Quân đội Lào đã gây được chú ý lớn trong giới quân sự ở khu vực và trên thế giới khi mạnh tay trang bị xe tăng T72-B1 và máy bay Yak-130 mua từ Nga, thậm chí nhiều nguồn tin đồn đoán rằng Không quân Lào sẽ sớm biên chế tiêm kích J-10C của Trung Quốc.
Ngoài danh sách những vũ khí đã xuất hiện phổ biến trên các phương tiện truyền thông, hãy cùng tìm hiểu thêm một số loại phương tiện – vũ khí mới khác đang hiện diện trong lực lượng vũ trang Lào cũng do Trung Quốc sản xuất.
1. Lực lượng bộ binh
Súng trường bắn tỉa hạng nặng QBU-10
Ngoài những loại súng trường hiện đại như QBZ-97, 9A-91, Pindad SS2, Galil ACE, Quân đội Lào còn được trang bị một mẫu súng trường bắn tỉa hiện đại và nguy hiểm của Trung Quốc, đó là QBU-10.
Nguồn ảnh: Lao PSTV
Như bức ảnh trên cho thấy, QBU-10 mới chỉ đang được một phần hạn chế trong Quân đội Lào còn tất cả các hàng chiến sĩ ở phía sau, toàn bộ đều mang súng trường SVD-Dragunov.
Hàng chiến sĩ đi đầu mang QBU-10 một phần bởi tính năng hiện đại và được xếp vào nhóm súng hạng nặng của nó, hơn hẳn súng trường SVD, nhưng cũng một phần vì vũ khí của Trung Quốc đang dần chiếm lĩnh nhiều vị trí quan trọng trong trang bị của Quân đội Lào.
Tuy nhiên, nếu nhìn sang Việt Nam và so sánh thì các mẫu súng trường bắn tỉa hạng nặng, sử dụng cỡ đạn 12,7mm mà Việt Nam tự nghiên cứu sản xuất được như KSVK hay OVS-96, đều vượt trội về tính năng kỹ chiến thuật lẫn chất lượng so với QBU-10.
Bù lại, đặc điểm lớn nhất của mẫu súng này, đó là nó được trang bị kính ngắm quang điện với công năng đo ngắm, có thể tự động đo khoảng cách, tính toán đường đạn, nâng cao tốc độ bắn và tỷ lệ trúng mục tiêu.
Phiên bản QBU-10 hiện có của Lào cũng là phiên bản nội địa đang được Quân đội Trung Quốc trang bị chứ không phải phiên bản xuất khẩu M99 được các nhóm phiến quân ở Syria và Myanmar sử dụng.
Nguồn ảnh: CNN
Ngoài QBU-10, Quân đội Lào còn được trang bị nhiều loại súng hạng nặng khác của Trung Quốc như súng máy hạng nặng QJZ-89, súng phóng lựu tự động QLZ-87, súng máy hạng nặng W85 như trong hình trên.
Xe thiết giáp CS/VN3
Trên thế giới, ngoài Quân đội Belarus công khai việc trang bị xe thiết giáp CS/VN3 thì Lào là một trong số những quốc gia sở hữu phương tiện này, nhưng lại ít người biết đến.
Nguồn ảnh: Worldmilitaryintel
Từ bức ảnh trên dễ nhận thấy rằng, Quân đội Lào sử dụng CS/VN3 phối hợp cùng PT-76. Đây là một sự bố trí khá hợp lý khi cả CS/VN3 và PT-76 đều được xếp vào nhóm phương tiện thiết giáp hạng nhẹ, đều có kích thước nhỏ gọn và có chung những tính năng như: khả năng lội nước tốt, khả năng cơ động trên những địa hình phức tạp cao.
Tuy nhiên về vũ khí, phiên bản CS/VN3 mà Lào hiện có chỉ trang bị súng đại liên 12,7mm được xạ thủ tác xạ trực tiếp bên trong các tấm chắn đạn bao bọc xung quanh. Đây chỉ mới là cấu hình vũ khí đơn giản nhất.
Nguồn ảnh: Laosgpsmap
Ngoài ra, còn có một số phiên bản CS/VN3 trang bị súng máy, tên lửa chống tăng, hay thậm chí là tháp pháo được điều khiển tự động, để biến nó thành một mẫu xe chiến đấu bộ binh, đi kèm với đó là hệ thống khí tài trinh sát quang điện tử hiện đại.
Nhìn chung, về tính năng kỹ chiến thuật của phiên bản CS/VN3 mà Lào đang trang bị, không quá vượt trội, thậm chí có một số mặt vẫn kém hơn các mẫu thiết giáp như BTR-60 và BRDM-2 mà họ đang sở hữu.
Tuy nhiên, với số lượng BTR-60 và BRDM-2 quá ít ỏi, thì sự bổ sung của CS/VN3 phần nào bù đắp được khoảng trống về số lượng xe bọc thép hiện có của Lào.
Xe bọc thép hạng nhẹ cơ động Đông Phong Mãnh Sĩ
Hiện nay trên thế giới, thuộc dòng xe này, chỉ có mẫu xe Tigr của Nga và Humvee của Mỹ là nổi tiếng và phổ biến hơn cả, nhưng cả 2 mẫu đều được Trung Quốc sao chép thành công và đều đã hiện diện trong Quân đội Lào.
Điểm đáng lưu ý đó là trong cuộc duyệt binh vừa qua, mẫu xe này chỉ xuất hiện ở cấu hình chở súng cối Type 81 cỡ nòng 82mm với tên gọi CS/SS4. Có lẽ do sự xuất hiện quá nhiều, khi có đến không dưới 20 chủng loại phương tiện vũ khí, nên không có sự xuất hiện của mẫu xe này dưới chức năng chở quân.
