Ca sĩ Lệ Quyên đang để lại thủ bút trên tranh của họa sĩ Hứa Thanh Bình. Ảnh: Duy Anh
Nhằm ngày cuối tuần đẹp giời, tôi hỏi họa sĩ Lê Thiết Cương: “Anh bán tranh cho một người giàu có nào đấy. Xong họ thích chí họ đem ký tên hoặc viết linh tinh lên tranh anh thì anh nghĩ sao?”.
Họa sĩ cười: “Thì tôi… (một từ tục) nó chứ còn sao!”.
Tiện thể anh kể, có khi khách xem tranh anh treo trên tường rồi hỏi, tại sao cái này anh không ký.
Anh đáp: “Tôi đã băn khoăn và tôi đoán sẽ có lúc bị hỏi câu này. Nhưng họa hoằn có những bức tranh chẵn về bố cục đến mức mình ký đằng sau tranh vậy.
Ai chấp nhận thì mua, chứ cứ đòi ký đằng trước thì không thể. Vì tranh của tôi là tối giản, chỉ cần một chi tiết như con ruồi màu đen dính vào góc tranh đã khó chịu đừng nói viết chữ ‘Cương 2018’”.
Về việc khách hàng tự ý viết lên tranh, anh tiếp: “Đấy, đến ngay mình đẻ ra nó mà còn phải đắn đo. Chưa kể về bản quyền, anh không được xâm phạm bằng bất kể hình thức gì tới sự toàn vẹn của tác phẩm. Còn ông không mua thì thôi, tôi đâu cần!”.
Khi nói những câu trên, Lê Thiết Cương chưa hề biết tới vụ việc xảy ra tại phòng trà Không Tên, TPHCM cuối tháng 8.
Chả là dịp đó, ca sĩ Lệ Quyên đứng ra tổ chức đêm nhạc Tình nghệ sĩ quyên góp ủng hộ 2 diễn viên Mai Phương và Lê Bình đang điều trị ung thư, đồng thời hỗ trợ đồng bào lũ lụt miền Trung. Các nghệ sĩ tham gia không lấy thù lao.
Đêm nhạc thu về 835 triệu đồng dành cho mục đích tốt đẹp kể trên, đã được báo chí loan tin.
Một số bài báo đăng kèm ảnh Lệ Quyên, Đàm Vĩnh Hưng dùng bút dạ xanh ký tên lên tranh của họa sĩ Hứa Thanh Bình. Bức tranh nghe nói do một nhà hảo tâm tặng, nhờ các ca sĩ mang ra đấu giá.
Cuối cùng riêng bức tranh (kèm chữ ký ca sĩ?) thu về 200 triệu đồng.
Nhưng phải tới mấy tuần sau, hình ảnh ca sĩ ký lên tranh mới được tung lên mạng, nhận được vô số chỉ trích.
Một họa sĩ còn yêu cầu các ca sĩ xin lỗi tác giả tranh…
Lê Thiết Cương đang khen các nghệ sĩ làm từ thiện, nghe đến đoạn ký lên tranh, không kìm được, buột miệng: “Úi giời ơi, tởm!”, và khẳng định đó là một biểu hiện vô văn hóa cần phê phán.
Một bức ảnh đang được lan truyền khác chụp các nghệ sĩ tham gia đêm nhạc đứng vây quanh bức tranh lúc nó chưa bị ký.
Kết quả là những người có mặt trong ảnh không biết có ký hay không cũng bị vạ lây. Một trong số đó là Hồng Nhung.
Hóa ra bây giờ chị mới biết có vụ ký tranh.
“Lúc đấy chắc tôi về mất rồi. Tôi được Lệ Quyên mời và thấy mục đích và việc làm của các nghệ sĩ là tốt. Còn để xem các bạn ký thế nào, chứ bình thường ai ký lên tác phẩm của người khác làm chi! Có thể nhiều khi do không biết, chứ bảo có ý coi thường tác phẩm - tôi cũng không nghĩ đến mức như thế”, Hồng Nhung nói.
Nhân chuyện ký tranh, cũng có ý kiến (không biết thật hay đùa) đề xuất mọi người nên tham khảo các thực hành nghệ thuật đương đại “hậu văn minh” gì đó.
Để cho chắc, tôi đem chuyện hỏi nghệ sĩ Trần Lương, chuyên gia về đương đại. Lại được nghe anh cảm thán một loạt về “một nền văn hóa pop chợ búa”.
Liên quan đến chuyên môn, Trần Lương nói: “Tương tác của nghệ thuật đương đại là khác nhé!
Tương tác đó xuất phát từ chính ý đồ của nghệ sĩ, họ mở ra kênh đối thoại cho người xem ngay trong cấu trúc tác phẩm. Điều này rất tích cực về nhiều mặt. Còn đây là … (lại một từ tục) lên tranh người ta!”.
Tất nhiên các nghệ sĩ thị giác sẽ bị đụng chạm nhiều nhất trong vụ này.
Tôi chỉ tự hỏi không biết liệu một số ca sĩ có bị bận quá đến nỗi không có thời gian để ý các nghệ thuật ngoài ca hát, không bao giờ đến bảo tàng hay triển lãm.
Để biết rằng đôi khi không được chạm vào tác phẩm nghệ thuật chứ đừng nói tới chuyện viết lên đó.
Thử hỏi bây giờ Lệ Quyên lên sân khấu hát, anh Hứa Thanh Bình cũng cầm micro xông lên, thỉnh thoảng điểm vào một vài câu hú hét tùy hứng thì cô sẽ cảm thấy sao?!
Hay là tư duy vượt chuẩn của một số ca sĩ cho rằng tác phẩm hội họa cũng chẳng khác tờ giấy hay cái áo của người hâm mộ, để “thần tượng” muốn nguệch ngoạc gì lên cũng được.
Nhớ đầu năm 2011, họa sĩ Văn Thơ vì quá bức xúc với một gallery nhiều lần bày bán tranh nhái tác phẩm của ông, đã cầm dao rạch thẳng lên đồ giả. Còn đằng này một bức tranh (hẳn là) thật chẳng có tội tình gì để bị bôi bẩn.
Với những người cầm cọ, những nhát bút vô tình kia hẳn cũng tựa nhát dao. Nhưng với người mua được bức tranh, có chữ ký tranh càng thêm quý thì sao?!
Chỉ một hành động rất “vô tư” thôi đã “phơi ra sự thật đau đớn của một cộng đồng”- là cách nói của Trần Lương. Và tất nhiên không riêng gì cộng đồng ca sĩ...