Căn nhà nơi bà Phụng gặp tai nạn thương tâm.
Theo hồ sơ vụ kiện, khoảng năm 1995, ông Đặng Văn Ngà (SN 1960) dù đã có “vợ” và hai con sinh năm 1980, 1983, nhưng vẫn có quan hệ ngoài giá thú với bà Hồng Ngọc Phụng (SN 1959). Năm 1997, ông Ngà và tình nhân có với nhau con chung là anh Đặng Hồng Phi.
Chị gái bà Phụng: “Phán quyết của tòa vừa gây thiệt hại vật chất, quan trọng hơn còn làm ảnh hưởng danh tiếng gia đình tôi”.
Tai nạn tang thương với người mẹ đơn thân
Mối quan hệ của ông Ngà với hai người phụ nữ có vẻ khá khó hiểu, khi mãi đến năm 2012 ông Ngà mới đăng ký kết hôn. Thế nhưng năm 2012, ông Ngà không đăng ký với bà Phụng, mà làm giấy hôn thú với người phụ nữ có hai con với mình.
Theo lời kể của bà Hồng Tú Uyên (SN 1952, chị gái bà Phụng), vì giận người tình “phụ bạc”, em gái bà từ đó tập trung làm ăn, nổi tiếng giỏi giang, tháo vát trong vùng. Tính đến 2018, theo số liệu cơ quan chức năng thống kê, tổng số tài sản của bà Phụng lên tới 40 tỷ đồng.
Đã bi kịch trong tình duyên, bà Phụng còn gặp bi kịch vắn số. Một tai nạn bất ngờ ập đến với người mẹ đơn thân vào rạng sáng 8/2/2018. Nghe tiếng con chó ăng ẳng bị kẹt ở cánh cổng, bà Phụng nhờ một người làm công đến nâng cổng sắt lên để bà cúi xuống lôi con chó ra. Không may cánh cổng tuột khỏi bản lề, ập xuống trúng đầu. Bà Phụng tử vong trên đường đi cấp cứu, không một lời trăng trối. Người con trai khi đó đang đi học dưới TP HCM, lúc trở về mẹ đã không còn nữa.
Chị bà Phụng kể lại: “Sau khi chôn cất cho em, gia đình quyết định mời chính quyền cùng đến mở két sắt em tôi để lại tìm di chúc, kiểm đếm tiền nong, vàng bạc? Ông Ngà đến nhà em tôi trước đó, “cố thủ” không chịu mở cửa phòng chứa két sắt. Mãi nhiều ngày sau, khi tòa án quyết định mở két sắt, mới phát hiện két bị đục phá, bên trong trống trơn”.
Hai tháng sau khi tình nhân mất, ngày 16/4/2018, ông Ngà đâm đơn khởi kiện người con ngoài giá thú của mình là anh Đặng Hồng Phi và những người thừa kế của tình nhân.
Người đàn ông đã có vợ con cho rằng chung sống với bà Phụng như vợ chồng từ 1987 và có con chung là anh Phi, nên đề nghị tòa công nhận quan hệ giữa ông Ngà và bà Phụng là hôn nhân thực tế. Từ đó, tài sản bà Phụng để lại là tài sản chung của ông và bà Phụng.
Phía bị đơn phản đối quyết liệt, cho rằng ông Ngà đã có vợ con chính thức. Ông Ngà, bà Phụng chỉ có quan hệ nam nữ bất chính, vi phạm điều cấm trong Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ). Bị đơn còn làm đơn đến Công an Dầu Tiếng tố ông Ngà chiếm đoạt tài sản trong két sắt bà Phụng để lại. Bị đơn cũng phản tố, đề nghị tòa buộc ông Ngà trả lại 1 tỷ tiền hụi của bà Phụng mà sau khi tình nhân mất, ông Ngà tự ý đi nhận và tiêu xài cá nhân.
Căn nhà nơi bà Phụng gặp tai nạn thương tâm. |
Không vợ chồng, không đóng góp, vẫn được... chia tài sản
Phiên sơ thẩm, TAND huyện Dầu Tiếng cho rằng ông Ngà “có sống chung” với bà Phụng từ khoảng 1995 đến khi bà Phụng mất. Hành vi này vi phạm điều cấm của Luật HN&GĐ. Tòa sơ thẩm bác yêu cầu của ông Ngà đòi công nhận quan hệ hôn thực tế.
Tòa sơ thẩm cũng nhận định không có chứng cứ thể hiện việc ông Ngà có tài sản chung với “tình nhân”. Thế nhưng cấp sơ thẩm lại tuyên cho ông Ngà được hưởng 20% giá trị tài sản của tình nhân là hơn 8,3 tỷ đồng.
Không đồng ý với bản án, cả nguyên và bị đơn đều kháng cáo.
Cuối năm 2020, TAND tỉnh Bình Dương xử phúc thẩm, tái khẳng định ông Ngà, bà Phụng vi phạm pháp luật nên không được công nhận hôn nhân thực tế. Tất cả các tài sản đều đứng tên bà Phụng. Vì vậy không có cơ sở “chia đôi tài sản” như ông Ngà yêu cầu.
Tòa phúc thẩm cũng khẳng định “ông Ngà không đưa ra được chứng cứ chứng minh quyền sở hữu cũng như công sức đóng góp trong các tài sản” bà Phụng để lại.
Thế nhưng, “tréo ngoe” ở chỗ ngay sau đó cấp phúc thẩm cũng nhận định “việc ông Ngà, bà Phụng chung sống là có thật; ông Ngà là người có trách nhiệm, khi bà Phụng chết ông Ngà có để tang và chăm sóc con chung Đặng Hồng Phi, biết tính toán kinh doanh và phụ giúp bà Phụng kinh doanh để tăng khối tài sản riêng”...
Từ nhận định trên, tương tự phán quyết của cấp sơ thẩm, tòa phúc thẩm cũng tính “công sức” của ông Ngà là 20% trong khối tài sản bà Phụng để lại là 8,3 tỷ đồng.
LS Tô Bá Thanh (Đoàn LS TP HCM) nhận định: “Tôi cho rằng phán quyết của hai cấp tòa trong vụ kiện trên là cảm tính chứ không căn cứ vào cơ sở pháp lý và chứng cứ nào. Vin vào chứng cứ và điều luật nào mà tòa tùy ý xử cho ông Ngà được 20% tài sản của tình nhân?”.
“Thứ hai, tòa đã bỏ lọt hành vi vi phạm của ông Ngà. Hai cấp tòa đều xác định ông Ngà vi phạm điều cấm trong Luật HN&GĐ nhưng lại không kiến nghị xử lý trách nhiệm với hành vi này. Theo tôi, thậm chí ông Ngà còn có dấu hiệu của tội Vi phạm chế độ một vợ một chồng” theo Điều 182 BLHS”.
“Thứ ba, tòa viện dẫn Điều 14, Điều 16 Luật HN&GĐ trong vụ kiện này là “bé cái nhầm”. Điều 14 và Điều 16 Luật HN&GĐ để giải quyết quyền và nghĩa vụ của hai người “sống chung như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn”. Ở đây, tòa không công nhận ông Ngà, bà Phụng “sống chung như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn”, nên không thể áp dụng hai điều luật này được”.
“Thứ tư, hai cấp tòa đều có dấu hiệu vi phạm tố tụng. Tuyên chia cho ông Ngà 20% tài sản bà Phụng để lại là vượt quá yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; vi phạm khoản 1 Điều 5 BLTTDS 2015 “tòa chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn đó”. Trong đơn kiện, ông Ngà không yêu cầu tòa xem xét chia công sức trong việc tạo dựng khối tài sản bà Phụng để lại”.
“Thứ năm, tòa hai cấp tại Bình Dương cũng mâu thuẫn với chính mình khi khẳng định “ông Ngà không đưa ra được chứng cứ chứng minh đóng góp công sức trong việc tạo dựng tài sản đứng tên bà Phụng”, rồi lại nhận định ông Ngà “biết tính toán làm ăn, kinh doanh và phụ giúp bà Phụng trong việc kinh doanh, góp phần tăng khối tài sản”.
Theo LS Thanh, đề nghị giám đốc thẩm hủy hai bản án của phía bị đơn là hoàn toàn có cơ sở. “Tôi đánh giá phán quyết chia 20% tài sản của tình nhân cho ông Ngà không chỉ áp dụng sai pháp luật; mà thậm chí gây ra những hậu quả nghiêm trọng vì có dấu hiệu “cổ xúy, tiếp tay” cho những người vi phạm chế độ một vợ một chồng”, LS Thanh nói.
PV cũng liên hệ với ông Ngà qua điện thoại để hỏi quan điểm của ông về vụ việc. Tuy nhiên ông Ngà từ chối, cho biết sẽ có thể gặp gỡ vào một dịp khác.
PLVN sẽ tiếp tục phản ánh những dấu hiệu bất thường khác trong vụ kiện này trong các số báo sau.