Cháu L.M.N. (7 tuổi, ở thôn Hồng Ngài, xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn) khi đưa tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang trong tình trạng ngộ độc nặng. Ảnh: Minh Tâm-TTXVN
Liên quan đến vụ 11 trẻ bị ngộ độc do ăn quả hồng châu xảy ra tại huyện Đồng Văn, theo Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang, BSCKII. Nguyễn Quốc Dũng, mặc dù được điều trị tích cực nhưng vì nhiễm độc quá nặng nên đến khoảng gần 20 giờ ngày 1/8, cháu S.T.M. (9 tuổi, ở thôn Chua Só, xã Tả Lủng, huyện Đồng Văn) đã tử vong. Cũng trong chiều tối ngày 1/8, sau khi hội chẩn, Bệnh viện đã chuyển 3 cháu về Bệnh viện Nhi Trung ương.
Tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang đang điều trị cho 3 cháu gồm: G.T.M. (12 tuổi, ở thôn Hồng Ngài, xã Lũng Táo); L.M.N. (7 tuổi, ở thôn Hồng Ngài, xã Lũng Táo) và S.T.M. (7 tuổi, ở thôn Chua Só, xã Tả Lủng, huyện Đồng Văn).
Đánh giá về sức khỏe của 3 bệnh nhi, bác sĩ Nguyễn Quốc Dũng cho biết, các cháu vào viện trong tình trạng ngộ độc nặng, gây tình trạng rối loạn chuyển hóa, lúc mơ, lúc tỉnh, hô hấp kém, đau đầu, đau bụng, tổn thương thị giác… Sau nhiều giờ điều trị tích cực, hiện tình trạng của các cháu đã tạm thời ổn định, tỉnh táo, bớt buồn nôn, nôn, đau đầu, thị giác được cải thiện.
Các cháu bị ngộ độc là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã huy động các tổ chức, cá nhân... hỗ trợ thuốc, quần áo, thức ăn và hỗ trợ xe đưa cháu tử vong về quê, đồng thời chuyển 3 cháu đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Trước đó liên tiếp trong 2 ngày 31/7 và 1/8, Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đã tiếp nhận 11 trẻ, độ tuổi từ 3 -12 tuổi bị ngộ độc do ăn quả hồng châu. Các cháu này ở thôn Chua Só, xã Tả Lủng và thôn Hồng Ngài, xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn. Theo gia đình nạn nhân, vào dịp nghỉ hè, các cháu đi cắt cỏ cho gia súc, rồi rủ nhau hái quả hồng châu ăn. Sau khi ăn các cháu đều có triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, đau bụng, buồn nôn.
Hồng châu mọc ở khu vực núi đá thuộc dạng cây leo. Ở huyện Đồng Văn, cây hồng châu thường mọc tại các xã Tả Lủng, Tả Phìn, Lũng Táo, Ma Lé và thị trấn Đồng Văn. Quả hồng châu tròn, to gần bằng quả trứng gà, khi chín quả có màu tím (trông giống nhưng nhỏ hơn quả vú sữa của miền Nam) và thường chín rộ từ tháng 6 - 8. Hồng châu là loại quả rất độc, khi ăn phải sẽ bị suy hô hấp, trụy tim mạch dẫn đến tử vong.