Theo chuyên gia Nikolay Kozhanov tại Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về các vấn đề quốc tế (Chatham House), Nga không chỉ được hưởng lợi từ các giao dịch vũ khí mà còn củng cố được vị thế địa chính trị trong khu vực này.
"Trung Đông không phải là thị trường vũ khí mới đối với Nga. Trước đây, Liên Xô từng xuất khẩu vũ khí sang Algeria, Ai Cập, Syria, Iraq, Iran, Libya, Sudan và Yemen. Tuy nhiên, sự sụp đổ của Liên Xô đã khiến hoạt động xuất khẩu vũ khí của Nga suy giảm" - vị chuyên gia cho hay.
Chưa hết, đầu những năm 2000, khu vực này bỗng trở thành một điểm nóng. Các khách hàng truyền thống của Nga tại đây bị kéo vào vòng xoáy hỗn loạn của chiến tranh. Tới năm 2012, Rosoboronexport - đơn vị xuất khẩu vũ khí chủ lực của Nga nhận thấy vị thế của họ tại đây đang bị đe dọa, sau khi mất đi 2 thị trường lớn là Iraq và Libya.
"Các nhà sản xuất vũ khí Nga đã nỗ lực tiến vào thị trường vũ khí vùng Vịnh nhưng thất bại trong việc tạo dựng vị thế lâu dài bởi các đối thủ phương Tây giữ được các mối quan hệ sẵn có của họ" - ông Kozhanov nói.
Song, tình thế đã thay đổi đáng kể sau khi Nga đưa quân vào Syria.
"Cuộc chiến tại Syria đã hồi sinh các nhà xuất khẩu vũ khí Nga, bởi vũ khí của họ đã chứng minh được độ tin cậy trên chiến trường" - ông Kozhanov nhấn mạnh.
Trên thực tế, chiến dịch chống IS của Nga đã trở thành chiến dịch quảng bá các loại vũ khí tốt nhất của Nga hiện nay.
Tháng 4 năm nay, có thông tin Jordan đang cân nhắc khả năng mua tiêm kích bom Su-34 (phiên bản xuất khẩu là Su-32) sau màn thể hiện ấn tượng của nó ở Syria.
Su-34 đang trở thành hàng "hot"
Tháng 5, tờ BirGun của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Morocco, Algeria và Tunisia đang chuyển hướng tìm nguồn cung cấp vũ khí từ Nga.
"Mối quan hệ hợp tác giữa Nga và các quốc gia Hồi giáo, nhất là ở Nam Phi, đang được xây dựng. Morocco, Tunisia và Algeria hiện đối mặt với mối đe dọa từ tình trạng bạo lực thánh chiến và đang có nhu cầu tăng cường các hệ thống an ninh của họ.
Giờ đây, Nga đã là một cường quốc toàn cầu. Những quốc gia hồi giáo gặp phải mối đe dọa về an ninh đang tìm hiếm cơ hội hợp tác quân sự với Moscow" - Tờ báo viết.
Su-34 oanh tạc mục tiêu ở Syria
Một số nguồn tin cho biết vào năm 2015, Algeria đã đạt được thỏa thuận với Nga để mua 12 máy bay ném bom Su-32, cùng các trực thăng tấn công Mi-28NE và máy bay vận tải Il-76MD-90A.
Hợp đồng có giá trị lên tới 500-600 triệu USD, làm dấy lên suy đoán rằng nó được Moscow dùng để trang trải cho các khoản chi trong chiến dịch không kích ở Syria.
Sau khi ký kết thỏa thuận hạt nhân và được nới lỏng một phần lệnh cấm vận, Iran đã cùng Nga đẩy mạnh các cuộc đàm phán chuyển giao 4 tiểu đoàn tên lửa đất-đối-không S-300.
Sergei Chemezov, CEO của tập đoàn Rostec (Nga) cho biết, công tác chuyển giao S-300 cho Iran dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối năm nay.
"Trong giai đoạn 2011-2015, số lượng hợp đồng vũ khí được ký kết giữa Moscow và các nước Trung Đông đã tăng đáng kể, trong đó đánh dấu sự trở lại của Nga tại thị trường vũ khí Ai Cập và Iraq vốn bị Mỹ chiếm lĩnh trong thời gian gần đây.
Nga đã ký kết 1 gói thỏa thuận trị giá 3,5 tỷ USD với Ai Cập vào năm 2014, trong đó, Moscow sẽ cung cấp cho Cairo các tiêm kích MiG-29M/M2, trực thăng tấn công Mi-35M, tổ hợp tên lửa S-300VM và hệ thống phòng thủ bờ biển" - ông Kozhanov nói.
Song, vị chuyên gia nhận định, mối quan tâm của Nga không chỉ đơn thuần nằm ở lợi ích kinh tế.
Đó là bởi một khi nhập khẩu vũ khí, các quốc gia khách hàng sẽ cần nhà cung cấp hỗ trợ duy trì và nâng cấp trang thiết bị đã mua. Điều này tạo ra các điều kiện tiên quyết để Nga hiện diện dâu dài hơn trên thị trường vũ khí tại đây.
Song, đó chưa phải là tất cả: bằng cách xây dựng hình ảnh một đối tác và nhà cung cấp vũ khí đáng tin cậy, Moscow có thể củng cố vị thế địa chính trị của mình ở Trung Đông.