Cuộc thử nghiệm nằm trong chương trình nâng cấp và tăng tầm bắn lên tới 300km cho hệ thống đánh chặn Bavar-373 do Iran tự phát triển.
Theo Tướng phòng không Iran, Alireza Sabahi-Fard, đề án nâng cấp Bavar-373 nhằm mục đích đối phó tương xứng với các mối đe dọa từ bên ngoài và Tehran đã thử nghiệm hệ thống này ở phạm vi hoạt động mới.
Hồi năm 2019, Iran đã công bố hệ thống Bavar-373 đạt tầm bắn 200 km trong hoạt động đánh chặn các mục tiêu thù địch. "Chúng ta đang theo dõi kẻ thù tại những căn cứ của chúng. Tầm hoạt động radar của chúng ta lên đến hàng nghìn km", tướng Iran nói.
Theo hãng thông tấn Tasnim của Iran, với tầm bắn lên tới 300km, hệ thống Bavar-373 có khả năng diệt mục tiêu xa hơn đáng kể so với phiên bản xuất khẩu của tổ hợp đánh chặn tầm xa S-400 do Nga sản xuất.
Khả năng đánh chặn ấn tượng của Bavar-373 trước đó cũng đã được Thứ trưởng Quốc phòng Iran Mahdi Farahi so sánh với tên lửa S-400: "Các phiên bản mới của hệ thống Bavar-373 sẽ sớm được ra mắt. Chúng có uy lực ngang ngửa, thậm chí vượt trội hệ thống S-400".
Vị tướng này tiết lộ, hiện Tehran đã phát triển thành công loại nhiên liệu lỏng có độ ổn định tương đương nhiên liệu rắn. Các loại nhiên liệu rắn vốn có khả năng bảo quản dài hạn và được nạp sẵn trong tên lửa, cho phép chúng khai hỏa ngay khi có lệnh, nhưng hiệu suất kém hơn nhiên liệu lỏng.
Ông Farahi cho rằng nhiên liệu lỏng có độ ổn định cao sẽ giúp tăng tốc độ và tầm bắn của tên lửa, trong khi bảo đảm thời gian phản ứng ngắn hơn tên lửa dùng nhiên liệu lỏng truyền thống.
Bavar-373 là hệ thống phòng không tầm xa do Iran tự phát triển và chế tạo, được đánh giá là bản sao của tổ hợp S-300 Nga.
Quá trình phát triển được bắt đầu từ năm 2010, sau khi Nga hoãn thương vụ bán tên lửa S-300 trị giá 900 triệu USD cho Iran để tuân thủ lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Những hình ảnh đầu tiên về tổ hợp Bavar-373 xuất hiện giữa năm 2016, Tehran thông báo quá trình thử nghiệm đã diễn ra trong năm 2017.
Mỗi hệ thống Bavar-373 nguyên bản có thể phát hiện đồng thời 300 mục tiêu, bám bắt 60 trong số đó và điều khiển tên lửa tấn công 6 mục tiêu cùng lúc.
Các quả đạn được đặt trong ống bảo quản kiêm bệ phóng, có tầm bắn tối đa 300km và trần bay 27km.
Đạn Sayyad-4 của hệ thống Bavar-373 được cho là biến thể cải tiến dựa trên bản sao chép tên lửa đánh chặn SM-1 được Mỹ bán cho Iran trước Cách mạng Hồi giáo năm 1979.