Hết gỗ lớn, lâm tặc vào rừng ở Gia Lai khai thác những cây gỗ nhỏ về làm củi
Hạt kiểm lâm huyện Kông Pa, tỉnh Gia Lai vẫn đang điều tra vụ khai thác trái phép 119 cây gỗ xảy ra tại tiểu khu 1432, thuộc lâm phần quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba.
Phá khắp nơi
Những năm trước đây, trữ lượng gỗ trên địa bàn tỉnh Gia Lai còn khá giàu, có nhiều cây gỗ quý. Lúc này, lâm tặc chủ yếu vào rừng khai thác những cây gỗ lớn, quý có giá trị như gỗ hương, cẩm, căm xe, dổi… những cây gỗ nhỏ, gỗ tạp thì lâm tặc không thèm ngó ngàng tới.
Theo thời gian, những cây gỗ có giá trị cao đã bị khai thác cạn kiệt, số ít còn lại được bảo vệ chặt chẽ nên lâm tặc chuyển qua khai thác những cây gỗ nhỏ, gỗ tạp giá trị thấp hơn.
Nhiều người khi được hỏi về tình trạng phá rừng ở Gia Lai thì ví von đầy chua xót rằng "còn rừng đâu mà phá".
Tại khu rừng thuộc xã Ia Dreh, huyện Krông Pa, hàng chục cây gỗ bằng lăng có đường kính chỉ từ 10-15cm, dài 2m cũng bị lâm tặc triệt hạ, chất thành đống để chuẩn bị chuyển đi tiêu thụ.
Cách điểm tập kết gỗ này không xa, cánh rừng cộng đồng do buôn Chơ Tung, xã Ia Dreh quản lý có vô số cây gỗ rừng đã bị triệt hạ. Cây rừng nằm la liệt, một số cây đã được xẻ thành hộp nằm ngổn ngang tại hiện trường, một số cây vừa đốn hạ, cành lá vẫn còn xanh nguyên.
Những cây gỗ chỉ chừng 10-15cm cũng đã bị tận diệt
Những cây gỗ lớn hơn đã bị triệt hạ trước đó
Đi sâu vào tiểu khu 778, lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ia Pa (huyện Kông Chro) quản lý, cũng có nhiều cây gỗ có đường kính 10-20 cm, bị đốn hạ, cắt thành từng khúc dài khoảng 1m. Theo người dẫn đường, số gỗ này sẽ được lâm tặc đưa về các lò làm củi đốt cho việc sấy thuốc lá.
Sáng sớm 10-2, đoàn 40 lâm tặc đưa 12 xe công nông vào cánh rừng cộng đồng làng Klah, xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang cưa hạ hàng chục cây rừng đường kính từ 15-30cm rồi mới bị phát hiện, ngăn chặn.
"Còn rừng đâu mà phá"
Theo tìm hiểu của phóng viên, gỗ được lâm tặc khai thác sẽ đưa về bán cho các đầu nậu theo hai dạng. Thứ nhất là gỗ với giá từ vài triệu tới hàng chục triệu đồng/m3 (tùy loại). Thứ 2 là gỗ củi được bán giá từ 300.000 đồng tới trên 1 triệu đồng/tấn (tùy chủng loại gỗ).
Đầu nậu sau đó sẽ sang tay kiếm lời, riêng với các loại củi có giá trị như căm xe, cà chít… sẽ được xẻ thành phẩm rồi xuất bán.
Hầu như ở những địa phương còn rừng tại tỉnh Gia Lai đều xảy ra tình trạng phá rừng
Tại thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa có xưởng gỗ đình đám nhất của 1 người tên T.T. đã hoạt động khoảng 10 năm nay. Xưởng gỗ này được chia thành 3 kho nằm trên đường Nguyễn Bính và Phan Đình Phùng.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng mỗi lần kiểm tra kho này đều không xác định sai phạm. Ông Hồ Văn Thảo, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, cho biết thực tế có xưởng gỗ chỉ mua thanh lý 5m3 gỗ, nhưng hoạt động 5 năm vẫn chưa sử dụng hết số gỗ này. Mỗi lần kiểm tra thì gỗ trong xưởng đều có giấy tờ, hợp pháp.
Theo ông Thảo, thực tế hiện nay lâm tặc cứ vào rừng thấy cây to, thẳng là cưa. Huyện Krông Pa đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc ngăn chặn phá rừng. Để triệt để thì phải ngăn chặn từ đầu chứ không thể đợi lâm tặc vào rừng cưa gỗ, mang ra rồi mới bắt giữ.
Rừng giao cho các Ban quản lý, giao cho cộng đồng đều bị phá
Còn ông Nguyễn Văn Lộc, Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Gia Lai, cũng cho rằng việc ngăn chặn phá rừng phải đồng bộ quyết liệt, xử lý ngay từ đầu.
Tuy nhiên, ông Dương Hoàng Nguyện, Trưởng phòng Pháp chế thanh tra - Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, cho biết một thực tế là cả hệ thống chính trị vào cuộc, ngăn chặn nhưng tình trạng phá rừng không thể chấm dứt.
Đa phần các vụ phá rừng được phát hiện sau, khi sự việc đã rồi mà không có biện pháp ngăn chặn ngay từ gốc. "Lực lượng bảo vệ rừng cũng có một số cán bộ thoát hóa, biến chất tiếp tay, bảo kê cho lâm tặc và đã bị phát hiện, khởi tố" – ông Nguyện nói.
Mỗi ngày 1 vụ phá rừng
Trong 3 tháng đầu năm 2021, lực lượng Kiểm lâm tỉnh Gia Lai phát hiện 96 vụ khai thác gỗ trái phép. Như vậy, trung bình mỗi ngày, lực lượng chức năng ghi nhận 1 vụ phá rừng.
Theo ông Hồ Văn Thảo, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, thực tế từ trước tới nay lực lượng bảo vệ rừng, kiểm lâm khi phát hiện phá rừng thì rất ngại báo cáo vì sợ kiểm điểm, xử lý trách nhiệm vì không bảo vệ được rừng.
Thậm chí, một số cán bộ còn giấu các vụ việc phá rừng. Để thay đổi, huyện Krông Pa đã tính đến phương án sẽ không không xử lý những cán bộ kiểm lâm, cán bộ quản lý bảo vệ rừng phát hiện nhiều vụ phá rừng mà ngược lại sẽ tuyên dương.