Điều hòa nhiệt độ là một trong những phát minh quan trọng nhất giúp con người vượt qua những tháng hè nóng bức. Bất cứ ai đã từng trải nghiệm điều hòa đều có thể đánh giá rất cao những tác dụng "kỳ diệu" mà nó mạng lại. Tuy nhiên, công nghệ cao đôi lúc cũng khiến con người phải trả giá đắt.
Theo tờ The North East Today, vào tháng 9/2020, một vụ tai nạn thảm khốc do nổ máy điều hóa đã xảy ra tại nhà thờ Baitus Salam ở thủ đô Dhaka ở Bangladesh, khiến 24 người thiệt mạng và hơn 50 người khác bị thương.
6 chiếc máy điều hòa đã đồng loạt phát nổ ngay sau khi các tín đồ vừa kết thúc cầu nguyện. 27 người bị bỏng tới 99% cơ thể, những người còn lại đều bỏng trên 70%.
Tờ UNB của Bangladesh cho biết, đây là vụ nổ điều hòa "thảm khốc chưa từng có" ở nước này trong vài thập kỷ qua. Theo kết quả điều tra, nguyên nhân gây nổ là do rò rỉ khí gas trong đường ống.
Chính phủ và các phương tiện truyền thông Bangladesh đã ngay lập tức phải ban hành những cảnh báo và hướng dẫn người dân sử dụng điều hòa đúng cách để tránh xảy ra những tai nạn tương tự.
Ảnh minh họa
Tính riêng tại khu vực châu Á, các vụ tai nạn điều hòa đang có xu hướng gia tăng trong vài năm trở lại đây.
Tháng 1 năm ngoái, lực lượng chức năng Singapore đã khẩn cấp sơ tán 30 người trong đêm sau khi xảy ra hỏa hoạn ở một trung tâm sinh hoạt dành cho người cao tuổi tại Hougang. Ngọn lửa đã bùng phát từ máy nén bên trong cục nóng của máy điều hòa đặt phía bên ngoài tòa nhà.
Vào thời điểm xảy ra vụ việc, các nhân chứng cho biết họ đã nghe thấy tiếng nổ và cảm nhận được một luồng nhiệt rất mạnh giội ra.
Tại Ấn Độ, phần lớn các vụ nổ điều hòa xảy ra trong các gia đình và vào lúc mọi người đang ngủ nên hậu quả rất thương tâm.
Tại sao điều hòa phát nổ
Theo website Temperature Master, có 4 nguyên nhân phổ biến có thể khiến điều hòa phát nổ. Đây cũng là 4 sai lầm người dùng cần tránh:
Để máy quá bụi bẩn: Không khí đi qua máy điều hòa sẽ mang theo một số bụi bẩn. Đây không phải là vấn đề cho tới khi bụi bẩn bắt đầu tích tụ, bao phủ và làm tắc nghẽn các bộ phận bên trong máy. Khi các lỗ thông hơi và bộ lọc bị tắc, không khí không thể đi qua được nữa. Điều đó làm mất cân bằng không khí trong máy và tạo ra tia lửa điện, dẫn tới nguy cơ cháy, nổ.
Sử dụng quá mức: Hiện tượng nóng quá mức xảy ra khi máy điều hòa hoạt động quá công suất hoặc khi một bộ phận bị hỏng. Mùa hè đang trở nên nóng hơn so với trước đây, do đó, người dùng thường có xu hướng sử dụng điều hòa nhiều hơn.
Sức nóng gây thêm áp lực lên máy điều hòa, khiến máy nóng nhanh hơn. Các thành phần cơ khí trong máy cũng bắt đầu hỏng hóc nếu chúng không được bôi trơn đầy đủ. Ví dụ, có thể xảy ra hiện tượng đánh lửa trong động cơ nếu nó không được bôi trơn đúng cách.
Ảnh minh họa
Dùng dây điện không đủ tiêu chuẩn: Các vấn đề về điện tương đối phổ biến đối với mọi thiết bị điện hạng nặng. Các vụ cháy điện xảy ra do hệ thống dây điện không tốt và phích cắm, ổ cắm và cầu dao không đạt tiêu chuẩn.
