột sống và giải ép tủy.

Bác sĩ Trung cho hay: "Do tuỷ ngực bị đụng dập nặng nên bệnh nhân mất cảm giác và khả năng vận động 2 chân, đại tiểu tiện không tự chủ. Khả năng phục hồi là rất khó, nhưng cuộc mổ này nhằm giúp bệnh nhân sau này có thể ngồi và đi xe lăn".

Về tương lai xa của bệnh nhân, bác sĩ cho biết việc chăm sóc sau này sẽ có nhiều khó khăn khi bệnh nhân không tự đại tiểu tiện được, mà phải đặt xông, đóng bỉm cả đời, thậm chí phải thụt tháo phân.

Tai nạn là cú sốc tâm lý lớn với bệnh nhân, do vậy rất cần sự quan tâm, động viên từ gia đình, người thân và xã hội để bệnh nhân không rơi vào trầm cẩm.

Được biết hiện nay, các cuộc mổ cần thiết đã xong, chỉ còn theo dõi để rút sonde dẫn lưu màng phổi.

Trong thời gian tới, bệnh nhân được tập ngồi, tập phục hồi chức năng. Khoảng 2-3 tuần nữa nếu không có biến chứng khác, bệnh nhân mới có thể ra viện.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại