Nếu như trên trời cao kia, có một mạng lưới vệ tinh có thể điều khiển thời tiết của toàn bộ Địa Cầu, bạn thấy sao? Đầu tiên, có lẽ ta sẽ nghĩ tới những ngày Chủ Nhật đầy nắng, kế hoạch đi chơi của mình sẽ không bị cản trở.
Nhưng cũng sẽ có người nghĩ tới cảnh thứ công cụ cực kì mạnh mẽ này có thể được biến thành một thứ vũ khí tối thượng. Và nếu như những kẻ khủng bố có thể chạm tay được vào công nghệ biến đổi thời tiết này, mọi chuyện sẽ ra sao?
Đó chính là nội dung của bộ phim Geostorm sắp được công chiếu, một bộ phim thảm họa tự nhiên (hãy nghĩ tới 2012, San Andreas ...) tới từ người đã mang tới cho ta cả hai bộ phim Ngày Độc Lập, Dean Devlin. Bộ phim sẽ ra rạp vào ngày 20/10 tới, với sự tham gia của tài tử Gerard Butler với vai nam chính.
Đây là trailer bộ phim:
Trailer cho bộ phim về thảm họa tự nhiên Geostorm.
Đầu tiên, bạn hãy phân biệt "thời tiết" và "khí hậu". Thời tiết là các diễn biến trong bầu khí quyển diễn ra trong khoảng thời gian ngắn trong một vùng - khoảng vài phút, vài giờ cho tới vài ngày; khí hậu là kiểu thời tiết diễn ra trong thời gian dài tại một địa điểm, thường trong một cho tới một vài chục năm.
Thứ công nghệ được nhắc tới trong phim không phải là do đạo diễn, biên kịch bịa ra đâu, nó có thật với cái tên “geoengineering” – những biện pháp can thiệp thẳng vào bầu khí quyển Trái Đất nhằm tạo ra những hiệu ứng có lợi cho con người.
Các nhà khoa học đã đưa ra nhiều thảo luận, nhiều biện pháp nhằm giảm tốc độ nóng lên của Trái Đất, bao gồm việc phun nước biển vào bầu khí quyển, tạo nên những đám mây mới hay phun những phân tử phản chiếu nhỏ lên tầng bình lưu.
Nhiều người lo lắng việc can thiệp vào tự nhiên này sẽ phản tác dụng, theo một chiều hướng cực kì khó đoán và nhiều phần nguy hiểm. Nếu như công nghệ “geoengineering” này thực sự bước ra đời thực, liệu thứ gọi là “geostorm” – một cơn bão gây ra bởi những hiệu ứng biến đổi thời tiết nhân tạo – có xảy ra?
“Mối liên hệ giữa bộ phim Geostorm với các yếu tố khoa học và chính trị của công nghệ thay đổi thời tiết – geoengineering cũng giống như mối liên hệ của bộ phim The Day after Tommorow với yếu tố khoa học và chính trị với việc biến đổi khí hậu vậy”, giáo sư David Keith, người hiện đang tổ chức buổi thảo luận về ứng dụng vật lý tại Harvard, đưa ra ví dụ lằng nhằng này khi trả lời phóng viên Motherboard.
Nói tóm lại, thì ý ông là gần như chẳng có mối liên hệ nào giữa phim và thực tế cả.
Tại sao ta lại tin tưởng được ông Keith, rằng việc con người can thiệp vào tự nhiên, biến đổi thời tiết theo ý mình sẽ chẳng để lại hậu quả như trong phim? Bởi chính ông đang tham gia vào một dự án thử nghiệm geoengineering, sẽ phun những hạt phản xạ lại bức xạ Mặt Trời vào cuối năm nay.
Và ông bổ sung thêm rằng, đây là một quá trình “vốn đã vô cùng chậm chạp rồi”.
“Khí hậu sẽ chẳng có gì thay đổi trong vòng một năm và sẽ có rất ít thứ thay đổi được trong khoảng 10 năm”, ông Keith giải thích. “Chẳng có một cái núm vặn thần kì nào cho phép một cơn bão hiện ra từ hư không tại một địa điểm xác định cả”.
Ông Alan Robock, một giáo sư nghiên cứu khoa học môi trường đồng ý với ông Keith, rằng chẳng phải lo về cái viễn cảnh bão geostorm sẽ xuất hiện. Cũng như ta chẳng phải lo về những sự kiện trong bộ phim 2012 sẽ thành sự thực.
Bộ phim thảm họa đình đám ra mắt năm 2009.
“Công nghệ có trong phim, theo như những gì tôi xem trong trailer giới thiệu, hoàn toàn không có thật, và tôi chẳng hề biết tới phương cách điều khiển thời tiết theo ý muốn nào cả”, ông Robock trả lời email của Motherboard.
“Nó hoàn toàn là khoa học giả tưởng. Một loạt lốc xoáy và một bức tường nước khổng lồ đập vào bờ dưới dạng một con sóng là bất khả thi, với những kiến thức và vật lý khí hậu mà tôi biết, thì rõ ràng bộ phim này sáng chế ra những thứ kia cho nó thêm phần thú vị”.
Tuy nhiên, Robock cũng có những ý kiến đáng chú ý khác.
Hiện ông đang tham gia dự án chạy thử nghiệm một chương trình chỉnh sửa thời tiết trên máy tính, nhằm xem xem ta có thể tăng khả năng phản lại bức xạ Mặt Trời của nước biển không, và ông cảnh báo rằng công nghệ này có thể được sử dụng vào mục đích xấu.
Đã từ lâu, nhiều nước đã cố gắng theo đuổi một thứ vũ khí có thể hay đổi thời tiết. “Nếu như bộ phim Geostorm này có thể dọa cho người xem thấy rằng tương lai có thể như thế, thì tôi nghĩ nó lại là một điều tốt”.
Một cảnh rất ấn tượng trong trailer, tuy rằng không bao giờ có thật: 6 cơn lốc xoáy xuất hiện cùng một lúc.
David Grinspoon, một nhà khoa học tại Viện Khoa học Hành tinh - một tổ chức phi lợi nhuận nghiên cứu việc khám phá Hệ Mặt Trời – cũng bày tỏ những lo lắng của riêng mình về việc vũ khí hóa một công cụ điều khiển thời tiết.
Nhưng dù thế, ông cũng nói rằng nó không tệ hại đến mức độ như trong trailer phim Geostorm đâu.
“Rất khó có thể khí giới hóa một công nghệ như thế, bởi bạn sẽ không thể đặt nó vào một vị trí cụ thể được”, ông Grinspoon nói. “Nếu như có một kẻ nào đó chiếm quyền điều khiển thời tiết hòng phá hủy toàn bộ thế giới này – thì đó mới là mối lo thực tế”.
Đó mới là “mối lo thực tế”, khi kẻ xấu muốn hủy hoại hoàn toàn thế giới này, câu nói này của ông chẳng làm thế hệ này bớt lo chút nào.
“Nếu như bộ phim này có thể khiến người ta nghĩ tới những viễn cảnh ấy, thì có lẽ tôi sẽ ủng hộ nó”, ông Grinspoon bày tỏ. “Ai mà biết được, thậm chí tôi có thể ra rạp, ngồi điều hòa để xem bộ phim này nếu như thủ đô Washington vẫn cứ nóng kinh người như thế này!”.