Theo thông tin của Tiền Phong, nhiều thí sinh được nâng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2018 và bị các trường của Bộ Công an trả về hầu hết đều là con lãnh đạo của nhiều sở, ngành tỉnh Hoà Bình.
Trong số đó, có thí sinh B.T.C là cháu ruột của ông Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UNBD tỉnh Hòa Bình, Trưởng ban tổ chức thi THPT Quốc gia năm 2018 tại Hòa Bình.
Thí sinh Nguyễn H.H được nâng điểm để đỗ vào một trường công an là con ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng CSGT tỉnh Hòa Bình. Thí sinh Phạm H.H là con ông Phạm Tuấn Linh, Phó Phòng Cảnh sát PCCC, Công an tỉnh Hòa Bình.
Thí sinh Trần. V.T là con ông Trần Văn Tiệp - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình. Thí sinh Đỗ H.A là con ông Đỗ Hải Hồ - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hòa Bình...
Trao đổi với PV vào chiều 19/4, ông Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cho biết, vụ án gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại tỉnh do Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang tiến hành điều tra, làm rõ.
Đến thời điểm hiện tại, theo ông Ninh, Tỉnh ủy Hòa Bình chưa nhận được thông tin chính thức của Cơ quan điều tra về danh sách thí sinh cũng như việc nhiều thí sinh được nâng điểm là con cháu lãnh đạo các đơn vị như báo chí thông tin.
"Việc này Tỉnh ủy cũng rất quan tâm nhưng đến nay chưa nhận được thông tin chính thức về danh sách này", ông Ninh nói.
Trả lời câu hỏi về hướng xử lý nếu cán bộ, đảng viên được xác định liên quan đến việc nâng điểm cho con em trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018, ông Ninh nêu rõ, quan điểm của tỉnh là "nếu có sai phạm phải xử lý".
"Tuy nhiên, cần phải có được thông tin để nắm, tìm ra được sai phạm mới có thể xử lý", ông Ninh nhấn mạnh.
Cũng trao đổi với PV, ông Đinh Công Sứ, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, hiện nay, danh sách đối với các thí sinh được nâng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2018 đã được giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tiến hành xử lý và chưa công bố cụ thể.
"Sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo công bố cụ thể thì các cơ quan chức năng sẽ tiến hành xử lý các bước tiếp theo", ông Sứ nói.
Về thông tin, nhiều thí sinh được nâng điểm, bị trả về là con cháu nhiều lãnh đạo các Sở, ngành trong tỉnh, ông Sứ cho hay, UBND tỉnh chưa nắm được vấn đề này.
Ông nói thêm, hiện chưa có kết luận hay công bố chính thức về vấn đề này nên không thể phát ngôn thêm được gì.
Trước đó, PV đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo Sở GD&ĐT Hòa Bình nhưng không được. Số điện thoại của Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình Bùi Trọng Đắc cũng tắt máy.
Trong sáng nay, PV đã liên hệ vào số điện thoại di động của ông Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình nhưng tắt máy. Số điện thoại của Trưởng Phòng CSGT và một số lãnh đạo khác dù có chuông nhưng không ai nhấc máy.
Diễn biến vụ việc
Ngày 11/3/2019, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã kết thúc điều tra vụ án gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hòa Bình và đề nghị truy tố các bị can liên quan.
Kết quả điều tra đã xác định được hành vi, phương thức, thủ đoạn của một số đối tượng đã sử dụng trong việc làm sai lệch kết quả thi THPT quốc gia năm 2018 của nhiều thí sinh.
Kết luận giám định, xác định 140/210 bài thi của 56 thí sinh đã tẩy xóa, chỉnh sửa đáp án. Kết quả chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT xác định 140 bài thi trắc nghiệm của 56 thí sinh được can thiệp, nâng điểm ít nhất từ 0,2 điểm đến cao nhất 9,25 điểm/một môn thi.
Trong số này, có thí sinh Đ.N.H.A. là cháu của Nguyễn Quang Vinh (môn toán nâng 4,6 điểm; môn ngoại ngữ 5,2 điểm).
Trước đó, ngày 3/8/2018, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an quyết định khởi tố vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo quy định tại Điều 356 BLHS.
Cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam đối với: Nguyễn Quang Vinh (cựu trưởng phòng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình), Đỗ Mạnh Tuấn (cựu phó hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) và Nguyễn Khắc Tuấn (cựu chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình).