Chiều nay (1/3), phiên xử vụ án ly hôn giữa vợ chồng ông chủ Tập đoàn cà phê Trung Nguyên có thể sẽ có cái kết cuối cùng với phần phán quyết của tòa án. Một trong những nội dung mà nhiều người quan tâm đó chính là số phận của Tập đoàn Trung Nguyên sẽ ra sao?
Phương án phân chia Tập đoàn Trung Nguyên
Tập đoàn Trung Nguyên là công ty mẹ, có các công ty con gồm: Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên (Trung Nguyên Investment), Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên, Công ty CP Cà phê Trung Nguyên, Công ty CP Hòa tan Trung Nguyên, Công ty CP Trung Nguyên Franchise, Công ty TNHH Đầu tư du lịch Đặng Lê, Công ty TNHH Vũ Nguyên Đắk Nông và Công ty Trung Nguyên Singapore.
Tất cả cổ phần, dự án bất động sản, nhà máy của doanh nghiệp dựa trên kết quả thẩm định của công ty thẩm định tài sản do tòa trưng cầu có trị giá 5.654 tỷ đồng. Tập đoàn Trung Nguyên có vốn điều lệ 1.500 tỷ, gồm nhiều công ty con hoạt động trên nhiều lĩnh vực như kinh doanh cà phê, nhượng quyền thương hiệu, du lịch và bất động sản. Trong đó công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên chi phối hầu hết doanh nghiệp còn lại.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo muốn 51% cổ phần của Trung Nguyên Investment.
Trong khi đó, Trung Nguyên Investment chiếm 70% cổ phần của công ty mẹ trên. Như vậy ai làm chủ Trung Nguyên Investment sẽ là chủ nhân quyết định của cả Tập đoàn, sẽ là người thắng trong cuộc chiến phân định này.
Về phương án chia cổ phần, bà Thảo đề nghị chia đôi cổ phần tại 7 công ty, bà Thảo yêu cầu cho bà hưởng 51% tại Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên, 15% cổ phần tại Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên và 7,5% cổ phần tại Công ty cổ phần hòa tan Trung Nguyên (G7). Số cổ phần của các công ty còn lại sẽ do ông Vũ nắm giữ.
Ông Vũ không đồng ý, yêu cầu chia theo tỉ lệ 7/3. Luật sư của ông Vũ cho rằng họ chứng minh được ông Vũ là người sáng lập duy nhất của Tập đoàn, là "linh hồn của Trung Nguyên" nên ông này phải được phần nhiều. Phía ông Vũ còn có yêu cầu mua lại cổ phần của vợ tại các công ty để ông có thể phát triển công ty.
"Bà Thảo không chứng minh được việc góp vốn"
Phát biểu quan điểm chiều 25/2, đại diện VKSND TP HCM đánh giá, theo quy định tại Luật Hôn nhân gia đình, tài sản chung của vợ chồng là tài sản chung hợp nhất, nếu không thỏa thuận được thì tài sản chia đôi, có tính đến công sức của vợ chồng trong việc tạo lập khối tài sản chung, xét lỗi của mỗi bên...
Cơ quan công tố cho rằng tài sản chung được chia bằng hiện vật, nếu không chia bằng hiện vật thì chia bằng giá trị. Bên nào nhận phần hiện vật lớn hơn thì phải thanh toán lại phần chênh lệch.
"Người vợ lo lắng việc gia đình không đi làm được vẫn được tính là có đi làm như người bình thường. Tuy nhiên, bên nào có đóng góp nhiều sẽ được chia phần nhiều hơn", đại diện VKS nhận định. Cơ quan công tố cho rằng bà Thảo khai có góp vốn cho ông Vũ khởi nghiệp nhưng không có bằng chứng chứng minh.
Đại diện VKSND TP HCM cho rằng bà Thảo không chứng minh được việc góp vốn vào Trung Nguyên.
Cụ thể, ông Vũ khởi nghiệp từ năm 1996, khi đó giấy kinh doanh ngày 15/8/1996 cấp cho ông Vũ với hình thức cá nhân kinh doanh, tên cơ sở kinh doanh là Trung Nguyên Cà phê. Năm 1998, ông Vũ và bà Thảo kết hôn.
Năm 1999 đến 2014, ông Vũ lần lượt thành lập hợp các công ty còn lại. Kể từ khi Trung Nguyên thành lập đến nay, ông là người nắm giữ vai trò quản lý điều hành ở hầu hết công ty trong Tập đoàn Trung Nguyên trên cương vị là Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc, hiện tại là người điều hành theo pháp luật của 7 công ty.
"Xét về công sức của bà Thảo, sau khi kết hôn bà Thảo sinh con, nuôi con và tham gia hoạt động của công ty. Bà Thảo này còn là cổ đông, được bổ nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc thường trực công ty", VKS đề nghị HĐXX phân chia tỷ lệ phù hợp, không ảnh hưởng hoạt động bình thường tại các công ty.
Sau phiên xử, khi có người đề cập việc ông Vũ ghi nhận đóng góp của bà đối với Trung Nguyên, ông nói: "những gì không phải của mình thì đừng giành", bà Thảo trả lời rằng: "Theo tôi, của chồng công vợ" và khi ra tòa xét xử theo pháp luật và chứng cứ.
Tiền trong ngân hàng "không còn nữa"
Theo hồ sơ và HĐXX công bố tại tòa, vào thời điểm 2015-2016, số tiền còn tại các ngân hàng đừng tên bà Thảo như sau: 654,2 tỷ VNĐ; 9,3 triệu Euro; 2,3 triệu GBP (bảng Anh); 28,9 triệu USD; 5,1 triệu AUD (đô la Australia) và 10.000 lượng vàng. Giá trị của khoản tài sản này lên đến 2.102 tỷ đồng.
Tại phiên xử chiều 25/2, đại diện pháp luật của bà Thảo cho rằng số tiền trên "không còn nữa". Có mặt tại tòa, đại diện của các ngân hàng nói rằng hiện chưa cập nhật hồ sơ nên không rõ số dư tài sản của 2 vợ chồng ông Vũ, bà Thảo tại ngân hàng.
Sau phiên xử hôm đó, bà Thảo chia sẻ: "Tuy nhiên, cũng đặc biệt lưu ý là tòa chỉ chia tài sản ở thời điểm hiện tại. Ví dụ, trước khi lấy nhau, 2 vợ chồng có 1.000 tỷ nhưng đến ngày ly hôn chỉ còn 1 tỷ thì chia 1 tỷ, chứ không chia 1.000 tỷ được".
Tuy nhiên, khi phóng viên đặt vấn đề khoản tiền nói trên đã được sử dụng vào mục đích nào, bà Thảo đề nghị phóng viên đặt câu hỏi khác: "Vấn đề này không trả lời vì nó không liên quan tới vụ án".
Trong quá trình xét xử, ông Đặng Lê Nguyên Vũ nhiều khẳng định ông không hề đụng vào tiền ở két sắt, tài khoản ngân hàng trong 20 năm qua. Cũng trong phần tranh luận, chủ tọa phiên xử cũng nhận định dựa vào hồ sơ chứng cứ cho thấy mọi tài khoản ngân hàng giữ tiền đều do bà Thảo đứng tên.
Do chưa đủ chứng cứ để giải quyết khoản tiền hơn 2.000 tỷ đồng gửi tại các ngân hàng, đại diện VKSND TP HCM đã đề nghị tách riêng ra giải quyết ở một vụ án mới.