Nghi phạm và gia đình đã nhờ các nhà báo ở báo Nông Thôn Ngày Nay mời luật sư và liên hệ để Hiến ra đầu thú sau năm ngày lẩn trốn. Các cán bộ C45 Bộ Công an đã vào rừng tiếp nhận với lời hứa đảm bảo an toàn cho Hiến.
Và trong suốt quãng đường dẫn giải, anh ta không bị còng tay, điều cực hiếm khi xảy ra đối với nghi can một vụ trọng án. Qua chỗ lầy, bị can xuống phụ đẩy xe máy cùng cán bộ dẫn giải.
Theo tin trên báo Dân Việt, Đặng Văn Hiến đã bật khóc khi cán bộ điều tra C45 Bộ Công an hỏi: “Hiến khỏe không? Em có ăn uống đầy đủ không?”.
Chờ đón “kẻ giết người’’ ra khỏi rừng lên xe về trại giam Bộ Công an, theo lời nhà báo Mai Quốc Ấn và Hữu Danh (báo Nông thôn Ngày nay), là 40 người dân Đắk Nhau và cỡ 30 người dân Đắk Ngo, là những bàn tay vẫy và có nhiều người đã khóc.
Xóm giềng bế đứa con chưa biết nói chuyền vào xe cho cha nó hun hít bởi không biết khi nào mới gặp lại. Lại thêm một điều rất hiếm với một bị can của vụ án giết người.
Người dân bế con trai nhỏ của Đặng Văn Hiến và chuyền vào xe cho Hiến hôn con trước giờ về trại giam. Ảnh: TRƯƠNG CHÂU HỮU DANH
Đất đai, rừng núi là tài nguyên đặc biệt, là tư liệu sản xuất đặc biệt. Tài nguyên đất thì không chỉ mang tính chất kinh tế, pháp lý mà còn có ý nghĩa lịch sử, tinh thần. Việc cấp đất rừng cho các doanh nghiệp, vì thế, có thể gây phản ứng cho dù nó được cấp đúng luật chăng nữa.
Huống là trên đó đã có mồ hôi khai khẩn và rời đất ra, họ không còn đường sống. Dẫu cho đó là đất lấn chiếm thì cũng không thể không đặt ra câu hỏi người dân sẽ sống bằng gì khi không còn đất nữa, khi bị ủi nhổ đi những gốc điều cuối cùng…
Ba tháng trước, tháng 7-2016, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đặc biệt lưu ý điều này trong chuyến công tác về Đắk Nông, ông chỉ đạo tạm thời không cấp thêm dự án mới và đặt sự ổn định của nhân dân lên trên hết.
Còn Công ty Long Sơn, đây không phải là lần đầu xảy ra xô xát với dân. Công ty này tuyển dụng cả những bảo vệ là trẻ em, kéo vào rẫy tự ý cưỡng chế dân làng ra khỏi nhà, tự ý ủi phá cây trồng và nhiều lần xô xát. Tỉnh Đắk Nông yêu cầu giữ nguyên hiện trạng đất tranh chấp, Long Sơn bỏ ngoài tai, cho nhiều người mang máy móc, khiên chắn, dao gậy vào đuổi dân đi.
Cần giám định, căn cứ vào tuổi cây trồng và các tài liệu khác để xem bà con đã khai phá vùng rừng này làm rẫy trước hay sau khi Công ty Long Sơn được cấp đất. Sự tùy tiện của Công ty Long Sơn khi giải tỏa, tùy tiện tuyển dụng và trao những quyền chặt cây, đuổi dân (là những quyền mà công ty không hề được luật giao phó) cho nhân viên là những cậu bé nông dân, điều đó chắc chắn rồi cũng sẽ được xem xét khi giải quyết vụ thảm án này.
Câu chuyện Đoàn Văn Vươn đã là một bài học đau xót cho cả hai phía người dân và chính quyền. Với thảm án này, các cấp chính quyền cần nhìn nhận và đánh giá lại. Để giải quyết vụ này và các vụ tương tự, có lẽ đã đến lúc phải nhìn vào tổng thể chính sách và cách vận hành nó chứ không phải chỉ nhìn vào vụ việc đơn lẻ.