Liên quan đến những thông tin trên mạng xã hội về "lò sản xuất tiến sĩ", sáng nay 22/4, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã chủ trì cuộc họp báo để lý giải về thông tin này.
Rất nhiều vấn đề được đưa ra và lãnh đạo Viện Hàn lâm, Học viện Khoa học Xã hội đã lần lượt trả lời các vấn đề liên quan.
Một trong những đề tài Luận án tiến sĩ khiến dư luận bàn tán nhất là "Hành vi nịnh trong tiếng Việt" và "Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch UBND xã".
Liên quan đến các đề tài này, những người liên quan đã có những lý giải khá thú vị.
GS.TS Vũ Dũng – người trực tiếp chủ nhiệm đề tài "Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch UBND xã khẳng định, đây là một đề tài tốt và mang ý nghĩa thực tiễn.
Ông Dũng chia sẻ, không có giao tiếp thì không có con người và xã hội. Trong đó vấn đề giao tiếp của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã có ý nghĩa thực tiễn, khi ở Việt Nam có 11.164 đơn vị hành chính cấp xã.
"Lý do nghiên cứu bởi xã là cấp chính quyền gần dân nhất để triển khai các chính sách đến với dân. Về tên đề tài cũng đã được sàng lọc rất khắt khe, không thể có tên một dự án “vớ vẩn” được", GS.TS Vũ Dũng nói.
GS.TS Vũ Dũng nhận xét: "Đề tài Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch UBND xã" có tính thực tiễn cao, và đây là đề tài tốt"
Liên quan đến đề tài "Hành vi nịnh trong tiếng Việt", GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, Chủ tịch Hội đồng chấm đề án luận văn tiến sĩ về đề tài này cho rằng, đây là một đề tài khá tốt.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, để hiểu hành vi nịnh trong tiếng Việt, cần hiểu lý thuyết hành động ngôn từ (speech act) do J.L. Austin (một nhà triết học ngôn ngữ) khởi xướng vào những năm 50.
Sau khi ông mất, học trò đã in bài giảng của ông thành sách, cuốn "How to do things with words" (dịch là: Nói là hành động) tập hợp một số bài giảng của ông tại Đại học Harvard (Mỹ).
"Với lí thuyết này, Austin đã thấy được bản chất xã hội và khía cạnh liên nhân của các phát ngôn.
Khi ta nói là ta đã thực hiện một hành động bằng lời, phát ngôn sẽ có những dấu hiệu tường minh và nguyên cấp để biểu thị lực ngôn trung của phát ngôn, hay ý nghĩa đích thực của phát ngôn.
Trong đó có 5 hành vi chính là: Xác tín, cầu khiến, cam kết, tuyên bố, biểu cảm. Trong đó hành vi “nịnh” thuộc biểu cảm. Nịnh của người Việt vừa có cái chung vừa có cái riêng, đồng thời áp dụng thực tiễn trong giao tiếp", Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học nói.
Từ đó, GS Hiệp cho rằng, việc nghiên cứu hành vi ngôn ngữ (như hành vi nịnh) trong từng ngôn ngữ đồng thời so sánh với các ngôn ngữ khác để từ đó thấy được tư duy, văn hóa ảnh hưởng tới ngôn ngữ thế nào.
Từ đó, ông Hiệp khẳng định, không thể đánh giá đề tài nghiên cứu "Hành vi nịnh trong tiếng Việt" theo nghĩa xã hội học dung tục là "nghiên cứu cái này để dạy người ta đi nịnh" được.
GS Hiệp cũng cho rằng, luận án này cũng mang tính thực tiễn, bởi nó giúp chúng ta hiểu thế nào là nịnh để tránh xa.