Đông Phong Mãnh Sĩ với chức năng chở quân trong Quân đội Lào. Nguồn ảnh: Lao PSTV
Mẫu Đông Phong Mãnh Sĩ của Lào, được xác định là phiên bản EQ2050, đây là phiên bản đầu tiên với tính năng kỹ chiến thuật đơn giản nhất của dòng xe này, sau khi rất nhiều phiên bản tối tân và hiện đại hơn ra đời.
Phiên bản EQ2050 được sản xuất dựa trên mẫu xe Hummer H1 nổi tiếng. Hiện tại, trong lực lượng Cảnh sát Việt Nam đã được trang bị mẫu Hummer H2, dựa trên kết cấu khung gầm của Hummer H1 nhưng được thu gọn lại.
2. Lực lượng Thủy quân
Khi quan hệ kinh tế giữa Lào và Trung Quốc ngày càng phát triển, Bắc Kinh đã giúp tăng cường sức mạnh cho Quân đội Lào bằng việc trang bị thêm nhiều phương tiện mới, trong đó xuất hiện một mẫu xuồng cao tốc đặc biệt.
Nguồn ảnh: News.cn
Thiết kế kỹ thuật của mẫu xuồng này được cho là sao chép ý tưởng từ mẫu xuồng CB90 của Thụy Điển. Xuồng sử dụng hệ động lực đẩy phản lực với ưu điểm là không tạo ra tiếng ồn và cho tốc độ đi chuyển nhanh gần 30 hải lý/giờ cùng động cơ diesel V8 mạnh mẽ.
Kết cấu của thân xuồng khá nhỏ gọn và hoàn toàn nhẵn bóng giúp tàu dễ dàng cơ động cũng như ngụy trang mật phục khi thực hiện nhiệm vụ và giảm nguy cơ bị radar đối phương phát hiện. Vũ khí chính đi kèm với xuồng có súng máy hạng nặng 12,7mm.
Xuồng tuần tra cao tốc đặc chủng là phương tiện quen thuộc và phổ biến đối với các nước có hệ thống sông ngòi phức tạp như Lào cũng như các nước lân cận, trong đó có Việt Nam.
Nhưng việc Lực lượng Vũ cảnh của Trung Quốc (PAP) đặc biệt dành tâm huyết để nghiên cứu – chế tạo – thử nghiệm và hỗ trợ mẫu xuồng này cho Lào đủ thấy ý nghĩa và tầm quan trọng của phương tiện này đối với cả 2 nước.
3. Lực lượng Cảnh sát
Xe chống bạo động Dima DMT5100XFB
Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ XI được tổ chức tại Lào cùng với chuyến viếng thăm chính thức của Tổng thống Mỹ Barack Obama yêu cầu lượng an ninh Lào phải huy động nhiều phương tiện đặc chủng hiện đại để bảo đảm an ninh cho sự kiện, trong đó có mẫu xe Dima DMT5100XFB, thuộc biên chế của lực lượng Cảnh sát Lào.
Dima DMT5100XFB bảo vệ an ninh đường phố tại thủ đô Vientiane, trong thời gian diễn ra Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ XI
Đây là mẫu xe do Công ty Công nghiệp DIMA Trùng Khánh phát triển trên khung gầm xe bọc thép EQ2111SF của hãng xe tải Đông Phong (Trung Quốc), nhằm trang bị cho các lực lượng cảnh sát. Nhìn chung, mẫu xe này có nhiều đặc điểm – tính năng kỹ chiến thuật giống với 2 mẫu xe là Shinjeong S5 và Guardian Tactical mà Việt Nam hiện có.
Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ thì Dima DMT5100XFB thua kém xa về chất lượng và tính năng so với 2 mẫu xe của Việt Nam. Phiên bản mà Lào trang bị có cấu hình khá đơn giản. Nó không được trang bị bộ cản làm từ thép chống đạn để dọn dẹp chướng ngại vật và bảo vệ phía trước xe, mà chỉ có tời tự thu ở phía trước, dùng kéo các vật có trọng lượng lớn.
Đặc biệt, xe có đặc điểm rất dễ nhận dạng, đó là cửa để vào buồng lái được bố trí duy nhất 1 cánh bên trái và cửa vào khoang ở bên hông chỉ gồm 1 cánh ở bên phải.
Trên nóc xe bố trí tháp súng, được bảo vệ bởi các tấm thép khá thấp so với xạ thủ và khẩu súng máy rất đơn giản. Phiên bản của Lào được trang bị một súng máy QJC-88.
Các hệ thống phá sóng điện thoại di động – thông tin liên lạc, camera kỹ thuật số quan sát toàn cảnh bên ngoài theo thời gian thực và phục vụ công tác ghi hình, điều hòa nhiệt độ, loa ngoài, bảo vệ hạt nhân - sinh học - hóa học (NBC) cùng các ống phóng quả nổ tạo màn khói ngụy trang - chống tia hồng ngoại, vô hiệu hóa vũ khí đối phương cũng bị cắt bỏ toàn bộ. Hệ thống đèn cứu hộ và đèn tín hiệu được thiết kế và bố trí rất sơ sài và lạc hậu.
Tuy nhiên, việc được trang bị nhiều vũ khí có nguồn gốc từ Trung Quốc đã giúp Quân đội Lào nhanh chóng hiện đại hóa lực lượng vũ trang của mình trong một thời gian ngắn chỉ với kinh phí quốc phòng hạn hẹp. Đồng thời nó cũng giúp Quân đội Lào củng cố và bảo vệ lợi ích quốc gia trước các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.
Không quân Lào tiếp nhận máy bay tiêm kích huấn luyện Yak-130 đầu tiên