Vụ nã đạn tàu Ukraine: Mọi nỗ lực phá vỡ phong tỏa của Kiev đều sẽ bị Nga "nghiền nát"

Vy Lam |

Chưa hết, theo nhà báo Williams, bất kỳ nỗ lực mới nào của Kiev nhằm tái giành quyền kiểm soát miền đông cũng có thể kích động một cuộc đáp trả thậm chí dữ dội hơn từ phía Moscow.

Theo nhà báo Philip Williams trên tờ ABC News (Australia), cuộc đụng độ mới giữa Nga và Ukraine liên quan tới tuyến đường đi từ Biển Đen tới Biển Azov rất đáng chú ý, bởi nó không hề bùng phát nhiều năm trước đây.

Và bởi eo biển Kerch - điểm nối nhức nhối giữa bán đảo Crimea (đã sáp nhập vào Nga) với lãnh thổ Ukraine – đang hứng chịu nhiều áp lực chính trị và quân sự tới mức thật đáng ngạc nhiên khi vụ đụng độ mà chúng ta vừa chứng kiến lại chưa từng xảy ra trước đây.

Quay lại 4 năm trước, khi ấy chính phủ thân phương Tây mới của Ukraine, do Tổng thống Petro Poroshenko dẫn đầu, đang dần quay lưng lại với Nga và tìm tới phương Tây, cũng như NATO, để tiến hành các hoạt động thương mại và tiếp nhận sự bảo vệ.

Đây là thời điểm không lâu trước khi Nga lên tiếng nhắc nhở Ukraine rằng, những lợi ích của họ không thể bị phớt lờ.

Phương Tây cho rằng, với sự hậu thuẫn của Nga, Donetsk và Luhansk, hai "thành trì" của ngành công nghiệp Ukraine đã ly khai và bắt đầu một cuộc chiến đẫm máu kéo dài dai dẳng cho tới tận ngày nay.

Crimea, căn cứ quan trọng chiến lược của Hạm đội Biển Đen, đã chứng kiến sự xuất hiện của "little green men" (những binh lính giấu mặt, không đeo phù hiệu trong bộ quân phục màu xanh được trang bị vũ khí và thiết bị của Nga).

"Không có gì liên quan tới chúng tôi" – Điện Kremlin lên tiếng phủ nhận vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, phương Tây cho rằng Nga đã nói dối, đồng thời cáo buộc Moscow đã "xâm lược" và "thôn tính" Crimea.

Về mặt địa lý, bán đảo này nằm tách hẳn ra khỏi lục địa Nga, nối giữa Biển Đen và Biển Azov là eo biển Kerch. Song, đây không hẳn là vấn đề đối với Nga.

Moscow đã cho xây một cây cầu. Dưới gầm cầu là một tàu chở hàng đóng tai trò như hàng rào ngăn các tàu hải quân Ukraine di chuyển từ Biển Đen tới Biển Azov theo hiệp ước ký kết giữa hai phía vào năm 2003.

Vụ nã đạn tàu Ukraine: Mọi nỗ lực phá vỡ phong tỏa của Kiev đều sẽ bị Nga nghiền nát - Ảnh 1.

Các tàu của Ukraine đang trong lộ trình di chuyển từ Odessa đến Mariupol khi bị lực lượng Nga chặn ở eo biển Kerch. Ảnh: ABC News

Trong sự việc vừa xảy ra, Moscow cáo buộc Ukraine đã không thông báo trước lộ trình các tàu, và đã có hành vi nguy hiểm.

Ông Williams nhận định, do Nga đã bắt giữ các tàu của Ukraine, khiến một số thủy thủ bị thương nên khó có thể tưởng tượng rằng hai phía sẽ nhanh chóng tìm ra giải pháp để thiết lập một tuyến đường tự do đi qua eo biển căng thẳng này.

Và điều đó khiến Ukraine rơi vào một cuộc giằng co chiến lược nghiêm trọng.

Một khi Nga vẫn phong tỏa eo biển Kerch thì hải quân Ukraine sẽ bị chia làm 2 phía, một phía mắc kẹt ở Biển Azov, tại căn cứ ở Mariupol và một phía kẹt ở Odessa, Biển Đen. Hiện tại, không phía nào hỗ trợ được phía còn lại.

NATO đã lên tiếng hỗ trợ Ukraine, nhưng đồng thời cũng cảnh báo cả 2 bên để tránh căng thẳng leo thang.

Vụ nã đạn tàu Ukraine: Mọi nỗ lực phá vỡ phong tỏa của Kiev đều sẽ bị Nga nghiền nát - Ảnh 2.

Cây cầu bắc ngang qua eo biển Kerch. Ảnh: Reuters

Theo ông Williams, đang có rất nhiều sự việc có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát và châm ngòi cho một cuộc xung đột toàn diện.

Hiện không rõ chính phủ Ukraine và quân đội nước này sẵn sàng hay có khả năng làm được những gì nhưng gần như khó có khả năng Kiev sẽ tìm cách cố vượt qua eo biển Kerch, bởi quân đội Nga sẽ "nghiền nát" bất cứ nỗ lực nào nhăm nhe thách thức quyền kiểm soát của họ đối với khu vực mà Moscow xem là lãnh hải ở cả hai phía eo biển.

Tuy nhiên, chính phủ Ukraine còn có các phương án từ trên bộ để đáp trả những hành động mà họ coi là "gây hấn" của Nga.

Video tàu tuần tra Nga đâm húc tàu kéo của Hải quân Ukraine

Sự bế tắc trong cuộc xung đột giữa lực lượng ly khai thân Nga tại miền đông Ukraine với quân chính phủ có thể sẽ tăng lên. Và điều đó có thể khiến chính phủ Nga buộc phải tiến hành các biện pháp nhằm củng cố cam kết của mình đối với các vùng ly khai này.

Bất kỳ nỗ lực mới nào của Kiev nhằm tái giành quyền kiểm soát miền đông cũng có thể đẩy họ vào nguy hiểm khi kích động một cuộc đáp trả thậm chí còn dữ dội hơn nữa từ phía Moscow.

Bên cạnh đó, bất cứ cuộc phản công nào cũng có thể khiến Ukraine mất đi nhiều phần lãnh thổ hơn, thậm chí cả thành phố cảng quan trọng là Mariupol.

Những điều gì sẽ xảy ra sau đó? Ông Poroshenko sẵn sàng đáp trả tới đâu?

Đây là lúc chúng ta cần nhắc nhở bản thân mình rằng, có một cuộc chiến đang diễn ra ở châu Âu mà phần lớn đã bị lãng quên.

Vụ đụng độ mới nhất giữa Nga và Ukraine giống như một hồi chuông thức tỉnh chúng ta nhớ tới cuộc chiến vẫn chưa có hồi kết này.

*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà báo Philip Williams

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại