Vụ mẹ bỏ rơi con vì tin lời thầy bói: Đeo bám, gào khóc xin gặp con và vụ kiện “có một không hai”

Thanh Đình |

Vị cán bộ tỉnh muốn nhận nuôi đứa bé là bà Thái Thu Xương, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hậu Giang. Cháu bé ở nhà bà Xương được hơn 1 tháng và chỉ còn đúng 1 ngày nữa sẽ chính thức hoàn tất thủ tục nhận làm con nuôi, thì bất ngờ mẹ ruột bé tìm đến...

“Họ đã cố tình tước đứa bé khỏi tay tôi”

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó chủ tịch xã Đông Phước cho biết, sau khi lập biên bản về đứa bé bị bỏ rơi trước nhà chị Nguyễn Thị Ngọc Chi, tạm trú tại địa phương, UBND xã đã báo về Phòng LĐTB&XH huyện, Trung tâm Dân số KHHGĐ huyện và Trung tâm Y tế huyện Châu Thành để giải quyết.

“Nghe cấp trên chỉ đạo phải đưa cháu bé về tỉnh nên chúng tôi không thể giao cho chị Nguyễn Thị Ngọc Chi, tức người đầu tiên tìm thấy cháu bé!”, ông Hoàng phân trần.

Theo ông Hoàng, ban đầu xã cũng muốn giao đứa bé cho chị Chi vì chị này cũng có nguyện vọng nhận nuôi, gia đình cũng không đến nỗi túng thiếu. Tuy nhiên, khi người dân thấy đứa bé có bớt đỏ trên đầu, họ đồn thổi đó là điềm hên.

“Rồi có người bảo cho 10 triệu, 5 triệu, vài cây vàng… để nhận nuôi. Chúng tôi lại càng phải thận trọng không dám giao cho ai”, ông Hoàng cho biết.

Sau đó, đứa bé được chuyển đi trong sự bức xúc của vợ chồng chị Chi, dù lúc ấy chị không hề biết đứa trẻ này chính là cháu ruột của mình.

Chị Chi kể: “Họ (chính quyền - PV) mời chúng tôi lên, hơn 10 người đã ngồi sẵn. Ai cũng làm vẻ mặt nghiêm trọng rồi yêu cầu vợ chồng tôi phải bàn giao em bé, nếu không sẽ cưỡng chế, không cho ở địa phương. Mặc dù chúng tôi cam kết là đủ khả năng nuôi cháu, vậy mà họ nhất quyết không cho.

Tôi càng thấy bất thường hơn khi bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh, Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Châu Thành nói chuyện qua điện thoại với ai đó trước mặt tôi rằng: “Có đứa bé này dễ thương lắm, mày nhận nuôi không?”. Rõ ràng họ đã cố tình tước đứa bé khỏi tay tôi”.

Ngay sau khi chuyển về huyện Châu Thành, đứa trẻ được đưa sang Trung tâm Y tế huyện khám sức khỏe, rồi gửi tạm ở 1 nhà thuốc. Sau đó, đứa bé được chuyển đến nhà bà Thái Thu Xương, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hậu Giang “nuôi tạm”.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh, Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Châu Thành xác nhận, bà đã liên hệ với bà Xương vì biết bà Xương cũng đang muốn tìm con nuôi.

“Tôi thấy vợ chồng Chi chỉ có sổ tạm trú ở xã Đông Phước, điều kiện kinh tế cũng không khá, lại có con nhỏ nên thấy đưa vào nhà bà Xương sẽ tốt hơn”, bà Oanh phân trần.

Bà Oanh cho biết, cháu bé ở nhà bà Xương được hơn 1 tháng và chỉ còn đúng 1 ngày nữa sẽ chính thức hoàn tất thủ tục được nhận làm con nuôi, thì bất ngờ mẹ ruột bé là Nguyễn Thị Huyền Trân tìm được. Sau đó, chị Trân nhiều lần đến nhà bà Xương gào khóc để xin gặp con, nhận con nhưng bà Xương không dám giao vì giấy tờ chứng sinh và CMND của chị Trân đưa ra không khớp.

Sự việc càng lúc càng phức tạp bởi chính quyền địa phương không tìm được hướng giải quyết dứt điểm. Vì vậy, chị Trân gửi đơn thư cầu cứu khắp nơi rồi lặn lội ra cả Hà Nội gõ của nhiều cơ quan Trung ương…

Vụ mẹ bỏ rơi con vì tin lời thầy bói: Đeo bám, gào khóc xin gặp con và vụ kiện “có một không hai” - Ảnh 1.

Vào “dinh thự” nhà giàu rồi vào… trại cơ nhỡ

Sau khi tìm hiểu thấy đúng là chị Trân từng mượn CMND của Nguyễn Thị Thuý An để làm hồ sơ xin việc, rồi mượn cả tên ấy đứng giấy chứng sinh, nên trong 1 cuộc điện thoại với chị Trân, ông Phạm Văn Thuận (chồng bà Xương) đã chính thức đề nghị Trân nhường lại quyền nuôi đứa bé.

Đổi lại, vợ chồng ông sẽ giúp chị có một số tiền kha khá để trị bệnh và làm ăn, nhưng chị Trân nhất mực từ chối.

Chịu không nổi sự “đeo bám” đòi con của Trân, cuối cùng vợ chồng bà Xương xin trả lại cháu bé cho Trung tâm Y tế huyện và Phòng LĐTB&XH huyện Châu Thành.

Vụ mẹ bỏ rơi con vì tin lời thầy bói: Đeo bám, gào khóc xin gặp con và vụ kiện “có một không hai” - Ảnh 2.

Cháu bé đã được trả lại với mẹ đẻ sau nhiều ngày kiện ròng rã

“Là cán bộ phụ nữ, tôi rất thương cháu bé, nhưng tôi thấy phiền phức quá nên mới xin trả lại cháu cho Trung tâm y tế, Phòng LĐTB&XH huyện Châu Thành”, bà Xương nói.

Rời nhà bà Xương, đứa trẻ được đem xuống Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Hậu Giang nhưng ở đây không nhận trẻ từ 0 đến 6 tuổi. Cháu lại được gửi lên Trung tâm Công tác xã hội Cần Thơ với hồ sơ trẻ bị bỏ rơi không nhận ai nuôi. Bởi xét về mặt giấy tờ, chị Trân cũng không thể danh chính ngôn thuận mà nhận lại con!

Ông Bùi Đức Trung, Phó giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Cần Thơ, kể lại, cháu bé được chuyển đến trung tâm vào ngày 12/1/2016, hồ sơ do Phòng LĐTB&XH huyện Châu Thành lập, có ý kiến Sở LĐTB&XH Hậu Giang gửi lên.

“Sau đó, có 1 phụ nữ tên Trân xin vô thăm và nhận cháu là con, nhưng giấy tờ của chị này lại chưa chứng minh được là mẹ ruột cháu bé. Vì thế, chúng tôi không thể hướng dẫn thủ tục nhận lại con”, ông Trung cho biết.

Vụ khởi kiện đòi lại con ruột

Tháng 4/2016, chị Trân chính thức gửi đơn khởi kiện tới TAND quận Ninh Kiều về việc Trung tâm Công tác xã hội Cần Thơ “giành” con mình.

Ông Bùi Đức Trung cho biết: “Khi phía Hậu Giang chuyển hồ sơ lên, theo đó là trẻ bỏ rơi không người nuôi dưỡng thì trung tâm tiếp nhận bình thường thôi! Sau đó chúng tôi mới biết được là cháu đang bị tranh chấp và vạ lây khi bị kiện ra toà”.

Sau khi có đơn kiện của chị Trân, cơ quan pháp y tỉnh Hậu Giang đã lấy mẫu thử ADN của chị Trân và cháu bé. Kết quả ADN ngày 6/6/2016 đã chứng minh chị Trân chính là mẹ ruột cháu bé.

Tưởng như từ đây, câu chuyện sẽ dễ dàng vì chỉ cần có đơn của người mẹ, chứng nhận của địa phương, Phòng LĐTB&XH huyện Châu Thành cùng gửi lên là có thể bàn giao cháu cho mẹ.

Tuy nhiên, khi Trung tâm Công tác xã hội Cần Thơ hướng dẫn chị Trân làm đơn về địa phương xác nhận thủ tục nhận con thì lại bị địa phương… từ chối.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh, Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Châu Thành, giải thích: “Do Trân thưa kiện ra Trung ương nên bây giờ dù có kết quả ADN cũng phải chờ công an điều tra, rồi tỉnh quyết định”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó chủ tịch UBND xã Đông Phước, thì nói: “Sau khi đưa đứa bé ra đến huyện thì xã đã hết trách nhiệm rồi! “Khúc sau”, xã không biết”.

Vụ mẹ bỏ rơi con vì tin lời thầy bói: Đeo bám, gào khóc xin gặp con và vụ kiện “có một không hai” - Ảnh 3.

Chị Trân và đống giấy tờ trong suốt thời gian chị đi kiện đòi lại con

Tại phiên hoà giải ở TAND quận Ninh Kiều, Thẩm phán Nguyễn Chế Linh, Phó chánh án TAND quận Ninh Kiều, người trực tiếp hoà giải cho biết, các đương sự là chị Trân và Trung tâm Công tác xã hội Cần Thơ đã tự nguyện thoả thuận được với nhau về việc giải quyết các vấn đề có tranh chấp trong vụ án.

Từ đó, toà lập biên bản ghi nhận sự tự nguyện thoả thuận và hoà giải thành công. Tòa xác định cháu Tr.Th.Y.Th. là con ruột chị Trân và giao cháu Th. cho chị Trân trực tiếp nuôi dưỡng.

Vụ mẹ bỏ rơi con vì tin lời thầy bói: Đeo bám, gào khóc xin gặp con và vụ kiện “có một không hai” - Ảnh 4.

“Trong thời hạn 7 ngày kể từ 18/7, nếu không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thoả thuận thì toà án ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự và quyết định này có hiệu lực pháp luật ngay sau khi ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Chị Trân có thể làm các thủ tục đăng ký giấy khai sinh cho con và nuôi dưỡng con như bao người mẹ khác”, thẩm phán Linh nói.

Hành trình giành lại quyền nuôi con của chị Trân đã kết thúc nhưng hậu quả của nó đang khiến mẹ con Trân rơi vào hoàn cảnh khó khăn thực sự. Chị Trân đã mất việc làm, phải ở nhờ nhà người cô ở huyện Châu Thành, Hậu Giang. Chưa kể đến việc trong suốt hành trình vừa qua, chị đã tốn kém không ít tiền bạc khi phải đi lại cầu cứu khắp nơi.

Vợ chồng chị Chi, em gái chị Trân cũng vì sợ “khó làm ăn” ở địa phương khi dám tham gia tranh chấp đứa trẻ, nên đã bỏ căn nhà thuê ở xã Đông Phước, lên TP. HCM làm thuê. Tất cả chỉ vì chị Trân hành động quá liều lĩnh vì tin theo lời thầy bói.

Ngày nhận con tại TAND quận Ninh Kiều, chị Trân mệt mỏi nói: "Tôi biết nghe bói toán là sai, nhưng phải chi từ đầu địa phương công bằng để con tôi cho dì nó nuôi thì giờ đây tôi đâu phải ra toà đòi con như vậy!".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại