Sức ép sản xuất nhanh vũ khí trong bối cảnh xoay chuyển liên tục
Xung đột Ukraine đã trở thành khủng hoảng an ninh lớn nhất ở châu Âu kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2, gây sức ép lên ngành công nghiệp quốc phòng phải sản xuất thật nhanh vũ khí khí tài và thích ứng với các nhu cầu thay đổi không ngừng của tác chiến hiện đại. Trước thực tế đó, quân nhân và tình nguyện viên Nga đã phát minh, chế tạo các vũ khí tự chế để đáp ứng nhu cầu chiến trường.
Giáp chống UAV gắn thêm trên xe tăng Nga được trưng bày ở Moscow. Ảnh: Twitter.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov từng thừa nhận rằng Ukraine trở thành nơi thử nghiệm hoàn hảo cho các hệ thống vũ khí mới nhất của khối quân sự NATO. Phát biểu này cho thấy khủng hoảng Ukraine đã buộc ngành công nghiệp quốc phòng của cả phương Tây lẫn của Nga phải dốc hết sức để sản xuất và đưa ra chiến trường các loại vũ khí khí tài thích hợp với trạng thái thay đổi nhanh chóng của xung đột hiện đại.
Áp lực này không phải lúc nào cũng dễ dàng đối với các kỹ sư, nhà khoa học ngồi trong văn phòng hoặc các xưởng quân khí nằm cách mặt trận hàng ngàn kilomet. Do vậy, trong hơn 1 năm rưỡi chiến sự vừa qua, đã có nhiều thí dụ về các quân nhân Nga bình thường tự cải tiến các vũ khí hiện hành của họ ngay tại chỗ cũng như sự nở rộ các nhóm tình nguyện sản xuất hàng loạt các thiết bị phục vụ chiến đấu.
Phương pháp tự chế để chống tăng
Những “sáng kiến” đầu tiên được giới quan sát quân sự nhận ra là việc sử dụng lớp giáp dạng lồng sắt đặt trên các xe tăng và xe thiết giáp Nga kể từ đầu năm 2022 trở đi. Lồng sắt này được thiết kế để bảo vệ xe Nga trước tên lửa chống tăng được các nước NATO đưa vào Ukraine.
Hệ thống phòng thủ tự chế này thường được gắn trên tháp pháo xe tăng để ngăn ngừa các đòn tấn công đột nóc của các vũ khí chống tăng vác vai như Javelin do Mỹ chế tạo và một số loại máy bay không người lái (UAV) cảm tử. Ban đầu phương Tây chế giễu cách làm này của Nga. Nhưng sự chế giễu đó dần tan biến sau khi bản thân quân đội Ukraine cũng để ý đến cách làm này và áp dụng theo, tạo ra các lớp giáp tạm thời như thế trên chính các xe tăng hiện đại mà Ukraine vừa tiếp nhận từ phương Tây, như xe tăng Challenger 2.
UAV được sử dụng rất nhiều trong xung đột Ukraine, đến mức một số nhà phân tích gọi đây là “cuộc chiến UAV quy mô đầy đủ đầu tiên” của thế giới. Trong bối cảnh ấy, các thợ cơ khí của Nga ở tiền tuyến đã dựa nhiều vào các kiểu miếng giáp tạm thời để gia tăng bảo vệ cho các xe quân sự trước các loại UAV lên thẳng nhỏ hơn và nhẹ hơn.
Vũ khí phòng không được gắn thêm lên xe thiết giáp Nga. Ảnh: Telegram.
Xe bánh xích đa năng
Lính cơ khí Nga đã chỉnh sửa các xe kéo đa dụng MT-LB từ thời Liên Xô, tiến hành vô số nâng cấp như hàn thêm pháo cối 120mm, gắn thêm súng phóng lựu, pháo tự động phòng không ZU-23-2 23x152 mm, thậm chí còn lắp thêm súng 2M3 25mm vốn dùng trên chiến hạm.
Một sĩ quan Nga cho biết: “Nền tảng MT-LB rất thành công. Bảo dưỡng đơn giản, di chuyển tốt trên các loại địa hình. Không có giáp nhưng mục đích của xe không phải là để đối đầu với xe tăng. Xe này chủ yếu để vận chuyển đạn dược, lương thực và nước uống cho tiền tuyến. Nhưng khi gắn thêm vũ khí, nó có thể làm nhiều thứ hơn nữa. Chỉnh sửa bằng cách gắn thêm súng phòng không ZU-23-2 là rất phổ biến, hiệu quả cho cả bắn máy bay và bắn mục tiêu trên mặt đất”.
Đạn cối phóng từ súng AK, tên lửa vác vai được điều khiển từ xa
Các lực lượng tiền tuyến của Nga còn chỉnh sửa các loại vũ khí cỡ nhỏ.
Tháng 8, quân nhân thuộc một đội sửa chữa quân khí đã cho ra mắt công cụ biến súng chống tăng B41 thành súng cối và biến súng AK-74 tiêu chuẩn của quân đội Nga thành súng phóng lựu RRD-5.
Hồi tháng 7, truyền hình Nga đưa tin về việc một nhóm binh sĩ Nga ngoài mặt trận đã chỉnh sửa tên lửa chống tăng vác vai Kornet thành tên lửa điều khiển từ xa (ở cự ly tới 50m) nhằm giảm nguy cơ đe dọa tính mạng của xạ thủ trong trường hợp đối phương phản pháo.
UAV thương mại được khai thác
Trong giai đoạn xung đột vũ trang Nga - Ukraine, khi ngành công nghiệp của Nga mới chỉ bắt đầu đẩy mạnh sản xuất các UAV trinh sát và tấn công nội địa thì các binh sĩ Nga ở tiền tuyến đã phải dựa vào các UAV thương mại giá rẻ để thực hiện nhiệm vụ trinh sát đơn giản.
Khi quân Ukraine đã quen với việc phát hiện ra tín hiệu các UAV này thông qua radar, thì các trắc thủ UAV Nga bắt đầu chỉnh sửa cả phần cứng và phần mềm của UAV để khiến chúng khó bị phát hiện hơn. Thời gian ấy, các tình nguyện viên trên khắp nước Nga cũng bắt đầu sản xuất hàng loạt các linh kiện được in 3D để biến các UAV lên thẳng thành vũ khí thả bom sát thủ.
Sáng tạo cả các thiết bị hậu cần, hỗ trợ
Ngoài vũ khí đạn dược, hàng ngàn tình nguyện viên Nga còn chế tạo và cung cấp các thiết bị hậu cần, từ lưới ngụy trang, đồ sơ cứu đến máy phát điện xách tay, quần áo và các thiết bị đặc chủng khác.
Tình nguyện viên Nga đã kết nối với nhau để cùng sản xuất các phòng tắm di động, trong đó có những cái được đặt trên xe tải GAZ-66 và những cái được tạo ra từ các bộ phận kiểu module, có thể tháo rời và di chuyển dễ dàng.
Một số nhà sáng chế như thế này còn phát minh ra “vòi tắm hoa sen khô”, giúp binh sĩ tắm với lượng nước ít ỏi.
Dân Nga còn chế ra các lò sưởi nhỏ để binh sĩ giữ ấm trong mùa đông, đồng thời cũng cung cấp nhiệt cho nấu ăn…