Điều hòa không khí sử dụng một lượng lớn điện, vì vậy dây điện phải có đủ khả năng tải và được kiểm tra thường xuyên bởi sau một thời gian sử dụng, dây điện có thể bị hư hỏng, làm rò rỉ các tia lửa điện. Sau đó, các tia lửa điện này sẽ bắt vào các mảnh vụn hoặc bất kỳ vật liệu dễ cháy nào gần đó.
Dùng sai loại gas: Máy điều hòa yêu cầu các loại gas cụ thể tùy thuộc vào thời điểm chúng được sản xuất. Loại phổ biến nhất là Freon, các thiết bị mới hơn (hầu hết sản xuất sau năm 2019) sử dụng gas R410A (tên gọi khác là Puron). Do đó, việc dùng sai loại gas cho máy điều hòa có thể dẫn tới tình trạng máy bị quá nhiệt và phát nổ.
Ảnh minh họa
Dấu hiệu điều hòa có vấn đề
Theo tờ Daily Star, có ít nhất 2 dấu hiệu cảnh báo bạn điều hòa gặp trục trặc
Máy nén chạy liên tục: Điều này cho thấy điều hòa dường như đang bị quá tải. Hiện tượng này cũng có thể xảy ra khi bạn mở cửa sổ, cửa ra vào liên tục, hoặc yêu cầu làm mát căn phòng có diện tích rộng hơn nhiều so với khả năng làm mát của máy điều hòa.
Tiếng động bất thường: Bất cứ tiếng động bất thường như tiếng kêu hay nghiến đều có thể báo hiệu vòng bi trong máy đã bị bào mòn.
Mùi khét: Khi dây điện không còn đáp ứng được lượng điện áp mà máy điều hòa không khí yêu cầu, bạn có thể nhận thấy một số dấu hiệu như dây bắt đầu chảy và bạn ngửi thấy mùi khói hoặc khét.
Ảnh minh họa
Làm gì để đảm bảo an toàn?
Bảo trì điều hòa: Bạn nên tạo thói quen vệ sinh phần bên ngoài máy điều hòa và không quan xung quanh nơi lắp đặt máy. Temperature Master khuyến cáo bạn nên thay bộ lọc máy ít nhất 2 tháng một lần, đặc biệt nếu có vật nuôi trong nhà.
Để vệ sinh phía trong máy, bạn nên tìm tới các dịch vụ bảo trì và sửa chữa chuyên nghiệp. Trong quá trình bảo trì, hãy yêu cầu kỹ thuật viên tìm và khắc phục những chỗ rò rỉ để ngăn ngừa tai nạn xảy ra trong tương lai.
Bạn nên đặt lịch bảo trì vào mùa xuân hoặc đầu mùa hè do lượng sử dụng điều hòa vào mùa hè thường tăng lên, có nguy cơ dẫn tới nhiều trục trặc.
Lắp đặt dây điện đúng cách: Lưu ý, không kết nối máy điều hòa với ổ cắm nối, hãy lặp đặt trên mạch điện chuyên dụng và sử dụng dây thích hợp. Ngoài ra, đảm bảo rằng không có nước hoặc bất kỳ vật liệu dễ cháy nào dọc theo tuyến cáp. Không nên thiết kế dây chìm vì điều này cho phép bạn dễ dàng phát hiện bất cứ hư hỏng nào.
Không đặt vật liệu dễ cháy gần nơi lắp điều hòa: Bạn nên tạo một vùng không gian an toàn xung quanh máy điều hòa không khí. đảm bảo rằng không có vật dễ cháy nào lọt vào khu vực này.
Bạn cần tính đến yếu tố đó ngay trong quá trình lắp để bộ điều hòa được neo chắc chắn và lắp đặt ở vị trí an toàn. Với điều này, bạn sẽ yên tâm rằng không có gì bắt lửa ngay cả khi máy điều hòa không khí bắt đầu cháy.