Chiến binh đáng gờm của Nga...
Theo tạp chí MW, tàu ngầm lớp Akula [định danh NATO] lần đầu tiên được đưa vào biên chế Hải quân Liên Xô năm 1984. Nó đại diện cho các tàu ngầm năng lượng hạt nhân đầu tiên của Liên Xô có thể trở thành đối thủ của tàu ngầm Mỹ ở khả năng sống sót và mức độ êm ái.
Mặc dù các tàu ngầm Liên Xô nắm giữ nhiều lợi thế như độ bền cao hơn, tốc độ nhanh hơn và vũ trang tốt hơn nhưng tàu ngầm Mỹ lại vượt trội về độ êm ái, khiến chúng khó bị phát hiện hơn.
Do đó, tàu ngầm lớp Akula đại diện cho một nhân tố "thay đổi cuộc chơi" trong cuộc đua vũ trang dưới lòng biển, nắm giữ những lợi thế tác chiến lớn trên các chiến trường truyền thống mà Liên Xô chiếm ưu thế, đồng thời thách thức lợi thế tàng hình của Mỹ.
Lý do Liên Xô chuyển hướng tập trung sang khả năng tàng hình một phần là nhờ thông tin tình báo do gián điệp nằm vùng trong Hải quân Mỹ những năm 1970. Để đạt được điều đó, các kỹ sư Liên Xô đã dựa vào hệ thống máy tính và các thiết bị mới nhập khẩu từ Nhật Bản và Thụy Điển. Những công nghệ này đã bổ sung cho thế mạnh hiện có của ngành đóng tàu Liên Xô.
Tàu ngầm lớp Akula vẫn giữ thân tàu bằng thép như các thiết kế trước của Liên Xô, mang lại cho nó khả năng sống sót cao hơn so với tàu ngầm Mỹ và được trang bị tên lửa hành trình Granat với tầm bắn trên 300km, có thể mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật 200kt.
Mỗi tàu còn mang tới 40 ngư lôi và khi nổi lên trên mặt nước, nó có thể tạo ra mối đe dọa cho máy bay của đối phương bằng các ống phóng tên lửa hải-đối-không Igla-M. Khả năng tàng hình của các tàu ngầm lớp Akula còn được cải tiến hơn nữa, lên mức ngang ngửa với các tàu ngầm lớp Los Angeles của Mỹ [vốn vượt trội các thiết kế cũ của phương Tây].
Tàu ngầm lớp Los Angeles của Mỹ. Ảnh: MW
Bên cạnh đó, nó có thể lặn sâu hơn 70% so với tàu lớp Los Angeles của Mỹ để bổ trợ cho khả năng tàng hình. Song, một số nguồn tin từ Mỹ cho rằng tàu lớp Los Angeles có lợi thế về cảm biến vượt trội.
Chương trình tàu ngầm lớp Akula là một trong số ít các chương trình vũ khí của Liên Xô không bị gián đoạn sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Trong khi cắt giảm các kế hoạch đóng mới tàu tuần dương, tàu khu trục, tàu đổ bộ và sieu tàu sân bay, Hải quân Nga đã phát triển các phiên bản tinh vi hơn của Akula trong những năm 1990, với vũ khí vượt trội và khả năng tàng hình cải tiến.
Với chi phí 1,5 tỷ USD/tàu trong những năm 1990, việc các tàu ngầm lớp Akula được đầu tư tích cực, trong khi nhiều chương trình – từ tiêm kích tàng hình, tên lửa không-đối-không tới xe tăng chiến đấu chủ lực – phải đối mặt với sự cắt giảm quyết liệt, đã cho thấy giá trị của lớp tàu ngầm này trong mắt lực lượng vũ trang Nga.
... Đang giúp Ấn Độ chế ngự mối đe dọa từ "kẻ gây hấn"
Hạm đội tàu ngầm lớp Akula của Nga ngày nay vẫn tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các đối thủ tiềm năng của Moscow. Gói nâng cấp tích hợp tên lửa hành trình chống hạm Kalibr hiện đại đã khiến Akula trở nên nguy hiểm hơn nữa.
Tuy vậy, chi phí hoạt động đắt đỏ của hạm đội Akula trong lúc ngân sách quốc phòng Nga bị thu hẹp đã buộc nhiều tàu phải rút khỏi lực lượng tuyến đầu. 3 chiếc trong số chúng đã được chuyển đổi sang tàu ngầm tên lửa đạn đạo – một phương tiện mang lại hiệu quả chi phí và có thể củng cố khả năng răn đe chiến lược của Nga.
Tàu ngầm INS Chakra của Ấn Độ. Ảnh: MW
Một chiếc khác được tân trang lại và cho Hải quân Ấn Độ thuê trong vòng 10 năm với tên gọi INS Chakra. Con tàu này được Hải quân Ấn Độ đưa vào biên chế tháng 4/2012 và dự kiến sẽ kéo dài thời hạn thuê.
Ấn Độ đã ký thỏa thuận trị giá 2 tỷ USD để thuê chiếc Akula thứ hai vào tháng 10/2016 và chiếc thứ ba vào tháng 3/2019 (hợp đồng trị giá 3 tỷ USD). Con tàu mới nhất được đặt tên là Chakra III và dự kiến sẽ được chuyển giao cho Hải quân Ấn Độ vào năm 2025. Những con tàu này đã giúp tăng cường đáng kể năng lực của Hải quân Ấn Độ.
Hải quân Ấn Độ hiện đang tích cực xây dựng năng lực tàu ngầm để đảm bảo sự thống trị của Hải quân Ấn Độ ở Ấn Độ Dương, trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng mối đe dọa đối với khu vực này. Theo các chuyên gia, điều này rất quan trọng vì năng lực hải quân của Trung Quốc đang gia tăng.
Trong khi đó, Hải quân Pakistan – kẻ thù truyền kiếp của Ấn Độ - cũng đang tích cực hiện đại hóa và mở rộng hạm đội tàu ngầm. Nước này đã bổ sung các tàu ngầm tuần tra mới mua từ Trung Quốc, cũng như nâng cấp lực lượng tàu ngầm mini cho lực lượng đặc nhiệm.
Do đó, trong bối cảnh hiện nay, việc có trong biên chế một mẫu tàu ngầm đáng gờm từ Nga sẽ hỗ trợ Hải quân Ấn Độ không nhỏ trong việc tăng cường năng lực để chế ngự mối đe dọa từ những kẻ gây hấn.