Theo luật sư Tạ Anh Tuấn - Giám đốc công ty Luật TNHH Emmelaw, người đại diện pháp lý cho ông Phạm H.A. - buổi gặp gỡ giữa hai bên diễn ra trong không khí nghiêm túc. Cả khách hàng và ngân hàng đã lắng nghe và chia sẻ đầy đủ về tình hình, đồng thời thống nhất mong muốn hợp tác để giải quyết tình trạng này một cách hài hòa, bảo đảm quyền lợi cho cả hai bên trong thời gian sớm nhất.
Cũng trong ngày 19-3, lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Quảng Ninh, Ngân hàng Eximbank chi nhánh Quảng Ninh đã có báo cáo giải trình vụ việc trên nhưng cho biết không thể cung cấp thông tin vì đây là bí mật kinh doanh. Tuy nhiên, ngân hàng mong muốn làm việc với khách hàng để thống nhất khoản tiền phải trả phù hợp với 2 bên.
"Đây là tranh chấp dân sự giữa Eximbank và khách hàng. Trước mắt, hai bên tự giải quyết cho ổn thỏa. Trong trường hợp không giải quyết được thì đưa ra tòa. Khi đó, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Quảng Ninh mới tham gia nhưng chỉ với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước" - vị lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Quảng Ninh nói.
Như Báo Người Lao Động đã đưa tin, vào khoảng tháng 3-2013, ông Phạm H.A. có nhờ nhân viên tên Giang làm việc tại chi nhánh Eximbank ở Quảng Ninh làm cho một thẻ tín dụng, nhưng thực tế sau đó không được nhận thẻ tín dụng này.
Thời điểm đó, nhân viên tên Giang đưa cho ông A. hồ sơ mở thẻ để ký và khoảng 1-2 tuần sau thì gọi ông ra trụ sở chi nhánh, nhưng lại không vào trong mà yêu cầu ông A. đứng ở ngoài cửa để Giang ra và đưa cho hồ sơ nhận thẻ để ký. Khi ông A. ký xong, Giang có đưa cho thẻ ngân hàng thường. Đồng thời nói thêm vì lương của ông A. được khoảng 5 triệu đồng đang thấp quá nên phải xin thêm ý kiến sếp, khả năng là được và hẹn sẽ liên lạc lại. Nhưng sau đó người này cũng không liên lạc lại nữa.
4 năm sau (đến năm 2017), do có nhu cầu vay vốn, khi đến ngân hàng ông A. mới tá hỏa khi được thông báo bản thân đang có nợ xấu tại Eximbank. Ngay sau đó, ông A. đã chủ động đến chi nhánh Eximbank Quảng Ninh để xác minh và Ban giám đốc chi nhánh ngân hàng thông báo trách nhiệm là của ông Phạm H.A. vì đã ký nhận thẻ.
Khi ông A. hỏi tại sao khi phát sinh lãi và nợ lãi lại không thông báo cho ông ngay và trong hồ sơ mở thẻ tại sao lại có thêm một số điện thoại không phải của ông thì phía ngân hàng trả lời có liên lạc theo số điện thoại không phải của ông và không liên lạc được. Ông A. cũng đặt câu hỏi tại sao không liên lạc bằng số điện thoại còn lại mà ông vẫn đang dùng thì ngân hàng không trả lời được…
Cũng theo ông A., vào thời điểm đó, ông cũng đã đưa ra phương án chấp nhận trả lại tiền gốc 10 triệu đồng trong thẻ tín dụng và nộp thêm 10 triệu đồng nữa gọi là phí phạt, mặc dù số tiền này bản thân không hề được tiêu và cũng không biết có sự tồn tại của thẻ tín dụng này, tuy nhiên phía ngân hàng không đồng ý.
Qua nhiều cuộc làm việc, 2 bên không thống nhất được phương án và đến cuối năm 2023, tổng số nợ mà ngân hàng yêu cầu ông Phạm H.A. phải trả lên tới hơn 8,83 tỉ đồng.