Cho dù chưa nổ súng, nhưng tuần qua, chỉ mỗi việc có tin Azerbaijan có thể mua hệ thống tên lửa Polonaise từ Belarus, đã khiến cho phía Armenia hoảng sợ, đề phòng.
Căn nguyên xung đột
Thời kỳ Liên bang Xô viết, vùng Nagorno-Karabakh là một tỉnh tự trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết Azerbaijan, nhưng cả Armenia và Azerbaijan vẫn âm ỉ "trong lòng" nuôi dưỡng hận thù, tranh chấp vùng đất này.
Trong lịch sử Nagorno-Karabakh vốn là vùng sinh sống từ xa xưa của người Armenia. Cộng đồng người Armenia ở đây tuyên bố ly khai khỏi Azerbaijan, là kết quả của sự bất bình kéo dài do sự cấm đoán tự do tôn giáo và văn hóa bởi Azerbaijan.
Azerbaijan vốn là quốc gia Hồi giáo trong khi đa phần dân chúng ở Armenia theo đạo Thiên chúa. Các cuộc xung đột giữa hai bên đã diễn ra từ năm 1988 và kéo dài nhiều năm sau.
Liên bang Xô viết sụp đổ năm 1991, những rào cản cuối cùng ngăn cản hai phía Armenia và Azerbaijan bị dỡ bỏ, hai nước lao vào tiến hành một cuộc chiến tổng lực. Một tháng trước đó, Quốc hội Azerbaijan bãi bỏ hiện trạng của Karabakh là một tỉnh tự trị, đổi tên thủ phủ của thành "Xankandi"…
… Sau sáu năm chiến tranh ác liệt, cả hai phía đều mệt mỏi, đã sẵn sàng ký lệnh ngưng bắn và trả lại hiện trạng cũ cho Nagorno-Karabakh. Cuộc chiến này, Azerbaijan được cho là thất bại sau khi đã cạn kiệt nguồn nhân lực phải nhờ vào Nga đưa ra giải pháp.
Giáo sư Nga, Georgiy I. Mirsky nói "Karabakh không có giá trị với người Azerbaijan như với người Armenia. Nhưng thanh niên tình nguyện Armenia hăng hái xung phong chiến đấu và hy sinh cho mảnh đất Karabakh hơn là người Azerbaijan".
Nguyên nhân chính vẫn là vấn đề lãnh thổ và quyền con người của người Armenia tại Karabakh.
Khu vực Nagorno-Karabakh đang có nguy cơ bùng phát xung đột quân sự quy mô giữa Armenia và Azerbaijan.
Tương quan sức mạnh quân sự
Ngày 2 tháng 4 năm 2016, khu vực biên giới Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan bất ngờ lại xảy ra cuộc xung đột bạo lực và hai nước này hiện đang cáo buộc lẫn nhau về hành vi khơi mào cho cuộc xung đột này.
Azerbaijan nói rằng binh lính Armenia đã nổ súng 127 lần trong 24 giờ dọc theo biên giới. Họ sử dụng đại bác và súng máy hạng nặng. Ngược lại, Armenia nói quân Azerbaijan tiếp tục tấn công đêm 1 tháng 4 bằng xe tăng, pháo và máy bay quân sự.
Tại thời điểm công bố được biết, phía Azerbaijan tổn thất 2 máy bay trực thăng chiến đấu, 3 xe tăng, 2 máy bay không người lái và 3 xe thiết giáp. Ước tính tổn thất sinh lực của đối phương cũng khác nhau - từ 40 đến 50 người, hầu như là binh sĩ, chủ yếu từ lực lượng đặc biệt do bắt được một nhóm biệt kích phá hoại.
Hãng tin Azertag ngày 3 tháng 4 dẫn thông cáo của Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết thêm, quân đội Azerbaijan đã bị công kích bằng súng cối 60mm, 82mm, 120mm, pháo hạng nặng, và súng phóng lựu, tổng cộng tới "130 lần" trong ngày.
Binh lực nhìn qua trang bị của quân đội 2 nước khá tương đồng nhau đều thừa hưởng vũ khí từ Liên Xô.
Bộ binh Azerbaijan có quân số lên tới 57.000 người, Không quân 8.000 người và Hải quân là 2.200 người. Ngoài ra họ còn có Vệ binh quốc gia, Biên phòng và Quân cảnh. Lực lượng dự bị động viên ước tính khoảng 300.000 người.
Xe tăng T-90S của Azerbaijan.
Azerbaijan có khoảng 220 xe tăng T-72, T-90S. Trong những năm gần đây Azerbaizan đã mua thêm một vài chiếc T-80. Lực lượng pháo binh gồm 300 khẩu pháo xe kéo và 120 pháo tự hành, pháo phản lực phóng loạt hoàn toàn do Liên Xô và Nga sản xuất với 60 hệ thống, trong đó có 30 tổ hợp BM-30 Smerch, 6 tổ hợp pháo phản lực nhiệt áp TOS-1A và 100 súng cối.
Về không quân, nước này có 106 máy bay các loại, nhiều máy bay không người lái UAV. Biên chế bao gồm các máy bay MiG-29, Su-24 và Su-25. Tiêm kích chủ lực MiG-29 mua của Ukraine vào năm 2006. Bên cạnh đó, còn có Il-76 thực hiện nhiệm vụ vận tải quân sự.
Azerbaijan có một số trực thăng chiến đấu - vận tải gồm: 15 chiếc Mi-24, 13 chiếc Mi-8 và 7 chiếc Mi-2. Trong tương lai, dự kiến sẽ có 24 trực thăng tấn công Mi-35M mua của Nga.
Sau khi Liên Xô tan ra, Azerbaijan đã tiếp quản căn cứ hải quân chính trên biển Caspian và một phần tàu chiến của hạm đội này, bao gồm 2 tàu khu trục nhỏ, 3 tàu tuần dương, 4 tàu tuần tra, 4 tàu quét mìn và 6 tàu đổ bộ.
Còn lực lượng của Armenia, có khoảng 48.000 quân, dự bị động viên vào khoảng 300.000 người. Lực lượng này được trang bị 400 xe tăng, 118 khẩu pháo…
Armenia không có lực lượng tiêm kích, việc bảo vệ không phận nhờ vào khoảng 18 MiG-29 của Nga đóng tại căn cứ Gyumri. Tuy nhiên, lực lượng phòng không nước này rất mạnh với tên lửa phòng không tầm xa S-300, tầm trung có S-75 Dvina, S-125 Pechora, tầm thấp có 9K33 Osa, 9K35 và một số tên lửa phòng không vác vai.
Điểm khác biệt giữa quân đội Armenia so với Azerbaijan đó là các tên lửa đạn đạo 9K720 Iskander mạnh về phòng thủ, mà Nga "ưu ái" trang bị cho.
Nhớ lại vào mùa hè năm 2015, ở Nam Caucasus, một tin "rò rỉ" đã được thảo luận, Armenia dự định mua Iskander với khoản vay 200 triệu USD từ Nga.
Vì không giáp biển nên quốc gia này không có hải quân.
Cạnh tranh với hệ thống tên lửa Iskander?
Cách đây chưa lâu, Azerbaijan tiếp tục làm nóng cuộc đua với Armenia bằng việc tự sản xuất vũ khí cảm tử công nghệ cao, như máy bay UAV mang vũ khí, tác chiến điệu tử và có thể bằng tin tặc.
Tuần này, giới quân sự Armenia bỗng xôn xao, khi nghe tin Azerbaijan có thể mua hệ thống pháo phản lực phóng loạt Polonaise của Belarus. Bởi thực tế là hệ thống này có thể cạnh tranh với 9K720 Iskander của họ.
Sau chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Azerbaijan Zakir Hasanov tới Minsk dư luận cho rằng có sự thương thảo về pháo phản lực phóng loạt (MRLS) Polonaise.
Polonaise của Belarus có nhiều tính năng tương đương với phiên bản xuất khẩu Iskander của Nga. Theo thống kê của nhà sản xuất, hệ thống Polonaise được thiết kế để phá hủy các thiết bị bọc thép dày, trên những vùng đất trống và những mục tiêu ở khoảng cách từ 50 đến 280km, trong tương lai có thể vượt hơn 300 km.
Khối lượng tên lửa khoảng 4 tấn, trong đó phần chiến đấu nặng khoảng 480 kg, tên lửa này dài khoảng 7,8 m, đường kính thân 0,75 m.
Hệ thống pháo phản lực phóng loạt Polonaise của Belarus.
Phần chiến đấu của nó có thể được cấu tạo với nhiều loại đầu đạn khác nhau như nổ, nổ mảnh, chống xe tăng xe bọc thép... cho phép tiêu diệt nhiều loại mục tiêu khác nhau. Tên lửa được trang bị hệ thống dẫn đường kết hợp giữa quán tính và vệ tinh.
Hệ thống tên lửa này có thể đồng thời bắn tám mục tiêu, trong khi độ lệch không vượt quá 30 mét. Một ưu điểm khác của Polonaise là nó dựa trên khung xe loại "Chiêm tinh" MZKT-7930. Vì lý do này, việc sử dụng "Polonaises" ở các khu vực có địa hình núi phức tạp không có bất kỳ khó khăn.
Polonaise có khả năng vượt qua các hệ thống phòng không, phòng thủ tên lửa của đối phương. Mỗi xe bệ phóng của pháo phản lực phóng loạt này sẽ được trang bị 2 tên lửa M20 đặt trong ống bảo quản kiêm ống phóng dạng container.
Nguồn tin cũng cho biết trong trường hợp chúng được sản xuất ở Belarus thì dựa vào những cơ sở đã có nhiều khả năng sẽ tạo ra loại tên lửa đặc biệt "đất đối đất" với tầm hoạt động lên tới 400 km thậm chí hơn.
Ngoài ra một loại tên lửa có tầm xa khoảng 300 km cũng sẽ được trang bị trên hệ thống MLRS Polonaise và nó tương đối giống tổ hợp Iskander của Nga.
"Yerevan nóng rẫy, có điều gì đó khiến họ phải lo lắng", nên trên tờ "Haykakan Zhamanak" xuất hiện tiêu đề: "Nếu Baku mua Polonaise, Armenia sẽ tấn công trước".
Và trong một giọng hoảng sợ: "Hệ thống MLRS Polonaise của sản xuất Belarus thực tế kém hơn hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander", tờ "Tiếng vọng Azerbaijan" viết hôm 19/10/2017.
"Polonaises" thực sự là một vũ khí nguy hiểm. Theo tờ "Sputnik Azerbaijan", trung tướng Quân đội Azerbaijan nghỉ hưu, hiện là chuyên gia của Bộ Quốc phòng, ông Yashar Aydemirov đã bình luận về sức mạnh hủy diệt của các vũ khí Iskander, lưu ý hệ thống MLRS Polonaise xuất xứ Belarus "ngang phân" với Iskander về đặc điểm kỹ-chiến thuật.
Mọi người còn nhớ, "Polonaise" trong bắn thật mùa hè năm 2016 đã chứng minh thành công trong tất cả các bài tập hủy diệt, khả năng của nó được mô tả: "Quan trọng nhất là họ bắn chính xác tất cả các mục tiêu. Hệ thống đã vượt qua thử nghiệm đáng tin cậy và có hiệu quả, có khả năng tạo hỏa lực nổi bật tại các mục tiêu lớn, với độ chính xác tối đa."
Hệ thống pháo phản lực phóng loạt Polonaise của Belarus chuẩn bị bắn thử nghiệm.
Giờ đây, theo cách nhìn nhận của Armenia, trong trường hợp hệ thống Polonaise xuất hiện ở Azerbaijan, phạm vi bắn 280 km, thì toàn bộ lãnh thổ của Armenia, vùng phía bắc, miền trung và miền nam, bao gồm cả thủ đô Yerevan và thung lũng Ararat sẽ bị đe dọa trực tiếp.
Armenia dường như đã "nhìn ra vấn đề": Rõ ràng Azerbaijan đã tiên liệu, cuộc chiến tiếp theo không chỉ ở biên giới với Karabakh như trước đây, mà còn ở chính nước Cộng hòa Armenia. "Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình chung và có thể đe dọa nghiêm trọng đối với Armenia", chuyên gia chính trị Ara Papyan của Armenia nói.
Liên Xô tan rã, Liên bang sụp đổ… những xung đột sắc tộc không dễ dung hòa. Người ta nhìn hệ thống vũ khí vừa mua sắm của các bên để định đoán ra khả năng và mưu đồ của nhau. Đó là một thực tế khó chối cãi.
Armenia lo lắng là có lý.