Vụ nhân viên rạp CGV tung ảnh nóng của khách: "Chắc không ai dám mua ghế đôi đó nữa"

Minh Anh (ghi) |

Vụ lộ ảnh nóng của cặp đôi trong rạp của CGV, chuyên gia tư vấn về thương hiệu cho rằng làm thương hiệu như con dao hai lưỡi. Nếu đúng CGV tung ảnh nóng của khách hàng để làm thương hiệu thì sẽ không ai dám mua ghế đôi của hệ thống rạp này.

Nói về nghi vấn CGV làm lộ ảnh nóng của cặp đôi khách hàng để làm thương hiệu, ông Đỗ Bá Thích, Giám đốc Công ty TNHH tư vấn A&S (Cầu Giấy, Hà Nội), một đơn vị chuyên tư vấn về thương hiệu, sở hữu trí tuệ cho rằng ông không ủng hộ nếu có hành vi cố tình tung ảnh nóng để đạt được mục đích nào đó về thương hiệu.

"Tuỳ từng trường hợp, có doanh nghiệp thì có thể là vô tình nhân viên làm lộ thông tin, hình ảnh nhạy cảm nhưng cũng có doanh nghiệp thì cố tình làm lộ để phục vụ mục đích truyền thông.

Về mặt thương hiệu thì việc sử dụng thông tin, hình ảnh gây sốc cũng có hai mặt của nó.

Nhiều khi họ biết việc làm của mình là sai trái nhưng giá trị nó mang lại nhiều hơn, mức xử phạt thấp và nắm được tâm lý là ít "bị hại" nào đi kiện nhau những vụ việc tương tự nên họ lựa chọn phương thức này để làm PR.

Khi vụ việc được đưa rầm rộ lên thì lượng người tiếp cận lớn, giá trị thương hiệu được đẩy lên. Tuy nhiên, theo thời gian rồi sự vụ cũng lắng đi. Nếu họ làm thương hiệu theo cách này thì mình cũng không ủng hộ lắm.

Bởi vì nhiều khi họ đạt được mục đích của mình nhưng gây ảnh hưởng đến nhiều người khác. Nó cũng mang tính phản cảm, đôi khi làm không khéo thì doanh nghiệp còn bị tẩy chay.

Cá nhân tôi không ủng hộ việc dùng chiêu trò, dùng những thứ phản cảm để làm thương hiệu, việc làm này nó không mang đến giá trị bền vững.

Thương hiệu phải được xây dựng dựa trên nền tảng của chất lượng, giá trị sản phẩm, dịch vụ mang lại cho người dùng, xã hội.

Nếu họ cố tình làm như vậy thì giờ chắc không ai dám mua những chiếc ghế đôi đó ở trong rạp.

Người ta xác định là tình nhân thì mới mua những cái ghế đó, giờ chuyện kia cũng rộng mở nhưng các bạn trẻ có hành động như vậy ở chốn đông người thì cũng không nên".

Bàn về "truyền thông đen", chuyên gia Đặng Thanh Vân, Tổng giám đốc, Công ty CP Thương hiệu và Quản trị Thanhs cho rằng, điều đặc biệt đáng lưu tâm, nếu trước đây, hầu hết những cơn sóng truyền thông được diễn ra tự nhiên, không có định hướng mà chỉ nhằm chuyển tải thực trạng xã hội thì ngày nay, phần lớn những câu chuyện này đã có thấp thoáng bóng dáng bàn tay của các nhà “đạo diễn tài ba” – thương hiệu và các nhãn hàng.

Các nhãn hàng khi thực hiện chiến thuật này, thường thực thi theo 3 bước: Một là nêu vấn đề gây sốc, thường là 1 số liệu thống kê hoặc thông tin từ nguồn/tổ chức đáng tin cậy (để tạo ra sự quan tâm); Hai là tạo nghị luận có kiểm soát (để vấn đề được mổ xẻ nhiều chiều và gia tăng lan truyền một cách có kiểm soát) và ba là đưa ra sản phẩm có khả năng giải quyết vấn đề hoặc chỉ đích danh nguồn gốc tạo ra nỗi sợ hãi để công chúng có chỗ trút giận.

Đôi khi nhãn hàng chẳng cần đưa ra sản phẩm mới mà chỉ cần khôn khéo rò rỉ thông tin để “đánh” một đối thủ khác.

Việc tập trung khai thác nỗi sợ hãi của các nhãn hàng đôi khi đã vượt quá phạm vi kinh doanh mà lấn sang phạm trù đạo đức.

Khi giới truyền thông và marcom cứ tìm mọi cách xoáy sâu vào những nỗi lo ngại, sự giận dữ, sợ hãi… thì xã hội con người sẽ trở nên bấn loạn; mất lòng tin và mất phương hướng.

Đồng thời đây cũng có thể là những chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhãn hàng; chơi xấu hoặc vu khống đối thủ.

Trong một số trường hợp, khi các nhãn hàng xử dụng chiêu trò một cách quá lố, mặc dù nỗi sợ hãi là có thực; nhưng thay vì tìm cách khắc phục và giải quyết nỗi sợ hãi, nhãn hàng lại tìm mọi cách dùng số liệu, thông tin không trung thực hoặc thiếu kiểm chứng để làm bàn đạp trong bước 1; có thể sẽ rơi vào thế “gậy ông đập lưng ông”.

Sự lạm dụng quá đà nỗi sợ hãi của người tiêu dùng đôi khi phải trả một cái giá rất đắt, nhất là khi các nhãn hàng, các tổ chức và người tiêu dùng đều trở nên thông thái hơn, biết cách xử lý trước thông tin bất lợi hơn.

Trước đó, như Báo Gia đình và Xã hội đã đưa tin, hình ảnh nhạy cảm của cặp đôi khách hàng trong rạp của Công ty CJ CGV đã được camera giám sát của đơn vị này ghi lại.

Vụ việc có lẽ đã không được nhiều người biết cho đến khi chính nhân viên của CGV lại là nhân tố "châm ngòi" khiến cho tên tuổi đơn vị này trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận.

Hình ảnh được phát tán cho thấy một đôi nam nữ đang "thân mật" hơi quá đà trên ghế đôi nằm ở góc rạp của CGV.

Và khi hình ảnh nhạy cảm này được tung ra, dư luận ngay lập tức ghi nhận nhiều ý kiến phê bình từ mọi góc độ, dĩ nhiên, tâm điểm hướng về trách nhiệm của CGV.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại