Không biết vô tình hay cố ý, nhưng có một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi tất cả các pha lập công của U19 Việt Nam tại VCK U19 châu Á 2016 đều được các cầu thủ thực hiện bằng đúng một nhịp chạm bóng. Người trong nghề hay gọi là "một phát ăn ngay".
Trong hành trình giành tấm vé tới ngày hội U20 World Cup 2017, các tuyển thủ U19 Việt Nam (giờ là U20) đã hạ knock-out đối thủ theo đúng một kịch bản duy nhất. Những Đức Chinh, Minh Dĩ hay Trần Thành đều không cho hậu vệ và cả thủ môn đối phương cơ hội cản phá.
"Kỹ năng dứt điểm một chạm đòi hỏi tiền đạo phải tập hợp được rất nhiều yếu tố để cấu thành bàn thắng, được thực hiện theo đúng kỹ năng khó nhất dành cho vị trí trung phong.
Ở thời điểm đó gần như tiền đạo không có lựa chọn thứ hai, nếu đã quyết định dứt điểm một chạm. Ngoài việc chạy chỗ chọn vị trí, canh đường kiến tạo của đồng đội thì tiền đạo gần như không được chần chừ, phải quyết đoán và các tình huống như thế thường được dứt điểm theo cảm tính là chính.
Các học trò của tôi ở PVF, đặc biệt là các mẫu cầu thủ chơi thiên về tấn công như Minh Dĩ, Đức Chinh được rèn rất nhiều kỹ năng này. Đặc biệt là tiền đạo Đức Chinh, cậu ta được tập rất nhiều về kỹ thuật dứt điểm một chạm.
Tôi luôn nhắc các học trò, trong vòng cấm nếu không muốn bị hậu vệ hay thủ môn đối phương cản phá thì các em không nên cho họ cơ hội, hãy xử lý thật gọn khi bóng đến chân", HLV Nguyễn Việt Thắng chia sẻ về những bài học dành cho hai thành viên của U20 Việt Nam.
Các tuyển thủ U20 Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho VCK U20 World Cup 2017. Ảnh: BD.
Để có được những pha dứt điểm một chạm, "kết liễu" đối thủ theo cách nhanh gọn lẹ nhất, đòi hỏi các vệ tinh chơi xung quanh trung phong cắm cũng phải hoạt động hết công suất. Điều đó có nghĩa, lối chơi ban bật nhỏ một chạm theo nhóm sau đó bất ngờ triển khai bóng ra biên để các tiền vệ lật vào trong cho tiền đạo ghi bàn phải được thực hiện rất thuần thục.
Và để cho lối chơi này phát huy được hết hiệu quả, yêu cầu tất cả các vị trí trên sân đều phải hoạt động hết công suất dựa trên một nền tảng thể lực sung mãn. Bởi với lối chơi pressing, dường như không có chỗ cho những cầu thủ không có được nền tảng thể lực tốt.
"Lối chơi của U20 Việt Nam tại World Cup sẽ không có nhiều thay đổi, không khác gì như khi chúng tôi thi đấu ở VCK U19 châu Á 2016. Và để làm được điều đó yêu cầu các cầu thủ phải có được nền tảng thể lực tốt nhất. Đó cũng là lý do tôi muốn có nhiều thời gian chuẩn bị thể lực cho toàn đội.
Ghi bàn ở khu vực châu Á đã khó, ra đấu trường quốc tế tất nhiên sẽ khó hơn rất nhiều. Thế nên, tôi mong và hy vọng các tiền đạo sẽ làm được điều tương tự như khi toàn đội giành vé dự U20 Wolrd Cup 2017", HLV Hoàng Anh Tuấn lý giải nguyên nhân vì sao cần 2 tháng chuẩn bị cho U20 Việt Nam trước khi đến đấu trường World Cup.
Hành trình đến World Cup của U20 Việt Nam